(ĐTTCO) - Tại những địa điểm nổi tiếng ở Paris (Pháp), khách du lịch thường bắt gặp những người bán hàng rong mời chào mua khăn, túi hay kính mắt nhái các thương hiệu nổi tiếng. Đặc biệt, dịp lễ tết cuối năm, hàng giả, hàng nhái còn chen lấn vào các hội chợ.
Hàng độc, hàng thủ công được các tiểu thương tại đây tận dụng tối đa để thu hút khách hàng. Thế nhưng, lẫn trong những mặt hàng thật có không ít sản phẩm giả. Thí dụ, tại một quầy bán đồ Canada, người bán hàng không ngừng ca ngợi về chất lượng và tính ứng dụng độc đáo của sản phẩm, nhưng trên mác lại ghi “Made in China”… cách Canada gần nửa vòng trái đất. Người bán hàng khẳng định sản phẩm được thiết kế tại Canada, còn vật liệu của Trung Quốc. Anh này còn quả quyết: “Dù có đi một vòng 200 quầy tại đây, cứ thử tìm bất kỳ sản phẩm nào không có một cái gì đó từ Trung Quốc”. Quả không sai. Ngay tại quầy bán đồ len từ Peru, nhiều nhãn mác trên sản phẩm đã bị cắt bỏ, có nghĩa không biết xuất xứ của sản phẩm. Người bán hàng tại quầy Peru thừa nhận có bán hàng Trung Quốc, bằng giá với sản phẩm truyền thống từ Peru. Thậm chí, còn có cả những quầy bán hàng giả, như quầy bán loa. Khách hàng dễ dàng nhận ra là hàng nhái vì có cùng logo, chỉ khác không ghi tên nhà sản xuất. Mặt hàng thật được bán với giá 30EUR, trong khi hàng giả có giá 25EUR, không rẻ hơn là bao.
Hàng năm, nền kinh tế thế giới bị thiệt hại tới 300 tỷ EUR vì hàng giả. Tại Liên minh châu Âu (EU), Đức là nạn nhân lớn nhất, với tổng thiệt hại lên tới 56 tỷ EUR/năm. Hàng giả chiếm tới 10% tổng số lượng hàng bán ra tại EU, gây thất thu ngân sách của khối và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị thiệt hại về bản quyền và sở hữu trí tuệ, vì phải đầu tư nhiều vào thiết kế cũng như nộp bằng sáng chế.
Hải quan Pháp tiêu hủy hàng giả tại tỉnh Loire-Atlantique. |
Theo báo cáo được công bố trung tuần tháng 12-2015 của Cơ quan Điều tiết thị trường nội địa châu Âu, khoảng 518.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong EU có nguy cơ bị hàng giả đe dọa. Thuốc tân dược giả chiếm phần lớn trong các mặt hàng bị tịch thu. Ngoài ra, còn phải kể tới ngành công nghiệp hàng xa xỉ (quần áo, giày dép và các phụ kiện thời trang hàng hiệu khác). Các doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực này bị mất khoảng 43,3 tỷ EUR doanh thu hàng năm. Đồ chơi và trò chơi trở thành lĩnh vực lớn thứ 3 bị làm giả. Khối lượng hàng giả bán ra chiếm tới 12,3% thị trường đồ chơi, gây thất thoát 1,4 tỷ EUR/năm cho các nhà sản xuất châu Âu và đồng nghĩa với việc 6.150 việc làm trong lĩnh vực bị xóa bỏ.
Không chỉ tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp, ngân sách các nước trong EU cũng bị thiệt hại khoảng 8,1 tỷ EUR từ thuế giá trị gia tăng, thuế kinh doanh và các khoản đóng góp xã hội của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi khi sử dụng hàng giả, dù họ tham hàng rẻ hay không có khả năng tài chính để mua sản phẩm thật. Chất lượng và độ an toàn của hàng giả khiến các chuyên gia lo ngại. Theo ông Christian Peugeot, Chủ tịch Unifab, các nhà sản xuất hàng giả không bao giờ tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn của châu Âu. Họ luôn tìm cách kiếm lợi nhuận nhanh nhất nên sẵn sàng hạn chế tối đa chi phí sản xuất và dĩ nhiên là giảm chất lượng. Vì vậy, hàng giả kém chất lượng có thể trở thành một mối đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
(Tổng hợp)