Đại gia tiên phong
Về phía các NH, dù việc giảm lãi suất này rất khó khăn nhưng cũng buộc phải làm, bởi nếu tiếp tục áp lãi suất cao, khả năng thu được lãi đã khó chứ chưa nói đến thu gốc, vì thực sự nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ do kinh tế khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết sau khi tính toán, Agribank quyết định điều chỉnh lãi suất tất cả các khoản vay cũ về mức 13%/năm từ ngày 13-5. Đây là một quyết định khó khăn bởi các khoản dư nợ cũ của Agribank có lãi suất trên 13%/năm đang chiếm tới 48% tổng dư nợ.
Việc lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2% nếu các NH chủ động cắt giảm chi phí. Điều này là hợp lý, bởi khi hạ lãi suất đầu vào người gửi tiền phải chịu thiệt để chia sẻ khó khăn của nền kinh tế, không có lý nào các NHTM "neo" lãi suất cho vay cao. TS. Cao Sỹ Kiêm |
Hiện tổng dư nợ của Agribank nếu tính cả các khoản ngoại bảng là khoảng 520.000 tỷ đồng, trong đó gần 70% dành cho khu vực nông nghiệp - nông thôn. Nghĩa là sẽ có khoảng 200.000 tỷ đồng dư nợ cũ của Agribank được giảm lãi suất. Với quyết định này, theo tính toán Agribank sẽ hụt thu khoảng 7.000 tỷ đồng tiền lãi, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thực tế hiện nay nhiều khách hàng gặp khó khăn, khả năng trả nợ rất kém, nên số tiền lãi trên chỉ là "tính toán trên giấy".
Nếu tiếp tục áp lãi suất cao thì cả NH và doanh nghiệp sẽ cùng đi vào ngõ cụt. Thậm chí, ông Hùng còn cho biết với khách hàng còn nợ cũ có khả năng trả được nợ gốc và lãi, Agribank sẵn sàng xem xét giảm tiếp lãi suất xuống mức thấp hơn 13%/năm.
Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, cho biết hiện BIDV đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ dư nợ cho vay tính đến hết ngày 12-5-2013, đồng thời thông báo để các doanh nghiệp, khách hàng có vay vốn tại các chi nhánh trong hệ thống BIDV đến làm việc đối chiếu rà soát và cùng thực hiện điều chỉnh lãi suất vay vốn với BIDV.
"Với đợt giảm lãi suất này, BIDV có thể bị giảm thu từ lãi khoảng 700 tỷ đồng tuy nhiên đây là điều bình thường bởi NH cũng là doanh nghiệp và cần chia sẻ thiết thực với doanh nghiệp" - ông Tú nói.
Trong khi đó, theo Phó Tổng giám đốc Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, bên cạnh giảm lãi suất cho tất cả các khoản vay lãi suất trên 13%/năm trước đây xuống còn 13%/năm, từ ngày 13-5 NH còn có chính sách riêng với từng khách hàng. Với khách hàng được xếp hạng 3A, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ ở mức 10%/năm. Ước tính với dư nợ trên 50.000 tỷ đồng Vietcombank đang cho vay với lãi suất 13-15%/năm, nếu giảm xuống 13%/năm, NH sẽ giảm lãi khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đẩy mạnh tín dụng cá nhân
Hiện các NHTM quốc doanh đưa các gói tín dụng dành cho các khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất 9-10%/năm, thậm chí 8,5%/năm. Tuy nhiên, để tránh lợi nhuận tín dụng sụt giảm mạnh khi giảm lãi suất 5 lĩnh vực trên, các NH sẽ đẩy mạnh cho vay cá nhân để bù lại, bởi đối tượng khách hàng này không bị khống chế trần lãi suất cho vay và có thể chịu đựng được mức lãi suất 11,5-13%/năm.
|
Tư vấn sản phẩm tín dụng cá nhân cho khách hàng. Ảnh: LONG THANH |
Cuối tuần qua, VPBank tung ra chương trình cho vay siêu ưu đãi, kéo dài đến ngày 30-6. Theo đó, khách hàng vay mua nhà, sửa chữa nhà, mua ô tô, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng sẽ được vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng/người với lãi suất 6%/năm. VIB cũng đưa ra gói tín dụng cá nhân kinh doanh, bất động sản và mua ô tô lãi suất 7,77%/năm.
Techcombank giảm 50% phí quản lý tài khoản năm đầu tiên cho khách hàng vay vốn, ân hạn trả gốc 12 tháng áp dụng cho khách hàng nhận lương qua tài khoản. Khách hàng chỉ trả lãi, không phải trả gốc trong 12 tháng đầu tiên. Sau thời gian ân hạn, khách hàng trả gốc và lãi hàng tháng tính trên dư nợ giảm dần.
Ngoài ra, khách hàng còn được phí bảo hiểm ưu đãi 10-30%, miễn phí quyền lợi mở rộng được cung cấp từ các đối tác uy tín và chọn lọc. MB kêu gọi cán bộ nhân viên mời chào tìm khách hàng cá nhân vay vốn từ người thân, bạn bè và gia đình…
Theo một chuyên gia NH, trong điều kiện tín dụng tăng trưởng chậm và nợ xấu cao, NH nào tăng trưởng ở mảng khách hàng cá nhân sẽ phân tán được rủi ro, bởi đối tượng này dù số tiền cho vay ít dựa trên thu nhập và tài sản thế chấp, nhưng lợi nhuận cho vay cao và an toàn hơn cho vay doanh nghiệp với số vốn giải ngân lên đến hàng chục tỷ đồng/doanh nghiệp.
Cẩn trọng lãi suất rẻ
Nhìn qua những lời mời chào lãi suất cho vay ưu đãi ở các NHTM có vẻ hấp dẫn, nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy hầu hết mức lãi suất thấp này chỉ áp dụng trong thời gian 3-6 tháng. Như VPBank áp dụng lãi suất 6%/năm trong 6 tháng.
Techcombank 10,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên, những tháng sau đó thả nổi theo lãi suất thị trường. WesternBank có gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho cá nhân lãi suất 3 tháng đầu 10,39-11,39%/năm, từ tháng thứ 4 đến tháng 12 là 11,39-12,39%/năm… Đây chính là điều sẽ khiến khách hàng e ngại khi vay tiêu dùng.
Đến nay vẫn còn khoảng 14% tổng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm. Nếu tổng dư nợ tín dụng của hệ thống NH vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nghĩa là có khoảng 378.000 tỷ đồng dư nợ đang phải chịu mức lãi suất này, chủ yếu là vay trung và dài hạn. Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN |
Thực tế cho thấy khi NHNN chưa hạ trần huy động đã có khá nhiều NH giảm mạnh lãi suất huy động dưới mức trần. Vì thế, hiện nay cùng với việc hưởng lợi khi NHNN hạ các loại lãi suất chủ chốt, nhiều NHTM đã có vốn đầu vào khá rẻ, bình quân kỳ hạn dưới 12 tháng trong khoảng 6-7%/năm.
Cho vay ra với khách hàng cá nhân 12-13%/năm, biên độ chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay lên đến 4-5%, trong khi mức hợp lý là 3%.
Dù khách hàng cá nhân không nằm trong diện được áp dụng trần lãi suất cho vay, nhưng họ đang được xem là đối tượng có tác động kích cầu nền kinh tế hiệu quả và trực tiếp nhất. Đó là chưa kể nhiều khách hàng doanh nghiệp có khoản vay cũ, các NHTM vẫn còn duy trì lãi suất cho vay 13-15%/năm là quá cao và bất hợp lý so với xu hướng giảm mạnh lãi suất huy động hiện nay.