Chăm sóc da chàm dịu lành chuẩn khoa học

(ĐTTCO) - Cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm da chàm, viêm da cơ địa. Vì thế việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp người bệnh tránh được các sai lầm khiến da tổn thương nhiều hơn, từ đó cũng giúp chung sống hòa bình với chàm da.

Chàm da không phân biệt tuổi, giới tính

Chàm hay còn gọi chàm thể tạng (Eczema) là tình trạng là một bệnh viêm da mạn tính với các triệu chứng đặc trưng gồm: da đỏ, nổi mụn nước, ngứa dữ dội, khô, nứt... Bệnh tái phát nhiều lần gây khó chịu, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Người bị chàm sẽ có làn da nhạy cảm hơn và dễ bị nhiễm các bệnh da khác hơn do hàng rào bảo vệ da suy yếu, không ngăn chặn được các tác nhân gây dị ứng, khiến khả năng giữ ẩm kém, da thường bị khô nhiều hơn.

Bệnh phát triển ở 4 giai đoạn điển hình: đầu tiên là đỏ da; giai đoạn 2 là mụn nước, còn gọi là chảy nước, giai đoạn này dễ nhiễm khuẩn thứ phát; giai đoạn 3 là lên da non; giai đoạn 4 là hằn cổ trâu. Bệnh chàm có thể xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, giới tính. Đối với người lớn, nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh chàm là do sự phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh bên trong (di truyền, cơ địa, tác dụng phụ của thuốc) hoặc tác nhân bên ngoài (vi khuẩn, hóa chất, thay đổi thời tiết). Đối với trẻ em, nguyên nhân có thể do hệ miễn dịch quá nhạy cảm khiến hàng rào bảo vệ da suy yếu, đột biến gen…

BS CKII. Ngô Thị Ngọc Vân Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

BS CKII. Ngô Thị Ngọc Vân Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Trong những bệnh lý về chàm, điển hình là viêm da cơ địa vì bệnh này thường gặp ở trẻ em, hơn 60% viêm da cơ địa khởi phát trong năm đầu tiên của cuộc sống, gần 80% bệnh nhân kéo dài đến năm 5 tuổi và 75% bệnh nhân khỏi bệnh sau 12 tuổi. Chỉ dưới 2% bệnh nhân khởi phát sau 20 tuổi. Phân loại theo độ tuổi có chàm sữa (trẻ nhỏ), viêm da cơ địa (trẻ 2-12 tuổi), viêm da cơ địa người lớn (trên 12 tuổi). Về tiêu chuẩn chuẩn đoán có 4 tiêu chuẩn chính: ngứa, viêm da mạn tính tái phát, hình thái và vị trí điển hình; tiền sử gia đình hay bản thân bị các bệnh cơ địa.

Chăm sóc đúng để sống chung hòa bình

Trong ngành y học vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm vấn đề ngứa ngáy cho bệnh nhân chàm cũng như viêm da cơ địa vì thế bệnh viêm da cơ địa hay tái đi tái lại. Nhưng nếu chúng ta biết cách kiểm soát chu kỳ ngứa cũng như biết cách chăm sóc đúng vẫn có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này.

Việc điều trị bệnh chàm hướng đến 3 mục tiêu chính bao gồm: kiểm soát cơn ngứa, làm lành da, ngăn chặn sự lan rộng tổn thương và hạn chế nhiễm trùng. Để kiểm soát cơn ngứa, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc điều trị. Tuy nhiên, sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như mỏng da, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Do đó người bệnh cần thăm khám và theo dõi bệnh lâu dài ở các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ điều chỉnh thuốc trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, vùng da chàm có thể cải thiện khi người bệnh giữ cho làn da của mình khỏe mạnh, từ đó có thể ngăn ngừa khô, ngứa, mẩn đỏ một cách tự nhiên. Cần chú ý trong quá trình làm sạch da chàm, nên sử dụng nước ấm thay vì nước nóng để không bị khô da. Người bị chàm da nên lựa chọn những sản phẩm cho da được chuyên gia da liễu khuyên dùng, dịu lành và đặc trị cho da chàm: không hương liệu, không paraben, không gây kích ứng và không gây bít tắc lỗ chân lông. Nên ưu tiên những sản phẩm chuyên về công dụng dưỡng ẩm, củng cố hàng rào bảo vệ da như công nghệ Ceramides sẽ hỗ trợ làm lành da hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cần chú ý ngăn chặn sự lan rộng tổn thương và nhiễm trùng, không nên gãi trên vùng da bị chàm. Việc gãi chỉ giúp giảm ngứa tạm thời nhưng lại khiến những tổn thương da nặng hơn. Gãi lên da cũng sẽ kích hoạt một vòng luẩn quẩn: ngứa - gãi - phát ban ngoài da. Đây cũng là yếu tố khiến cho tình trạng bệnh chàm có thể bùng phát. Thay vì gãi, người bệnh có thể chườm mát để làm dịu da.

Không sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt hoặc chà xát mạnh với khăn lau cơ thể vì chúng có thể gây kích ứng và khiến chàm lây lan. Nên lau khô bằng khăn mềm thay vì chà xát và nhớ để da ẩm. Người bệnh cần nhớ, bôi dưỡng ẩm đúng có thể làm lành da giảm thiểu cơn ngứa. Không tự ý mua thuốc bôi, đắp lá, thuốc theo dân gian, các thuốc có chứa corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ. Tự ý bôi thuốc có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm khuẩn. Đặc biệt với các loại thuốc corticoid tự ý dùng dài ngày sẽ có thể khiến da gặp tác dụng phụ như bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da.

Đã có không ít trường hợp bệnh nhân tự ý dùng thuốc khi bị chàm da khiến tình trạng trở nặng, nhiễm trùng da khiến việc điều trị mất nhiều thời gian hơn. Cụ thể gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận điều trị cho người bệnh T. (34 tuổi, ngụ tại Tiền Giang). Anh T. được chẩn đoán bị chàm da cơ địa, đang theo dõi điều trị tại địa phương. Sau một thời gian sử dụng thuốc, anh thấy các cơn ngứa không giảm nên tự ý bôi một loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

Sau khoảng 2 tuần, các cơn ngứa không giảm, anh T. cảm thấy da ửng đỏ, phát ban nặng. Đến khám tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ cho biết anh T. bị nhiễm trùng do tự ý sử dụng thuốc bôi không phù hợp. Anh T. được bác sĩ điều chỉnh thuốc kiểm soát cơn ngứa, phục hồi các thương tổn trên da và hướng dẫn cách chăm sóc giúp làm dịu, hạn chế chàm lan rộng và nhiễm trùng.

Các tin khác