TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã thẳng thắn nhận định như vậy tại hội thảo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014, thành quả cải cách phát triển 2014 và một số vấn đề chính sách 2015-2016.
Để duy trì thành tích tăng trưởng đã đạt được trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động thêm gần 1,5 lần.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2014 do CIEM phối hợp với Australian Aid thực hiện được công ngày 11-2 tại Hà Nội, cho thấy tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế đã rõ hơn, song tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức trung bình thời kỳ 1999-2000 và xu thế tăng trưởng chưa được cải thiện rõ nét.
Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam những năm gần đây thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Dự báo trong giai đoạn 2012-2016, mức tăng trưởng của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Campuchia, Lào, Myanmar và thấp hơn Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2008-2013 thấp đáng ngại. Theo đó, năng suất lao động xã hội năm 2014 của toàn nền kinh tế theo CIEM ước đạt 74,3 triệu đồng/lao động, tăng khoảng 4,3% so với năm 2013. Vì vậy, yêu cầu tăng nhanh năng suất các nhân tố tổng hợp, nhất là năng suất lao động đã trở nên cấp thiết. Để duy trì thành tích tăng trưởng đã đạt được Việt Nam phải tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động lên gần 1,5 lần so với hiện nay.
Theo nhận định các chuyên gia kinh tế, kinh tế năm 2015 sẽ đón nhận nhiều xung lực mới từ các cải cách thể chế về môi trường kinh doanh trong năm 2014. Đó là quyền tự do kinh doanh của người dân. doanh nghiệp được mở rộng và được đảm bảo một cách chắc chắn hơn. Doanh nghiệp được tự do kinh doanh tất cả ngành, nghề pháp luật không cấm. Đồng thời, những rào cản gia nhập thị trường đã giảm, tạo thuận lợi hơn cho đầu tư, kinh doanh, giúp doanh nghiệp được tự quyết nhiều hơn đối với các vấn đề nội bộ, giảm rủi ro pháp lý, tăng mức độ an toàn trong hoạt.
Song để hiện thực hóa các tác động từ cải cách thể chế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng một trong các điều kiện cần là cán bộ, công chức cần thực hiện đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp, không làm méo mó, sai lệch nội dung của luật và không làm trái luật…
Trong điều kiện bình thường, CIEM dự báo tốc độ tăng GDP năm 2015 sẽ đạt 6,07% ( thấp hơn mục tiêu 6,2%), tăng trưởng xuất khẩu sẽ ở mức 11,2%, thấp hơn so với năm 2014. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại dự kiến năm nay ở mức 3,9 tỷ USD, chủ yếu do giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, còn mức tăng CPI đạt 4,14%, cao hơn năm 2014.
Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 cũng khuyến cáo, ưu tiên chính sách trong các năm 2015-2016 là tập trung nhiều hơn hơn vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Bên cạnh đó, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tự do hóa thị trường, khuyến khích và cải thiện năng lực công nghệ gắn với tăng năng suất lao động bền vững… đã khởi xướng từ năm 2014 vẫn cần được duy trì và làm sâu sắc hơn. Trên nền tảng ấy cần tạo lập, củng cố trật tự và kỷ luật thị trường.
Đánh giá các động lực tăng trưởng kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng kinh tế chỉ tăng trưởng bền vững khi các doanh nghiệp Việt Nam thực sự mạnh lên. Nhìn lại bức tranh kinh tế 2014 đóng góp chủ yếu là khu vực FDI. Dường như các doanh nghiệp dân doanh trong nước chưa tiếp cận được các ưu đãi như khu vực FDI và các doanh nghiệp nhà nước.
Một môi trường kinh doanh bình đẳng sẽ là động lực để thức đẩy nền kinh tế đi lên. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là cải cách thể chế chứ không đơn thuần là cải cách môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh dù được cải thiện đến đâu vẫn bị khung thể chế kiềm lại. Cho nên cần phân tích môi quan hệ giữa hai vấn đề này. Nếu không có thể làm đảo ngược, mất dần hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh.