Sử dụng nguyên liệu hợp pháp
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết 10 năm qua giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ.
Trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín trên thị trường quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam phải đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của nhiều thị trường. Tính đến cuối năm 2017 có 732 DN có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Trong đó 49 DN được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500ha. Song để đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp Việt Nam cần đầu tư giống và biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng, cũng như áp dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển rừng theo chuỗi.
Ở góc nhìn của DN, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific, chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết với nông dân để triển khai xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận FSC. Theo đó, DN hỗ trợ nông dân vốn vay với lãi suất thấp, thành lập nhóm cán bộ kỹ thuật tư vấn và trực tiếp hướng dẫn các hộ dân.
“Nông dân đã tin cậy mình, khi khai thác sẽ ưu tiên bán cho DN. Lợi ích của việc liên kết phát triển rừng trồng hợp pháp đúng chuẩn FSC là rõ ràng”. Về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh ngành chế biến gỗ và lâm sản cần nói không với gỗ khai thác bất hợp pháp để đảm bảo môi trường trong lành cho tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại diện DN ngành gỗ tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Xây dựng thương hiệu ngành gỗ
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, nhìn nhận trong chuỗi giá trị sản phẩm bao gồm sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu, ngành gỗ mới đạt giá trị ở mức trung bình. Phần lớn nhà sản xuất thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân nên ít chú trọng đến giá trị thương mại.
Từ đó thụ động và ít phát triển marketing, chưa có nhiều hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm. Hiện nay dù có nhiều nhà sản xuất lớn, công nghệ hiện đại nhưng hiếm công ty nào có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu DN và thương hiệu quốc gia chưa được chú trọng đúng mức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty AA, khẳng định ngành gỗ mới sử dụng 30-40% nội lực, nhưng cũng rất cần hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong đào tạo lao động, giúp DN xây dựng thương hiệu.
“Ngành gỗ cần sự đồng hành của Nhà nước để đi những bước dài. DN trong ngành đã sẵn sàng, nếu có sự hỗ trợ thêm về chính sách, chiến lược tôi tin vị thế ngành gỗ trong tương lai không xa không chỉ dừng ở thứ 2 châu Á với doanh số xuất khẩu gấp 3 lần hiện nay”.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngành gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thủ tướng biểu dương nông dân trồng rừng, DN và người lao động trong ngành. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận toàn ngành còn nổi lên một số tồn tại như việc đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; chất lượng nguyên liệu gỗ không đồng đều; nguồn gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững chiếm tỷ lệ nhỏ…
Đặc biệt, xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm còn yếu, chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam cạnh tranh trên khu vực và quốc tế. Việc xuất khẩu phải thông qua đối tác nước ngoài, hiệu quả giá trị được nhận trực tiếp còn thấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm trong thời gian tới là phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập sâu rộng với quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực tốt; phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ tốt hơn nữa trong thời gian gần đây.
Tại hội nghị, Thủ tướng đặt hàng cho ngành chế biến gỗ và lâm sản: Mục tiêu xuất khẩu năm 2018 đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 10-11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD; đến năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu này các cấp các ngành phải tạo điều kiện tốt nhất cho ngành gỗ và lâm sản phát triển. Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản có điều kiện phát triển tốt và bền vững hơn trong thời gian tới.