Chấn chỉnh vượt trần lãi suất huy động?

(ĐTTCO) - Trước việc nhiều NH đang tạo ra cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường khiến nguy cơ mặt bằng lãi suất cho vay năm 2016 sẽ tăng lên, NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đồng thời sẽ xử lý người đứng đầu đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng với lạm phát thấp, thị trường tài chính ổn định nên dần tiến tới cơ chế lãi suất theo hướng thị trường.

(ĐTTCO) - Trước việc nhiều NH đang tạo ra cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường khiến nguy cơ mặt bằng lãi suất cho vay năm 2016 sẽ tăng lên, NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đồng thời sẽ xử lý người đứng đầu đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng với lạm phát thấp, thị trường tài chính ổn định nên dần tiến tới cơ chế lãi suất theo hướng thị trường.

Nằm trong vùng ổn định

Theo số liệu thống kê từ Vụ Chính sách tiền tệ (thuộc NHNN), trong tháng 12-2015, tính chung toàn hệ thống TCTD có 11 NH điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn 0,1-0,5%/năm và 2 NH giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm. Theo cơ quan này, xu hướng tăng lãi suất tại các NH chủ yếu do yếu tố mùa vụ, mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp giáp Tết. Sau điều chỉnh, lãi suất các NH này vẫn nằm trong vùng trung bình so với mặt bằng chung (khoảng 5-5,3%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 6,4-7,0%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng). Do đó, nếu tính trung bình toàn hệ thống, lãi suất huy động bình quân gia quyền trong tháng 12-2015 ở mức 5,1%/năm, chỉ cao hơn 0,06%/năm so tháng trước đó.

Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn. Bên cạnh đó mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV-2015 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Bước sang nửa đầu tháng 1-2016, có 3 NH điều chỉnh tăng lãi suất 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Đây là các NHTMCP nhỏ và mức điều chỉnh thấp nên lãi suất huy động bình quân gia quyền toàn hệ thống vẫn tiếp tục ổn định so với tháng 12-2015. Lãi suất của các NH này sau điều chỉnh vẫn nằm trong vùng phổ biến của toàn hệ thống. Hiện lãi suất huy động của hệ thống TCTD phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 5,5-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Mức tăng lãi suất huy động này không đáng kể, nên về cơ bản mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ vẫn tiếp tục ổn định, chưa gây áp lực lên lãi suất cho vay.

 Lách kỹ thuật

Diễn biến thị trường những tuần đầu tiên của năm 2016 cho thấy nhiều NH áp dụng các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm. Chẳng hạn VIB khuyến mại người gửi tiền kỳ hạn 6 tháng được cấp mã số may mắn để có cơ hội cộng lãi suất thưởng 2%, tức lãi suất lên đến 7,5%/năm. Trong khi đó Eximbank khuyến mại bằng chương trình áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 15 tháng với mức lãi suất lên đến 7,6%/năm. Hoặc một số TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đã đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay hoặc giá dịch vụ, giao dịch khác với cùng khách hàng và người có liên quan của khách hàng, làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường.

Trước tình trạng này, NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động, yêu cầu không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; đồng thời xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của TCTD để xảy ra vi phạm, không chấp hành các quy định của NHNN.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất huy động 2016 chịu một số áp lực tăng, như cầu tín dụng của nền kinh tế cao làm tăng nhu cầu huy động vốn; lạm phát kỳ vọng ở mức 2,5%, cao hơn so với năm 2015 và Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chủ trương tăng dần lãi suất USD, giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ VNĐ. Với mức tăng được VCBS dự báo tối đa 50 điểm cơ bản, lãi suất huy động sẽ tiến gần hơn tới mức trần của NHNN ở các kỳ hạn dưới 6 tháng.

 Vẫn là hành chính?

Việc phải ra tay để ngăn chặn lãi suất huy động tăng cho thấy NHNN đang lo ngại mặt bằng lãi suất sẽ tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, với biện pháp có phần mang tính hành chính này, các NH đủ khôn ngoan để cân nhắc. Về nguyên tắc, NHNN chỉ sử dụng biện pháp hành chính khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường, quy tắc thị trường bị méo mó… Hiện nay trần lãi suất huy động được giữ cố định trong cả năm 2015 (5,5%/năm đối với tiền gửi VNĐ các kỳ hạn dưới 6 tháng) sau lần điều chỉnh gần nhất ngày 28-10-2014. Hiện các NH đang tăng lãi suất huy động tiến sát mức trần này để thu hút vốn từ người dân, bởi năm 2015 tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với cho vay. Nhiều người lo ngại các NH sẽ lao vào một cuộc đua tăng lãi suất, khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một cuộc đua ngắn hạn và sẽ nhanh chóng duy trì ở mức cân bằng. Do đó biện pháp cứng rắn trên của NHNN là không cần thiết, bởi có thể làm cho thị trường hoang mang.

Với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng là cơ hội rất tốt để NHNN bỏ trần lãi suất và điều hành lãi suất theo các quy luật của thị trường. Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng theo thông lệ quốc tế, NHNN chỉ áp dụng các giải pháp hành chính trong điều hành lãi suất trong điều kiện khủng hoảng hoặc thực sự cần thiết. Trong điều kiện bình thường NHNN điều hành lãi suất, cung tiền bằng các công cụ thị trường như lãi suất chiết khấu, thị trường mở… Xét trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam với việc mặt bằng lãi suất, lạm phát đang ở mức rất thấp và thị trường tài chính cũng khá ổn định. Do đó đây là thời điểm NHNN nên từ bỏ cơ chế hành chính để điều hành thị trường tài chính theo hướng thị trường hơn.

Các tin khác