Giá vàng tăng đang châm dầu vào ngọn lửa lạm phát bùng lên ở châu Á, từ Ấn Độ cho tới Indonesia và buộc các nhà thống kê phải cân nhắc có nên loại bỏ vàng trang sức ra khỏi rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng.
Trong bối cảnh biến động dữ dội trên các thị trường vốn, tiền tệ, ngân hàng trung ương các nước đua nhau in thêm tiền, cùng với đợt tăng giá vàng kéo dài cả thập niên đã thu hút nhiều nhà đầu tư đổ xô vào kênh vàng để bảo toàn giá trị. Điều này khiến vàng tăng giá 24% từ đầu năm đến nay.
Hội đồng Vàng Thế giới ước tính vàng đầu tư chiếm 38% tổng nhu cầu tiêu thụ vàng năm 2010, tăng gần 10 lần so với thập niên trước. Prasanna, kinh tế trưởng Công ty chứng khoán ICICI (Ấn Độ), nhận định với tính chất "là một loại tài sản đầu cơ tích trữ", vàng nên bị bỏ khỏi rổ hàng hóa tính chỉ số lạm phát.
Theo ICICI, tuy vàng và trang sức vàng chỉ chiếm 0,36% chỉ số lạm phát chính của Ấn Độ nhưng với mức tăng giá 52% cũng khiến chỉ số lạm phát tăng mạnh. Nếu tính luôn vàng tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 của Ấn Độ tăng 9,78% so với năm ngoái, còn loại bỏ vàng mức tăng sẽ chỉ còn 9,49%. Do đó, Prasanna cho rằng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cần xem xét ảnh hưởng của vàng khi tính toán lạm phát và chính sách tiền tệ.
![]() |
Vàng - loại hàng hóa đang tăng giá chóng mặt |
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung Bak dù đã thực thi biện pháp kiềm chế lạm phát, nhưng với mức tăng giá 29% của vàng đẩy lạm phát tháng 8 vượt mức 5% lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Người dân Hàn Quốc có truyền thống tặng nhẫn vàng “Dol” trong dịp thôi nôi em bé. Hiệp hội Trang sức Hàn Quốc cho biết giá một chiếc nhẫn thôi nôi (theo truyền thống là 1 chỉ vàng) đã tăng lên mức kỷ lục 298.000 won (258USD) khiến không ít người cân nhắc việc giảm cân lượng hoặc chuyển sang tặng vật khác.
Phó Giám đốc Cơ quan Thống kê Hàn Quốc Bang Tae Kyoung cho biết: “Lần đầu tiên kể từ năm 1975, vàng nhẫn sẽ bị loại khỏi rổ lạm phát vào tháng 12 tới. Hiện nay, người dân mua vàng chủ yếu để đầu tư, vì thế vàng nên được xếp vào danh mục tài sản hơn là tiêu dùng”.
Ở Indonesia, trang sức vàng cũng là tác nhân góp 0,19% trong tốc độ tăng giá tiêu dùng 0,93% của tháng 8 so với tháng 7. Nhà kinh tế Fauzi Ichsan, Ngân hàng Standard Chartered tại Jakarta, nói loại vàng ra khỏi rổ hàng hóa tiêu dùng của Indonesia là "mang tính lý thuyết" và có thể dẫn tới những đồn đoán rằng các nhà thống kê bị áp lực chính trị.
Tuy nhiên, vấn đề này không nảy sinh ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh hay ở các nền kinh tế châu Á như Singapore, Việt Nam và Hồng Công do vàng không nằm trong rổ lạm phát hoặc trang sức vàng có ảnh hưởng hạn chế. Sheng Jianguang, chuyên gia kinh tế Công ty chứng khoán Mizuho châu Á, cho biết ảnh hưởng của vàng trang sức cá nhân tới tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc là “rất nhỏ”. Tỷ phú đầu tư George Soros xem vàng là “bong bóng tài sản”.
Công ty Tiberius (Thụy Sĩ) cũng cho rằng “Chúng ta đang ở đoạn cao trào cuối cùng của đợt tăng giá vàng kéo dài. Người dân đổ xô mua vàng trong cơn hoảng loạn bán tháo cổ phiếu tài chính-ngân hàng, nên chỉ cần một sự bình ổn các thị trường tài chính châu Âu cũng có thể khiến vàng quay đầu giảm giá 200-300USD”.
Tính hay không tính giá vàng vào tốc độ lạm phát là vấn đề gây tranh cãi. Một số chuyên gia lo ngại việc loại bỏ những mặt hàng tăng giá cao khỏi rổ hàng hóa tính lạm phát có thể dẫn tới thói quen trốn tránh trách nhiệm giải quyết lạm phát, ví như tự an ủi “ồ, chỉ số lạm phát (không tính thực phẩm, năng lượng và bất cứ thứ gì đang tăng giá) vẫn trong giới hạn cho phép”.
(Tổng hợp)