Tăng cường kiểm soát
Trả lời phỏng vấn Báo Bild am Sonntag, Bộ trưởng Seehofer nêu rõ: “An ninh bắt đầu từ biên giới. Cùng với sắc lệnh mới được gia hạn liên quan tới việc kiểm soát biên giới với Áo, tôi đã chỉ thị cảnh sát tăng cường tìm kiếm tại tất cả khu vực biên giới của Đức. Chúng tôi đang giám sát mọi cửa khẩu của đất nước”.
Các di dân trên tàu ở Địa Trung Hải chờ được nhập cư vào châu Âu
Hôm 25-9, Bộ trưởng Seehofer đã thông báo công tác tăng cường kiểm soát khu vực biên giới với Áo tiếp tục được gia hạn tới nửa đầu năm 2020 nhằm đảm bảo an ninh. Đức đã trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bùng phát hồi năm 2015.
Vào thời điểm đó, Đức và một số quốc gia thuộc Khu vực đi lại tự do Schengen đã áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới khẩn cấp sau khi hơn 1 triệu người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu. Chính sách cởi mở của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc khủng hoảng người di cư đã giúp hơn 1 triệu người tị nạn nhập cư vào Đức.
Trong những năm qua, số người tị nạn tới Đức đã giảm mạnh nhưng mỗi tháng nước này vẫn tiếp nhận khoảng 11.000 người xin tị nạn mới. Theo thống kê, Đức hiện có tỷ lệ người nhập cư cao nhất trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), chiếm 12% dân số nước này.
Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nhập cư, Italy cũng kêu gọi EU giữ lời hứa giúp gánh vác gánh nặng của hàng trăm ngàn người xin tị nạn đổ bộ vào biên giới phía Nam châu Âu qua Địa Trung Hải. Thay vào đó, Italy cảm thấy EU đã quá lạnh lùng, và sự thất vọng đã dẫn đến sự trỗi dậy của nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc chống nhập cư Matteo Salvini, người đang muốn ra tranh cử chức thủ tướng. Tuần qua, các bộ trưởng nội vụ của Pháp, Đức, Italy, Malta (chủ nhà) và Phần Lan đã ký một thỏa thuận tạm thời để phân bổ lại người di cư trên các tàu sau khi họ được giải cứu.
Phân loại người nhập cư
Thỏa thuận nói trên có thể được mở rộng ra nhiều quốc gia hơn khi được trình bày tại cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ tới từ tất cả các nước thuộc EU. Vào ngày 8-10 tới, cuộc họp ở Malta về cơ bản nhằm tìm cách giải quyết các hiệp ước hiện có của EU. Italy hy vọng, thỏa thuận mới sẽ tránh được các cuộc đàm phán kéo dài khiến những người di cư bị mắc kẹt trên biển trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Việc phân loại người nhập cư theo thỏa thuận ở Malta sẽ được thực hiện trên những con tàu tại một cảng được chỉ định ở Italy. Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một hệ thống hiệu quả để loại bỏ, phân bổ và hồi hương người nhập cư. Ông Conte cũng đã kêu gọi trừng phạt mạnh mẽ đối với các quốc gia thành viên từ chối tham gia chia sẻ gánh nặng.
Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Italy, tháng 9 là tháng đầu tiên trong năm nay số lượng người nhập cư đã cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8, ở biển Aegean, người nhập cư vào Hy Lạp đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm. EU cũng đã tìm cách ngăn người di cư đến lục địa bằng cách thỏa thuận với các nhà lãnh đạo bộ lạc Libya và bằng cách thiết lập các trung tâm xử lý người di cư ở Nigeria và gần đây nhất ở Rwanda. Pháp và Đức gần đây cũng đã tình nguyện nhận một phần những người di cư, điều này đã khiến Italy cho phép con tàu rời khỏi đảo Lampedusa.