Chặn “sóng” tỷ giá

Sau thời gian bị xóa bỏ, gần đây lại tái diễn tình trạng 2 tỷ giá trên thị trường ngoại hối. Nguyên nhân được cho là do sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước với thế giới. Thêm vào đó, áp lực càng đè nặng lên tỷ giá khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở các NHTM vẫn tiếp tục tăng mạnh. Để ngăn chặn những bất ổn trên, NHNN đã kịp thời áp dụng một loạt biện pháp mới.

Sau thời gian bị xóa bỏ, gần đây lại tái diễn tình trạng 2 tỷ giá trên thị trường ngoại hối. Nguyên nhân được cho là do sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước với thế giới. Thêm vào đó, áp lực càng đè nặng lên tỷ giá khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở các NHTM vẫn tiếp tục tăng mạnh. Để ngăn chặn những bất ổn trên, NHNN đã kịp thời áp dụng một loạt biện pháp mới.

Cầu USD tăng mạnh

Kể từ sau thời điểm NHNN mạnh tay siết chặt tình trạng buôn bán USD thị trường tự do và áp tỷ giá mới, tình trạng 2 giá USD hầu như bị xóa bỏ. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết gần đây việc mua USD tại các NHTM khó hơn, giá cao hơn giá niêm yết 200-300 đồng/USD. Mức giá chênh lệch tất yếu được lách dưới nhiều dạng phí khác nhau.

Lý giải thực trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực nền kinh tế cuối năm, đặc biệt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao, cộng với giá vàng biến động khó lường, là những yếu tố khiến cầu USD tăng mạnh. Cầu tăng trong khi giao dịch USD thị trường tự do đã bị cấm, các doanh nghiệp buộc phải mua của NH. Đặc biệt, khi NHNN mở rộng việc nhập vàng, nhiều doanh nghiệp đua nhau gom ngoại tệ, càng khiến nguồn cung ngoại tệ thêm căng thẳng. Vì thế, NH bán USD không đúng niêm yết là điều khó tránh khỏi.

Tỷ giá bình quân liên NH do NHNN công bố ngày 31-8 tiếp tục ở mức 20.628 đồng/USD. Trong khi giá bán USD ở nhiều NHTM ở mức kịch trần 20.834 đồng/USD, giá mua dao động 20.810-20.830 đồng/USD.

Trên thị trường tự do giá USD lên đến 21.000 đồng/USD. Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cho biết doanh số mua USD (tiền mặt và chuyển khoản) từ doanh nghiệp và cá nhân 8 tháng đầu năm 2011 ước đạt 24,18 tỷ USD, trong đó mua của doanh nghiệp 22,02 tỷ USD, của cá nhân 2,15 tỷ USD. Doanh số bán USD là 21,54 tỷ USD, trong đó bán cho doanh nghiệp 21,02 tỷ USD, cho cá nhân 497 triệu USD. Điều này cho thấy cung cầu ngoại tệ vẫn cân bằng và ổn định nhưng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng doanh nghiệp đang có xu hướng tăng, do phải mua USD để trả nợ  đáo hạn tín dụng ngoại tệ cuối năm.

Mạnh tay với tín dụng ngoại tệ

Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao đang gây áp lực lớn cho tỷ giá từ nay đến cuối năm. Số liệu của NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy huy động vốn bằng ngoại tệ của các NH trên địa bàn đang giảm mạnh, trong khi cho vay ngoại tệ tiếp tục tăng. Cụ thể, tổng huy động vốn của các NHTM trên địa bàn ước tính đến ngày 31-8-2011 đạt 857.700 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối tháng trước, tăng 6,38% so với cuối năm ngoái; trong đó huy động vốn bằng VNĐ tăng 8,89% và bằng ngoại tệ giảm 1,12% so với cuối năm ngoái.

Tổng dư nợ tín dụng đến ngày 31-8-2011 ước đạt 753.400 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 6,26% so với cuối năm ngoái; trong đó cho vay VNĐ tăng 1,24% và USD tăng 19,66% so với cuối năm ngoái. Theo NHNN, chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VNĐ và ngoại tệ (khoảng 12%/năm) cũng là yếu tố tác động đến sự dịch chuyển ngược chiều giữa tiền gửi huy động VNĐ và USD.

Trong dài hạn, sự dịch chuyển này có ý nghĩa quan trọng đối với giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn tiền gửi ngoại tệ giảm, trong khi dư nợ ngoại tệ liên tục tăng sẽ tạo áp lực lớn không chỉ với tỷ giá mà trực tiếp đến cơ cấu nguồn ngoại tệ và cho vay vốn bằng ngoại tệ.

Trước thực trạng trên, NHNN đã tăng cường kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, theo đó sẽ sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất để trả nợ vay. Trước mắt NHNN tập trung thanh tra các TCTD có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao, quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1%.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc NamABank, việc tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (dự kiến mức tăng thêm khoảng 0,1%/tháng), thu hẹp khoảng cách chênh lệch lãi suất cho vay giữa USD và VNĐ. Điều này sẽ hạn chế nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp. NHNN cũng vừa ban hành thông tư tăng cường quản lý ngoại hối đối với khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp, thông tư quy định về mua bán ngoại tệ cho cá nhân của các TCTD… nhằm kiểm soát cầu ngoại tệ có thể tăng mạnh trong thời gian tới gây áp lực lên tỷ giá.

Nâng từ 20% lên 50% hệ số rủi ro một số khoản phải đòi bằng ngoại tệ

(ĐTTC) - Từ ngày 1-9, Thông tư 22 của NHNN ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 13 và Thông tư 19 về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD có hiệu lực. Điểm đáng chú ý nhất là NHNN bỏ quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động (quy định dư nợ không vượt quá 80% với NH và 85% với TCTD phi NH).

Ngoài ra, Thông tư 22 cũng nâng hệ số rủi ro đối với một số khoản phải đòi bằng ngoại tệ của các TCTD trong nước và nước ngoài từ 20% lên 50%. Các khoản được nâng hệ số rủi ro bao gồm: các khoản phải đòi bằng ngoại tệ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các khoản phải đòi bằng ngoại tệ được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do chính TCTD phát hành; các khoản phải đòi bằng ngoại tệ được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do các TCTD khác được thành lập tại Việt Nam phát hành; các khoản phải đòi bằng ngoại tệ đối với tổ chức tài chính nhà nước; các khoản phải đòi bằng ngoại tệ được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do các tổ chức chính phủ, nhà nước phát hành.

Hệ số rủi ro đối với các tài sản có khác được giữ nguyên, mức cao nhất là 250% đối với các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay công ty chứng khoán và đầu tư bất động sản. Việc nâng hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi bằng ngoại tệ, đồng nghĩa với tổng tài sản có rủi ro tăng lên. Như vậy, để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu 9%, NH phải tăng vốn tự có, hoặc phải giảm các tài sản có rủi ro.

M.Thảo

Các tin khác