
“Lục địa già” hoang mang
Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh châu Âu (EUISS) cho rằng, lục địa này đang “gặp nguy hiểm”. Một bài nghiên cứu của viện này xuất bản ngày 12-3, cho rằng châu Âu phải nhanh chóng tìm ra hướng đi “không có nước Mỹ của Trump”. Theo EUISS, kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã tung ra một loạt sáng kiến, lời đe dọa và quyết định mới. Mỗi ngày lại có một mục tiêu mới và một điều cấm kỵ bị phá vỡ.
“Trong 6 tuần ngắn ngủi, Trump và nhóm của ông đã đe dọa sẽ chiếm lãnh thổ châu Âu, bỏ rơi Ukraine và liên tục bắt nạt tổng thống nước này. Thậm chí, ông Trump còn liên kết với phe cực hữu của châu Âu và tấn công quyền tự chủ về mặt quản lý của EU trong lĩnh vực công nghệ”- EUISS phân tích.
Theo EUISS, sóng xung kích đang lan tỏa khắp châu Âu, làm diễn ra một loạt các cuộc họp khủng hoảng theo nhiều cấu hình khác nhau khi các nhà lãnh đạo “chạy đua” tìm cách ứng phó. Trong khi đó, dư luận châu Âu đã đi trước các chính trị gia của mình thông qua các con số thống kê. Chẳng hạn, niềm tin vào nước Mỹ trong người dân Đức đã giảm mạnh từ 84% xuống chỉ còn 16%, chỉ cao hơn một chút so với mức 6% của Nga.
Gấp rút hỗ trợ Ukraine
EUISS cho rằng, với sự bất ổn lớn xung quanh viện trợ quân sự và hỗ trợ tình báo của Mỹ, châu Âu phải hành động để lấp đầy khoảng trống. Những nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine bao gồm: hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng khỏi các cuộc ném bom của Nga; hệ thống vệ tinh để giảm sự phụ thuộc vào các tài sản do Mỹ kiểm soát như Starlink; tên lửa tầm xa để nhắm vào các tuyến tiếp tế của Nga; các chương trình huấn luyện quân sự, lý tưởng nhất là tiến hành ngay tại Ukraine.
Theo EUISS, con số hỗ trợ quân sự hàng năm của Mỹ cho Ukraine hiện nay là khoảng 17 tỷ USD. Nếu chia cho 450 triệu người châu Âu, điều này có nghĩa là mỗi người dân “lục địa già” chỉ cần đóng góp 40 euro mỗi năm là có thể thay thế vai trò của nước Mỹ về mặt này. Ngoài ra, EUISS đề xuất tịch thu một phần tài sản bị đóng băng của Nga (trị giá khoảng 200 tỷ euro ở châu Âu) và chuyển giao cho Ukraine.
Nói cách khác, về mặt kinh tế, thách thức này có thể được đáp ứng, bởi các quốc gia thành viên của EU nằm trong số những quốc gia giàu có nhất thế giới. Nathalie Tocci từ Viện nghiên cứu Istituto Affari Internazionali của Ý, nói: "Chúng ta không được coi mình là thuộc địa của người Mỹ nữa. Khi đó, chúng ta có thể thành công".
Đó là về mặt kinh tế. Còn về quân sự, tình hình kém sáng sủa hơn nhiều. Nếu ông Trump từ chối tiếp tục cung cấp vũ khí Mỹ, Kyiv có thể chỉ có thể tiếp tục chiến đấu với cường độ thường lệ trong vài tháng nữa.
Các chuyên gia cảnh báo rằng đến mùa hè, nếu không muốn nói là sớm hơn, Ukraine sẽ bắt đầu cạn kiệt đạn dược. Tệ hơn nữa là nếu Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu giám sát và tình báo, như đã từng làm một vài ngày sau khi ông Zelensky gặp ông Trump ở Nhà Trắng. Hiện tại, người châu Âu không thể bù đắp cho sự thiếu hụt thông tin tình báo.
