Tuy nhiên, hiện hàng ngàn sinh viên ở nhiều trường đã tốt nghiệp cả năm nhưng vẫn chưa được nhận bằng tốt nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM vui mừng khi được nhận bằng tốt nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19
Bỏ qua nhiều cơ hội
Gần 4.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tốt nghiệp gần cả năm nay nhưng vẫn chưa được nhà trường trao bằng tốt nghiệp chỉ vì lý do… trường không có hiệu trưởng! PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, thống kê cho thấy hiện nhiều sinh viên hệ chính quy, vừa học vừa làm, liên kết, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp từ tháng 5-2021 đến nay vẫn chưa thể cấp bằng vì trường chưa có hiệu trưởng mới.
“Đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay của trường vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học. Có em đi học thạc sĩ nước ngoài cần phải có bằng chính thức nhưng nhà trường không thể giải quyết được. Có em làm ở các đơn vị nhà nước khi ký hợp đồng tuyển dụng yêu cầu phải có bằng đại học, nhà trường cũng không biết giải quyết thế nào. Với những em làm ở các đơn vị tư nhân thì nhà trường liên hệ trực tiếp để giải thích và nhờ tạo điều kiện giúp đỡ”, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh trăn trở. Vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng xét tốt nghiệp thêm cho 3.000 sinh viên, nâng tổng số sinh viên chưa được cấp bằng hiện nay lên đến 7.000 em.
Trước đó, khoảng 3.000 sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng tốt nghiệp các đợt từ tháng 4-2020 chưa nhận bằng tốt nghiệp xuất phát từ vấn đề kiện toàn tổ chức và nhân sự lãnh đạo. Mãi đến tháng 5-2021, nhà trường mới có thông bao chính thức về việc cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Trong khoảng thời gian đó, rất nhiều sinh viên sau khi kết thúc thời gian thực tập, được doanh nghiệp ký hợp đồng tuyển dụng chính thức nhưng do không có bằng tốt nghiệp đành ngậm ngùi bỏ qua cơ hội. Em N.Q.T, sinh viên ngành Kế toán, cho biết: “Em bảo vệ khóa luận tốt nghiệp từ tháng 8-2020. Sau khi kết thúc thực tập tại một công ty bất động sản, em được công ty đồng ý tuyển dụng với điều kiện tháng 9-2020 phải nộp bằng tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, sau 3 tháng chờ bằng tốt nghiệp để được ký hợp đồng, công ty đã tuyển dụng người khác và em mất cơ hội chỉ vì nhà trường không cấp bằng tốt nghiệp”.
Trách nhiệm… lửng lơ!
PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Từ khi hiệu trưởng kết thúc nhiệm kỳ (tháng 5-2021), nhà trường thiếu nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất là gần 4.000 sinh viên đã tốt nghiệp trong năm 2021 và 3.000 sinh viên vừa xét tốt nghiệp trong năm nay chưa được cấp bằng. Dù nhà trường đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho các sinh viên để xin việc, nhưng rất nhiều công ty, đơn vị đòi bằng chính thức để ký hợp đồng. Đây là thiệt thòi lớn của sinh viên vì liên quan đến quyền lợi, thu nhập, lương bổng của người học sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà trường. Dù biết người học bị thiệt thòi nhưng chúng tôi cũng không thể giải quyết”.
Sinh viên T.P.T (tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí từ tháng 5-2021), cho biết: “Lẽ ra em nhận bằng tốt nghiệp từ tháng 8-2021 nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chờ đến khi được đi học bình thường trở lại, nhà trường thông báo sẽ tổ chức phát bằng tốt nghiệp trong tháng 12-2021. Thế nhưng đến nay sau nhiều lần lên phòng đào tạo, em chỉ nhận được lời hứa. Không chỉ em mà rất nhiều bạn hiện nay không cần trường tổ chức lễ phát bằng mà chỉ cần có bằng để lên nhận về đi xin việc. Chúng em đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy chế đào tạo nhưng ngược lại quyền lợi của em không được hưởng thì không biết trách nhiệm này thuộc về ai. Trong khi đó, khi học chúng em không nộp học phí đúng hạn là sẽ không được xếp lớp để học, thi không đạt thì phải đóng tiền học lại”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản yêu cầu và hướng dẫn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM về việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo của trường. Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định 99 về hướng dẫn thi hành luật này thì việc này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền, trách nhiệm của hội đồng trường. Nếu hội đồng trường giao quyền hiệu trưởng hoặc cho một phó hiệu trưởng phụ trách thì sẽ giải quyết được ngay. Đằng này hội đồng trường lại giao cho một trưởng khoa phụ trách thì không thể giải quyết được”.
Với nhiều năm phụ trách công tác đào tạo, Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng, việc phát bằng tốt nghiệp cho người học là không thể chậm trễ, vì đây là quyền lợi của người học được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, trừ trường hợp bất khả kháng như do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu không có hiệu trưởng mới thì hội đồng trường có thể đề xuất, giao phó hiệu trưởng phụ trách cũng có thể ký trên bằng tốt nghiệp. Vấn đề ở đây là do cách làm của các cơ sở đào tạo và một phần có thể do nội bộ đùn đẩy trách nhiệm, không đặt quyền lợi của người học lên hàng đầu.