Theo đó, “hộp công cụ” cho phép các nước thành viên EU có thể sử dụng để giải quyết tác động tức thời của việc tăng giá năng lượng hiện tại và tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi trước các mọi biến động trong tương lai trong suốt quá trình chuyển đổi. Đồng thời, giúp cho các quốc gia thành viên đảm bảo giá năng lượng được giữ ở mức thấp mà không vi phạm các quy tắc cạnh tranh nghiêm ngặt.
Các biện pháp ngắn hạn dành cho các quốc gia bao gồm:
- Cung cấp, hỗ trợ các khoản chi khẩn cấp cho hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc không có khả năng chi trả vì giá năng lượng cao, ví dụ thông qua chứng từ thanh toán hoặc thanh toán một phần hóa đơn, có thể được hỗ trợ bằng doanh thu của EU ETS (Hệ thống Thương mại Khí thải Liên minh Châu Âu);
- Cho phép tạm thời hoãn thanh toán hóa đơn;
- Đặt ra các biện pháp bảo vệ để tránh ngắt kết nối khỏi lưới điện;
- Giảm thuế suất tạm thời, có mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương;
- Cung cấp viện trợ cho các công ty hoặc ngành công nghiệp, phù hợp với các quy tắc viện trợ của quốc gia EU;
- Tăng cường tiếp cận năng lượng quốc tế để đảm bảo tính minh bạch, tính thanh khoản và tính linh hoạt của thị trường quốc tế;
- Điều tra các hành vi chống cạnh tranh có thể xảy ra trên thị trường năng lượng và yêu cầu Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (ESMA) tăng cường giám sát hơn nữa các diễn biến trên thị trường carbon;
- Tạo điều kiện tiếp cận rộng rãi hỗ trợ đầu tư, mua bán năng lượng tái tạo thông qua các biện pháp bên lề.
Các biện pháp trung hạn dành cho các quốc gia bao gồm:
- Đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo; cải tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy nhanh các cuộc đấu giá năng lượng tái tạo và quy trình cấp phép;
- Phát triển khả năng lưu trữ năng lượng, để hỗ trợ thị phần năng lượng tái tạo đang phát triển, bao gồm pin và hydro;
- Yêu cầu các Cơ quan Hợp tác Quản lý Năng lượng Châu Âu (ACER) nghiên cứu những lợi ích và hạn chế của thiết kế thị trường điện hiện có và đề xuất các khuyến nghị cho Ủy ban nếu có liên quan;
- Xem xét sửa đổi quy định an ninh cung cấp để đảm bảo việc sử dụng và hoạt động tốt hơn các kho chứa khí đốt ở Châu Âu;
- Khám phá những lợi ích tiềm năng của việc mua sắm chung tự nguyện của các Quốc gia Thành viên đối với kho dự trữ khí đốt;
- Thiết lập các nhóm rủi ro khí gas khu vực xuyên biên giới mới để phân tích rủi ro và tư vấn cho các Quốc gia Thành viên về việc thiết kế các kế hoạch hành động phòng ngừa và khẩn cấp quốc gia của họ;
- Thúc đẩy vai trò của người tiêu dùng trong thị trường năng lượng, bằng cách trao quyền cho họ lựa chọn và thay đổi nhà cung cấp, sản xuất điện của chính họ và tham gia vào các cộng đồng năng lượng.
Trước tình hình khủng hoảng năng lượng toàn cầu, các quốc gia thành viên EU cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân kịp thời, nhanh chóng. Pháp đã hứa về một mức trần giá và đang có kế hoạch cung cấp một khoản thanh toán € 100 ($ 115) cho mỗi hộ gia đình khó khăn. Trong khi đó, Ý đã xem xét các biện pháp như cung cấp cứu trợ thông qua cắt giảm thuế.
Dự kiến, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất các biện pháp dài hạn để giảm thiểu những tác động của giá nhiên liệu tăng đối với người tiêu dùng. Những đề xuất đó sẽ được các nhà lãnh đạo của khối thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 21-22/10 tới.