Nhiều kiểu chậm trễ
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM kết quả rà soát kiến nghị xung quanh các giải pháp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của quận 12, TPHCM. Trong báo cáo có nội dung về việc xem xét thu hồi hàng loạt khu đất đã giao cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án phát triển bất động sản hoặc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhưng các đơn vị này không triển khai hoặc chậm so với cam kết. Những khu đất này trước đó cũng được Ban Thường vụ Quận ủy quận 12 xác định cần thu hồi do sử dụng không có hiệu quả, không đúng mục đích.
Trong số 14 khu đất được đề xuất thu hồi trên địa bàn quận 12 có khu đất 7.526m2 tại phường Tân Thới Nhất. Khu đất này được giao cho Trường Trung cấp Phương Nam xây dựng trường học. Để có đất “sạch”, chính quyền đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ dân sống trên khu đất. Cách đây hơn 5 năm, chủ đầu tư tổ chức khởi công dự án nhưng sau đó không xây dựng gì. Hiện dự án vẫn là một bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm.
Dự án khu dân cư - trung tâm thương mại - cao ốc văn phòng nằm giữa 2 mặt đường Phạm Văn Đồng - Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh) rộng 8ha, do Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư. Dự án có chủ trương đầu tư từ hàng chục năm nay, nhưng hiện vẫn chưa triển khai do vướng đền bù giải tỏa. Một diện tích lớn đất của dự án đã được thu hồi nhưng đến nay vẫn để không, chỉ có cây cỏ mọc và những con đường ngoằn ngoèo với hàng trăm căn nhà nhỏ, thấp.
Một dự án nhà ở khác là dự án Centa Park, có vị trí đắc địa, nằm trong khu phức hợp 678 Âu Cơ (quận Tân Bình) với 4 mặt tiền. Dự án được chủ đầu tư là Công ty Seaprodex Saigon và Công ty cổ phần Thanh Niên hợp tác phát triển từ năm 2014 với quy mô công bố gồm 4 block 31 tầng, 1.300 căn hộ. Tuy nhiên, sau khi giới thiệu và động thổ để thử tải móng thì dự án không thể triển khai. Theo đại diện Công ty cổ phần Thanh Niên, nguyên nhân là dự án chưa xong thủ tục pháp lý. Gần 10 năm sau khi xây dựng nhà mẫu, xây dựng tầng hầm rầm rộ…, đến nay nhà mẫu của dự án đã được tháo dỡ, máy móc thiết bị thi công được chuyển đi.
Hiệu quả xóa dự án “treo” còn thấp
Theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, đối với diện tích đất ghi trong Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất, nếu sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất…
Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật khác cũng quy định rõ điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể: phải có các điều kiện có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Để phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên đất, ngoài các quy định về pháp luật, TPHCM còn ban hành một số nghị quyết nhằm giám sát việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch. Căn cứ vào đây, thời gian qua đã có hàng trăm dự án với diện tích hơn 6.000ha đất bị thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi quyết định giao đất… do không khả thi hay chủ đầu tư chậm triển khai. TPHCM cũng nhiều lần ra văn bản yêu cầu các quận huyện xem xét các dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai thực hiện thì phải thu hồi, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân trong các khu vực thực hiện dự án.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực này, trên thực tế vẫn còn không ít dự án “treo” hàng chục năm khiến cuộc sống người dân trong khu vực dự án gặp rất nhiều khó khăn, như dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), khu đô thị Tây Bắc, dự án Safari (huyện Củ Chi). Chưa kể, tại nhiều dự án sau khi “xóa treo”, quyền lợi hợp pháp của người dân chưa được phục hồi ngay. Nhiều người dân than phiền, khi biết dự án có nhà đất của mình đã được “xóa treo”, người dân liên hệ cơ quan chức năng để xin xây dựng, chuyển nhượng thì một số nơi cán bộ địa chính trả lời rằng phải chờ hướng dẫn của cấp trên(?!).
Mặt khác, có thực tế là để dự án “treo” đôi khi không xuất phát từ phía doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng vướng thủ tục, muốn nộp tiền sử dụng đất để triển khai dự án cũng khó. Nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi quy định rõ thời gian triển khai dự án, hết thời hạn thì dự án mặc nhiên hết hiệu lực triển khai, người dân đương nhiên được khôi phục những quyền về sử dụng đất, không đợi đến khi chính quyền tuyên bố xóa “treo”.
Và những dự án “treo” từ lỗi của chính quyền, thì doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ để dự án được đẩy nhanh tiến độ. Khi đó, pháp luật được thực hiện một cách công bằng, minh bạch; nguồn lực đất đai có thể phát huy, chấm dứt tình trạng lãng phí đất đai như lâu nay.