Chắt chiu từng đồng vốn

(ĐTTCO) - Kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra trong bối cảnh nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP ngày càng cao, trong khi ngân sách trung ương điều tiết cho TP lại bị cắt giảm từ 23% xuống 19%, cùng với nhiều khó khăn khác đang đặt ra. Chính vì vậy Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết trong năm 2017 TP sẽ đẩy mạnh sức cạnh tranh của kinh tế TP cũng như kiên quyết tinh giảm biên chế và giảm chi từ ngân sách. Thực tế, để huy động được hàng trăm ngàn tỷ đồng cho 7 chương trình đột phá của TP trước tình hình ngân sách điều tiết cho địa phương bị cắt giảm, UBND TPHCM đang ráo riết điều chỉnh kế hoạch theo hướng siết chi tiêu công, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm giải quyết bài toán phát triển trong điều kiện nguồn vốn có hạn.

(ĐTTCO) - Kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra trong bối cảnh nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP ngày càng cao, trong khi ngân sách trung ương điều tiết cho TP lại bị cắt giảm từ 23% xuống 19%, cùng với nhiều khó khăn khác đang đặt ra. Chính vì vậy Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết trong năm 2017 TP sẽ đẩy mạnh sức cạnh tranh của kinh tế TP cũng như kiên quyết tinh giảm biên chế và giảm chi từ ngân sách. Thực tế, để huy động được hàng trăm ngàn tỷ đồng cho 7 chương trình đột phá của TP trước tình hình ngân sách điều tiết cho địa phương bị cắt giảm, UBND TPHCM đang ráo riết điều chỉnh kế hoạch theo hướng siết chi tiêu công, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm giải quyết bài toán phát triển trong điều kiện nguồn vốn có hạn.

Được biết, nguồn vốn đầu tư thực hiện 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong khi năm 2017 TPHCM chỉ còn được giữ lại khoảng 7.200 tỷ đồng, nên sẽ rất khó khăn.

Trước tình hình này, TPHCM sẽ điều chỉnh, bổ sung, thay đổi hình thức đầu tư từng chương trình, dự án cụ thể và tính toán sử dụng phù hợp vốn ngân sách từng năm. Vốn ngân sách sẽ đóng vai trò là “vốn mồi” để thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Theo đó, TPHCM sẽ lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, xác định rõ cái nào Nhà nước làm, cái nào kêu gọi tư nhân đầu tư. Thí dụ, trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục hiện có 92 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 326.000 tỷ đồng (tương đương 14,86 tỷ USD). Để chắt chiu đồng vốn đầu tư, sắp tới Sở KH-ĐT tiếp tục kết nối các sở, ban, ngành với các nhà đầu tư để giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Chèn Ảnh

Lãnh đạo TP đang nghiên cứu, sắp tới có thể sẽ không còn xe công, mà sẽ thuê xe phục vụ nhu cầu công tác. Theo Văn phòng UBND TPHCM, TP hiện có 693 xe công, trong đó khối cơ quan hành chính cấp TP 193 xe, cơ quan hành chính 24 quận huyện 108 xe, các đơn vị trực thuộc sở ngành 284 xe và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quận huyện 55 xe. Theo quy định, các cơ quan hành chính cấp TP có tối đa 2 xe, các đơn vị sở ngành, tổ chức, đơn vị trực thuộc sở ngành chỉ 1 xe nên TPHCM đang thừa 353 xe, tương đương 50% số xe theo quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, đa số xe công ở TPHCM xe cũ, mua sắm từ trước năm 2007, chi phí bảo trì, bảo dưỡng rất lớn.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX đang diễn ra, nhiều đại biểu HĐND đã đề xuất các giải pháp lớn là TP cần tập trung nuôi dưỡng những nguồn thu mạnh. Ngoài ra, với thế mạnh của mình, TPHCM cần hướng đến mục tiêu 80% nguồn thu của TP từ lĩnh vực dịch vụ. Theo đó phải đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này với cách làm đột phá. Trong đó có dịch vụ thương mại và dịch vụ du lịch mang tính trọng tâm của TP, nên cần xã hội hóa tối đa dịch vụ văn hóa và du lịch với phương thức công khai, minh bạch, rộng rãi. Thí dụ, việc trợ giá xe buýt đã được Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở Giám đốc Sở GT-VT: “Sở hứa hoài, nhưng bao nhiêu năm vẫn chưa đổi mới phương thức trợ giá, vẫn là trợ giá đầu vào. Rồi cứ mỗi năm người đi xe buýt lại ít hơn. Đến một mức nào đó, HĐND phải tính lại xem có đầu tư trợ giá cho xe buýt hay không? Ngân sách đang eo hẹp, không thể cứ thông qua mỗi năm cả ngàn tỷ đồng trợ giá xe buýt. Đầu tư như vậy là thiếu trách nhiệm với dân”.

Bước vào năm 2017, trong bối cảnh ngân sách bị siết chặt nhưng nhu cầu đầu tư lại tăng, chính quyền TP quyết tâm đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế TP. Cụ thể, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động để tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao trong ngành dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị cao, chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia mạng sản suất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch. Bên cạnh đó, TP sẽ triển khai kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn theo cơ chế thị trường, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, kiên quyết tinh giảm biên chế và giảm chi từ ngân sách nhà nước. Tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật. Điều hành dự toán chi ngân sách chặt chẽ theo đúng dự toán được duyệt…

Các tin khác