(ĐTTCO) - Bộ trưởng Kinh tế Pháp Manuel Macron vừa lên tiếng khẳng định cần phải có những biện pháp khẩn cấp để tránh việc thép Trung Quốc bán phá giá ồ ạt nhập vào, phá hoại ngành luyện kim châu Âu.
Tuyên bố của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh thép Trung Quốc bán phá giá do sản xuất thừa, đe dọa kỹ nghệ châu Âu trong lúc ngành luyện kim đang tái cấu trúc và tăng cường đầu tư để cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa. Ông Macron thúc giục Liên minh châu Âu (EU) phải hành động khẩn trương khi Ủy ban châu Âu (EC) quá chậm chạp để có những biện pháp chống phá giá với một sản phẩm. Theo đó, EC phải cần đến 8 tháng trong khi Hoa Kỳ chỉ mất 5 tháng. Ông Macron cũng nêu vấn đề một số quốc gia thành viên từ chối áp đặt rào cản thuế quan hợp lý đối với các sản phẩm Trung Quốc bán dưới giá thành. Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhấn mạnh, châu Âu chỉ đánh thuế chống phá giá khoảng 20%, trong khi Hoa Kỳ đánh thuế đến 300%.
Việc châu Âu bức xúc với thép giá rẻ của Trung Quốc không phải là chuyện mới. Cuối tháng 2 vừa qua, cuộc họp của Bộ trưởng Công nghiệp 28 nước thành viên EU đã ra tuyên bố phải điều chỉnh các biện pháp chống phá giá, giống như Hoa Kỳ, để tự bảo vệ trước sự cạnh tranh không công bằng của một số công ty thép từ Trung Quốc. Bộ trưởng Công nghiệp Hà Lan Henk Kamp cam kết ủng hộ các lời yêu cầu này trước EC, nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thời gian của các cuộc điều tra chống phá giá. Ông Henk Kamp yêu cầu EC rút ngắn ít nhất 2 tháng khoảng thời gian điều tra chống phá giá mà vẫn phải đảm bảo chất lượng điều tra. Trong một bức thư gửi EC, các Bộ trưởng Công nghiệp Đức, Pháp, Italia, Anh, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ suy sụp ngành thép châu Âu do sự phá giá của Trung Quốc, chủ yếu trong ngành sản xuất thép cán nóng. Các thành viên kêu gọi sử dụng mọi biện pháp cần thiết và hành động kiên quyết để đáp trả thách thức mới này. Một trong các mong muốn là châu Âu áp dụng thuế hải quan đối với nhập khẩu ngay khi có mối đe dọa thiệt hại, như Hoa Kỳ đang làm, mà không đợi đến lúc các thiệt hại được ghi nhận rõ ràng. 5 quốc gia khác Tây Ban Nha, Áo, Romania, CH Czech và Slovakia cũng hưởng ứng lời kêu gọi này.
![]() |
Công nhân châu Âu biểu tình phản đối thép giá rẻ của Trung Quốc tại Brussels, Bỉ vào tháng 2-2016. |
Hiện nay mỗi năm Trung Quốc thừa khoảng 350 triệu tấn thép, trong lúc cả châu Âu chỉ sản xuất 170 triệu tấn. Thép của Trung Quốc đang đe dọa không chỉ đến 330.000 việc làm tại 500 cơ sở sản xuất tại châu Âu, mà trên thực tế lên tới 3,5 triệu công ăn việc làm liên quan đến ngành luyện kim cũng bị ảnh hưởng. Mới nhất, tại Anh, Tập đoàn luyện kim Tata Steel của Ấn Độ thông báo bán lại các chi nhánh ở châu Âu với giá tượng trưng 1 bảng Anh, để rút lui khỏi châu lục này. Các lý do được nêu ra chủ yếu do thép Trung Quốc cạnh tranh bất chính bằng cách bán giá rẻ, dưới giá thành, bên cạnh đó chi phí sản xuất cao, nhu cầu tiêu thụ thấp.
Một số chuyên gia nhận định vụ việc mới nhất là dấu hiệu cho thấy quan hệ thương mại châu Âu-Trung Quốc không phải hoàn toàn suôn sẻ, 3 năm sau cuộc chiến pin mặt trời giữa 2 bên. Năm ngoái, châu Âu cũng áp thuế chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, các mặt hàng thép inox cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan sẽ phải chịu mức thuế chống phá giá 10,9-25,2%, tùy theo hãng sản xuất.
(Tổng hợp)