Mới đây, tại TP.HCM, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin Năng lượng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi về hiện trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam.
Trong 3 năm thực hiện khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích - FIT, đến 31/12/2020 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Đến ngày 31/10/2021, hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 4.000 MW điện gió, đưa vào vận hành. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55.
Các cơ chế giá FIT cho điện gió, điện mặt trời đã góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý 1/2022).
Tại hội thảo, các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ có các chính sách nối tiếp cơ chế FIT để quá trình phát triển lượng tái tạo được liên tục, tận dụng đà tăng trưởng, cũng như các lợi thế rõ ràng trong chuỗi cung ứng quốc tế về công nghệ, tài chính vừa qua.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, với xu hướng giảm dần nhiệt điện than và phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất cho đầu tư điện than dù đã có trong quy hoạch điện lực quốc gia. Đồng thời xuất hiện trào lưu đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hoá lỏng (LNG) tại các địa phương.
Tuy nhiên, cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí này vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý đối với bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường. Các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách hài hòa lợi ích giữa các bên mua, bán điện.
Về cơ chế chính sách đấu thầu các dự án điện, năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Thái Sơn- Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: "Chính phủ còn chậm ban hành cơ chế đấu thầu dự án điện gió mang tính dài hạn, có phân kỳ để huy động được nguồn lực tư nhân trong nước. Cơ chế đấu thầu điện gió, điện năng lượng mặt trời thì chúng đang thiếu, Chính phủ đã giao việc này cho Bộ Công thương nhưng đến nay chưa ban hành. Chưa có những quy định rõ ràng, chặt chẽ để xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi, nếu những quy định này ban hành chậm thì sẽ điện gió ngoài khơi sẽ không thể có được trước 2030".