Tự lực về quốc phòng
Câu hỏi cấp bách hiện nay là làm thế nào để xây dựng khả năng răn đe của châu Âu khi sự tham gia của Mỹ giảm đáng kể? Về mặt tài chính, các khoản tiền lớn hiện đang được huy động, với mức tăng chưa từng có ở Đức, Đan Mạch và những nơi khác.
Các sáng kiến mới của Ủy ban châu Âu (EC), bao gồm đề xuất tái vũ trang châu Âu, đánh dấu sự chuyển dịch rõ ràng sang đầu tư quân sự tập thể. Kế hoạch này nhằm huy động tổng cộng 800 tỷ euro cho quốc phòng với sự trợ giúp của các quy tắc nợ chung và thâm hụt linh hoạt.
Ngân sách quốc phòng hiện đang được gia tăng nhanh chóng ở hầu hết mọi quốc gia trên lục địa. Tại Đức, những người bảo thủ đứng sau Thủ tướng tương lai Friedrich Merz và các đối tác liên minh có khả năng của ông từ Đảng Dân chủ Xã hội, đã đạt được một thỏa thuận lịch sử vào ngày 11-3 để cải cách các quy tắc ngân sách cân bằng của đất nước, và hướng tới mục tiêu chi từ 130-150 tỷ euro mỗi năm cho quốc phòng.
Ngoài phần cứng, châu Âu cũng cần giải quyết các vấn đề về cấu trúc và đào tạo. Một nền quốc phòng châu Âu vững mạnh không thể được xây dựng nếu không có Anh hoặc Na Uy. Tương tự như vậy, với việc Mỹ hủy bỏ kế hoạch tham gia một số cuộc tập trận của NATO, được lên kế hoạch vào năm 2026, châu Âu phải tự tổ chức các giải pháp thay thế.
Hơn nữa, răn đe đòi hỏi nhiều hơn là sự chuẩn bị về mặt quân sự. Theo EUISS, Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh ngầm chống lại châu Âu thông qua các cuộc tấn công mạng, phá hoại và thông tin sai lệch. EU phải tăng chi phí cho các hành động như vậy, cho dù thông qua phòng thủ mạng chủ động, các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt hơn hay các hoạt động phản gián.
Khó thoát cái bóng của ông Trump
Theo chia sẻ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, hiện có sự đồng thuận giữa những người châu Âu về một điểm. Đó là một khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine, Kyiv cần được tái vũ trang. Ukraine phải trở thành "con nhím thép". Tuy nhiên, Anh và Pháp muốn đảm bảo một lệnh ngừng bắn bằng quân đội của chính họ, và đang tìm kiếm sự ủng hộ cho một "liên minh của những người tự nguyện".
Trọng tâm chính là một "lực lượng giữ hòa bình" gồm khoảng 30.000 binh lính. Họ sẽ được bố trí xa phía sau tiền tuyến, với trách nhiệm chính là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Các tàu chiến có thể bảo vệ các cảng của Ukraine và các tuyến đường thương mại trên Biển Đen. Đường ngừng bắn kéo dài hơn 1.000km, chủ yếu sẽ phải được giám sát từ trên không.
Vào 11-3, các chỉ huy quân sự từ 30 quốc gia châu Âu và NATO sẵn sàng đóng góp bảo đảm an ninh đã có mặt tại Paris, để đàm phán theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hà Lan, Úc và Canada đã gửi tín hiệu sớm rằng họ sẽ sẵn sàng tham gia liên minh.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học chính trị người Ý Tocci, nếu không có sự chấp thuận của Mỹ, bất kỳ liên minh nào của châu Âu cũng có thể nhanh chóng sụp đổ. Và cái giá phải trả cho sự thất bại như vậy, không chỉ có Ukraine, mà còn có khả năng là cả Moldavia, Romania và các nước Baltic. "Một khi Putin hiểu rằng NATO đã chết, ông ta có thể sẽ nhắm đến Lithuania như mục tiêu tiếp theo" - Tocci nói.
EUISS kêu gọi châu Âu phải tập trung vào chính mình và trên hết là đầu tư vào sức mạnh của chính mình. Viện này đưa ra 3 điểm nổi bật mà châu Âu cần tập trung giải quyết, gồm: Ukraine, quốc phòng châu Âu và vị thế toàn cầu của EU.