Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vào ngày 26/8 rằng vụ bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov hôm 24/8 xuất phát từ một cuộc điều tra độc lập và không mang động cơ chính trị.
Macron đã đăng tuyên bố chính thức đầu tiên của Pháp trên nền tảng mạng xã hội X, nói rằng Pháp "cam kết sâu sắc" với quyền tự do ngôn luận nhưng "quyền tự do được duy trì trong khuôn khổ pháp lý, cả trên mạng xã hội và ngoài đời thực, để bảo vệ công dân và tôn trọng các quyền cơ bản của họ".
Macron cũng lên án những cáo buộc về động cơ chính trị là sai sự thật, nói thêm rằng vụ bắt giữ "hoàn toàn không phải là quyết định chính trị. Phán quyết về vấn đề này là tùy thuộc vào thẩm phán".
Văn phòng công tố Paris cũng đã đưa ra tuyên bố đầu tiên về vụ bắt giữ vào thứ Hai 26/8, tiết lộ rằng Durov bị bắt giữ do một cuộc điều tra tư pháp được mở vào tháng 7 liên quan đến hàng chục tội danh khác nhau.
Văn phòng công tố cho biết các tội danh bị cáo buộc của Durov bao gồm đồng lõa trong việc bán nội dung khiêu dâm trẻ em và ma túy bất hợp pháp, gian lận, tiếp tay cho các giao dịch tội phạm có tổ chức và từ chối chia sẻ thông tin hoặc tài liệu với các nhà điều tra khi luật pháp yêu cầu.
Thời gian giam giữ Durov đã được kéo dài từ cuối Chủ Nhật đến đêm thứ Hai và có thể kéo dài đến tối 28/8 trước khi chính quyền phải trả tự do hoặc buộc tội anh.
Trong một tuyên bố, Telegram cho biết họ tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu và hoạt động kiểm duyệt của họ "nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện".
"Giám đốc điều hành của Telegram, Pavel Durov, không có gì phải che giấu và thường xuyên đi du lịch ở châu Âu. Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng đó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó", công ty cho biết.
Một số chính phủ phương Tây đã chỉ trích Telegram vì thiếu kiểm duyệt nội dung, họ cho rằng điều này mở ra cơ hội sử dụng nền tảng nhắn tin này cho mục đích rửa tiền, buôn bán ma túy và chia sẻ tài liệu liên quan đến việc bóc lột tình dục trẻ vị thành niên.
Năm 2022, Đức đã phạt 5 triệu USD đối với các nhà điều hành Telegram vì không thiết lập được cách thức hợp pháp để báo cáo nội dung bất hợp pháp hoặc không nêu tên một thực thể tại Đức để nhận thông tin liên lạc chính thức. Cả hai đều là yêu cầu theo luật pháp Đức quản lý các nền tảng trực tuyến lớn.
Tương tự như vậy, Brazil đã tạm thời đình chỉ Telegram vào năm ngoái vì không giao nộp dữ liệu về hoạt động bị cáo buộc của chủ nghĩa phát xít mới liên quan đến cuộc điều tra của cảnh sát về vụ xả súng ở trường học.
Chính quyền Nga cũng đã cố gắng chặn Telegram nhưng không thành công, lệnh cấm đã được gỡ bỏ vào năm 2020.
Durov là công dân Pháp và cũng có quốc tịch ở Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và St. Kitts và Nevis.
Durov đã đồng sáng lập Telegram cùng anh trai mình sau khi công ty trước đây của anh, cũng cung cấp dịch vụ nhắn tin, bị chính quyền Nga lên án.
Ứng dụng đó là VKontakte, được ra mắt vào năm 2006, nhưng Durov đã bán cổ phần của mình trong công ty sau khi chính phủ Nga yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân của những người dùng tham gia vào cuộc nổi dậy của người dân ở Ukraine vào năm 2013 và 2014 dẫn đến việc lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.
Nga đã lợi dụng sự kiện này để biện minh cho việc sáp nhập Crimea sau đó và ủng hộ phe ly khai nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine.
Durov trước đó nói rằng ông đã từ chối yêu cầu của chính phủ Nga và rời khỏi Nga.
Từ đó, Telegram đã trở thành một nguồn thông tin phổ biến ở Ukraine và Nga, nơi các cơ quan truyền thông và chính phủ đều sử dụng nền tảng này để chia sẻ tin nhắn về cuộc chiến đang diễn ra và đưa ra cảnh báo trực tiếp.