Chấn chỉnh hài nhảm trên truyền hình

(ĐTTCO) - Sự kiện Đài truyền hình Vĩnh Long từ chối sự có mặt của MC Trấn Thành trong chương trình “Tuyệt đỉnh song ca nhí” đã làm bùng nổ sự quan tâm của công chúng đối với nghệ sĩ được xưng tụng danh hài ăn khách này.

(ĐTTCO) - Sự kiện Đài truyền hình Vĩnh Long từ chối sự có mặt của MC Trấn Thành trong chương trình “Tuyệt đỉnh song ca nhí” đã làm bùng nổ sự quan tâm của công chúng đối với nghệ sĩ được xưng tụng danh hài ăn khách này. Làn sóng kêu gọi tẩy chay MC Trấn Thành khá ồn ào.

Tuy nhiên, cái lệch lạc của MC Trấn Thành có phải do một mình MC Trấn Thành gây ra không? Ưu điểm của MC Trấn Thành là thích hoạt ngôn và muốn hoạt ngôn. Đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi như vậy chăng? Chưa chắc, người có ý thức tạo dựng sự nghiệp lâu dài sẽ phải biết cách đắn đo nói nhiều khác hoàn toàn nói hay, và nói dai khác hoàn toàn nói dại. Khi không trang bị đủ bản lĩnh, MC Trấn Thành lập tức sa vào mê hồn trận của những sự vạ mồm liên tục.

Chương trình “Tuyệt đỉnh song ca nhí” . 

Đã hơn một lần dư luận cảnh tỉnh MC Trấn Thành. Thế nhưng, MC Trấn Thành không thèm nghe và còn phản ứng gay gắt “không thích thì tắt ti vi”. Tuổi trẻ bao giờ cũng bồng bột và nóng nảy, cộng với một chút thành công bé mọn ban đầu rất dễ sinh ra kiêu ngạo và vênh váo. Thấu hiểu ở tầm mức ấy, có thể thông cảm cho MC Trấn Thành.

Ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long, cho rằng: “Với tư cách người làm truyền hình tôi cho rằng tác phẩm phục vụ người dân phải có giá trị nhân văn. Tôi không lấy lý do rating hay khán giả để hài nhảm xuất hiện…”.

Thái độ ấy rất đúng đắn, nhưng cấm sóng MC Trấn Thành liệu có chấm dứt cơn sốt hài nhảm đang hoành hành trên khắp màn ảnh nhỏ không? Câu trả lời là không. MC Trấn Thành chỉ là một thí dụ của hài nhảm, chứ không phải là nhân tố nền tảng của hài nhảm hoặc cơ sở nền tảng của hài nhảm. Khi những người làm nghệ thuật và những người làm truyền thông vẫn xem sự hài hước trên tivi như một công cụ kiếm tiền, hài nhảm còn nguyên đất sống tưng bừng.

Để chấn chỉnh hài nhảm, không thể trông cậy vào động thái cấm sóng một vài nghệ sĩ hoặc kêu gọi chung chung. Bây giờ có bao nhiêu kênh truyền hình tự sản xuất chương trình đâu, hầu hết đều hợp tác với các công ty tư nhân để thực hiện gameshow. Khi quan điểm thúc ép văn hóa phải đẻ ra tiền bạc, game show nào cũng chăm chú phục vụ cho nhu cầu quảng cáo.

Những ông chủ thương hiệu đứng phía sau sàn diễn, bỗng dưng có quyền bình chọn chuẩn mực ngôi sao mới và bỗng dưng có quyền đưa ra thước đo thẩm mỹ mới. NSND Hồng Vân cảm thán: “Gameshow, nhất là những gameshow hài đang giật văn hóa, giật thẩm mỹ xuống đến mức lệch hướng, khiến chúng tôi là người vừa quản lý vừa trực tiếp tham gia những gameshow đó cũng bị mất định hướng”.

Còn nghệ sĩ hài Xuân Hương bày tỏ: “Mong rằng các nhà đài, các nghệ sĩ ý thức được vai trò của mình đối với công chúng, đối với xã hội để tìm con đường đi chuẩn mực hơn”. 

Các tin khác