Mối duyên bất ngờ
Ngày 19-3-2020, trên Facebook cá nhân, Lê Đức Hiệp chia sẻ tấm poster “Ở nhà là yêu nước” được thiết kế theo hình thức tranh cổ động. Ngoài phần hình ảnh ấn tượng, các khẩu hiệu sử dụng trên tấm poster cũng rất bắt trend (xu hướng) vào thời điểm đó: “Ai ho báo y tế, Ai tung tin giả báo công an, Ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng”. Chia sẻ với mong muốn mọi người hãy ở trong nhà để an toàn, vừa cho mình vừa cho người thân, poster này thu hút hơn 2.700 lượt thích, hàng trăm bình luận, gần 8.000 lượt chia sẻ. Không chỉ ở mạng xã hội trong nước, nó còn gây chú ý cả với truyền thông nước ngoài.
Lê Đức Hiệp bên những poster mang đậm dấu ấn cá nhân
Hai năm sau khi “bỗng dưng nổi tiếng” theo cách không thể ngờ, Hiệp cho hay: “Bình thường, các bài đăng trên trang cá nhân của tôi chỉ được vài trăm lượt thích. Sau một đêm, tôi vô cùng bất ngờ vì con số tăng đột biến, trong đó nhiều người nổi tiếng cũng chia sẻ”.
Hiệp tiết lộ, việc thiết kế tấm poster này hoàn toàn theo cảm hứng. Đơn giản, anh muốn dành cả trái tim, cộng với tinh thần dân tộc đang dâng cao, vào poster tuyên truyền.
“Vào thời điểm đó, khu nhà tôi ở cũng có người mắc Covid-19, dù có thông báo chuẩn bị phong tỏa nhưng nhiều người, kể cả bạn bè tôi, vẫn vô tư ra ngoài chơi. Tôi nghĩ phải làm gì đó để kêu gọi mọi người tuân thủ quy định, nhất là có thể chia sẻ rộng rãi. Suy nghĩ hôm trước, hôm sau tôi chỉ mất vài giờ để hoàn thành tấm poster”, anh kể.
Từng không có ý định kinh doanh, nhưng sau đó Đức Hiệp mở chiến dịch bán poster này với mức giá 300.000 đồng/sản phẩm. Hàng trăm tấm poster đã được bán ra, trong đó phần lớn được bán cho người nước ngoài. Con số hàng chục triệu đồng, quy đổi ra hàng tấn gạo, đã được sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh.
Chàng trai sinh năm 1988 thừa nhận mình vốn không phải là người giỏi vẽ. Anh tin vào cái duyên và luôn sẵn sàng nếu trong tương lai, cảm hứng lại đến với mình. Thậm chí, anh cho rằng, nếu poster “Ở nhà là yêu nước” là sản phẩm được đặt hàng, có lẽ không thành công đến vậy.
Tạo cá tính riêng
Đến nay, Hiệp đã thiết kế poster cho khoảng 40 phim điện ảnh, với rất nhiều dự án đình đám như: Cô Ba Sài Gòn, Song Lang, Gái già lắm chiêu 3, Ròm, Hai Phượng, Quỳnh Hoa nhất dạ, Bố già, Đêm tối rực rỡ…
Anh từng giành Giải thưởng Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 và Giải Sáng tạo xuất sắc tại giải Ngôi sao xanh 2017. Hiệp kể, trước khi có mối lương duyên với điện ảnh, anh từng làm thiết kế hình ảnh, rồi giám đốc nghệ thuật cho một số tờ báo.
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, một người bạn thân thiết, nhờ anh thiết kế poster cho dự án Vẽ đường cho yêu chạy. Nhưng phải đến khi phim Cô ba Sài Gòn tạo cơn sốt và xu hướng hoài cổ, anh mới được săn đón nhiều hơn. Đó cũng là cánh cổng để Hiệp bước vào điện ảnh, không chỉ đảm nhận vai trò một người làm thiết kế đồ họa, sau này anh còn làm giám đốc sáng tạo cho một số dự án điện ảnh. Bất ngờ hơn, với xuất phát điểm học chuyên ngành tiếng Anh thương mại, những thành quả của Hiệp phần lớn do tự học hỏi.
Với lĩnh vực thiết kế poster phim, Hiệp có nguyên tắc cho riêng mình. Anh nói “không” với các dự án phim “nhảm”. Khi đã nhận lời, anh dồn hết tâm huyết. Ngay cả khi đồng hành với dự án từ đầu hay được lời mời khi bộ phim đã quay xong, anh đều cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông qua việc đọc kịch bản, xem bản dựng...
“Thông thường, mỗi bộ poster được hoàn thành trong 1-2 tuần, dài nhất cũng chỉ 3 tuần. Nhiều lúc rất căng thẳng, nhưng tôi tìm ra động lực từ sức ép đó”, anh chia sẻ. Với anh, mỗi poster không chỉ góp phần truyền tải thông điệp phim, mà còn phải góp phần lôi kéo khán giả đến rạp.
Nhưng, sẽ là thiếu sót khi không đề cập đến một đặc điểm nổi bật trong phong cách thiết kế của Lê Đức Hiệp. Anh nhận thấy khi không thể cạnh tranh với nước ngoài, “tính Việt Nam” sẽ làm nên khác biệt. Do đó, hầu hết các thiết kế của anh vừa rất phóng khoáng, hiện đại nhưng lại tạo sự gần gũi với những chi tiết rất đời, thuần Việt được đan cài tinh tế, nhẹ nhàng.
Làm sáng tạo không ngại thay đổi để ngày càng tốt hơn chính là quan niệm nghề nghiệp của Đức Hiệp. Anh tin, mình từng là người tiếp nối thế hệ đi trước, cũng hoàn toàn có thể bị thay thế. Do đó, anh tự nhắc mình phải học hỏi không ngừng, không ngại tiếp thu cái mới. Đặc biệt, trong dòng chảy của mạng xã hội, khi các trào lưu đến rồi đi rất nhanh, ngoài việc tạo cho mình phong cách, cá tính riêng, học cách dự đoán xu hướng cũng là yếu tố mang tính tiên quyết.
"Có một thời gian,tôi cảm giác mình già đi khi thích tìm hiểu các họa tiết trong nghệ thuật truyền thống. Nhưng tôi nghĩ, khi mình không thể chạy đua với nước ngoài, làm những gì thân thuộc, tự tin nhất, đưa dấu ấn Việt Nam vào từng sản phẩm sẽ tạo cá tính riêng" -LÊ ĐỨC HIỆP |