Lận đận bén duyên
Còn nhớ năm 2014, khi PG Bank công bố lần đầu tài liệu phục vụ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên trên website đã có tờ trình về phương án sáp nhập PG Bank vào Vietinbank.
Theo đó, PG Bank sáp nhập nhưng giữ nguyên bộ máy hoạt động và thương hiệu, trở thành đơn vị trực thuộc Vietinbank theo mô hình NH trong NH. Vietinbank sẽ phát hành thêm cổ phiếu hoán đổi lấy cổ phiếu PG Bank, tỷ lệ sở hữu đến 99% PG Bank.
Song sau đó tờ trình này đã bị gỡ bỏ và tại ĐHCĐ chính thức, HĐQT NH chỉ đưa ra tờ trình về phương án sáp nhập PG Bank với một NH khác hoặc tự tái cơ cấu, mời cổ đông chiến lược nước ngoài ở quy mô phù hợp.
Đến năm 2015, thông tin sáp nhập giữa hai NH lại chính thức được công bố khi cả hai nhà băng cùng trình cổ đông thông qua tờ trình sáp nhập.Vietinbank dự kiến phát hành cổ phiếu hoán đổi vào quý III-2015, gồm 270 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông PG Bank, còn 30 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu của Vietinbank.
Tại ĐHCĐ năm 2018, HĐQT Vietinbank trình cổ đông thông qua việc chấm dứt giao dịch sáp nhập PG Bank vào Vietinbank. Lý do chấm dứt vì cả hai bên đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho NH và cổ đông của mình dẫn tới không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như điều khoản liên quan đến giao dịch.
Và khi Vietinbank vừa công bố thông tin này, HĐQT HDBank lại trình cổ đông thông qua việc sáp nhập PG Bank với tỷ lệ hoán đổi 1:0,621, tức 1 cổ phiếu PG Bank nhận 0,621 cổ phiếu HDBank. Lộ trình sáp nhập cũng được định ra chi tiết.
Tháng 5-2018, HDBank trình NHNN để xin chấp thuận về nguyên tắc, sau đó đăng ký phát hành cổ phần với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời hoàn thiện hồ sơ sáp nhập. Tháng 7-2018, HDBank sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện phân phối cổ phiếu mà cổ đông nhận được từ giao dịch sáp nhập. Tương tự, PG Bank cũng thực hiện chốt danh sách cổ đông để hoán đổi cổ phiếu.
Tháng 8-2018, dự kiến hoàn tất sáp nhập, tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của PG Bank. Tháng 9-2018, NH sẽ sắp xếp lại các mạng lưới, chi nhánh, phòng giao dịch, nhân sự, chuẩn bị thành lập công ty cho thuê tài chính, công ty kiều hối, công ty bảo hiểm và đưa vào hoạt động.
Song thực tế đến tháng 10-2018, NHNN mới chấp thuận về nguyên tắc cho giao dịch này. Và suốt từ năm 2018 đến nay, giao dịch sáp nhập vẫn chưa hoàn thành. Tại ĐHCĐ bất thường diễn ra vào tháng 10-2019, lãnh đạo PG Bank cho biết đã hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phê duyệt chính thức nhưng chưa được thông qua nên tiến trình chậm lại.
Câu chuyện sáp nhập của PG Bank với Vietinbank kéo dài hơn 3 năm không đi đến đích khiến Vietinbank phải từ bỏ. Nay mối duyên mới với HDBank công bố hơn 1 năm rưỡi cũng vẫn đang chờ kết quả.
Hiện cổ đông chiến lược đang nắm giữ 40% cổ phần của PG Bank là Petrolimex kỳ vọng có thể hoàn tất vào giữa năm 2020. Còn với giới đầu tư, PG Bank là một NH lận đận trong việc bén duyên với một NH khác, vì vậy kết quả sáp nhập vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Hoạt động trì trệ
Hoạt động trì trệ
Khi việc PG Bank sáp nhập với Vietinbank bị kéo dài, cổ đông NH từng hỏi HĐQT có nhất thiết phải sáp nhập hay không. Nguyên Chủ tịch HĐQT PG Bank Bùi Ngọc Bảo đã trả lời, nguyên nhân sáp nhập không phải vì NH hoạt động không tốt, mà vì có những quy định của NHNN về tỷ lệ sở hữu tối đa tại TCTD. Vì vậy, PG Bank phải giảm mức sở hữu của Petrolimex từ trên 40% xuống 20%. Mục đích sáp nhập để mạnh hơn, khỏe hơn chứ không phải do NH yếu kém.
Còn từ góc nhìn của một số chuyên gia, năm 2012, tỷ lệ nợ xấu NH này đã lên đến 8,4%, tỷ lệ nợ quá hạn 20,5%. Từ năm 2013, PG Bank bắt đầu chuyển nợ xấu sang cho VAMC đến hết năm 2014 đã bán tổng cộng 1.252 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 3% năm 2013 và 2,5% năm 2014.
Tuy nhiên, cộng trở lại số nợ xấu đã bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của PG Bank là 8% năm 2013 và 10,2% năm 2014. Tỷ lệ nợ xấu cao và các cổ đông hiện hữu lại không thể tăng thêm vốn điều lệ cho NH, Petrolimex chịu áp lực phải thoái vốn từ phía Chính phủ.
Vì vậy, PG Bank phải tìm phương án sáp nhập với NHTM lớn hơn.
Tuy nhiên, câu chuyện sáp nhập chưa thành đã kéo PG Bank ngày càng rơi vào hố sâu khó khăn. Năm 2016, lãnh đạo NH cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình sáp nhập vào Vietinbank bị trì hoãn và kéo dài quá lâu so với dự kiến, kéo theo đó là sự xáo trộn về tâm lý và thiếu hụt nhân sự. Tổng tài sản đến cuối năm 2016 ở mức 24.824 tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện sáp nhập chưa thành đã kéo PG Bank ngày càng rơi vào hố sâu khó khăn. Năm 2016, lãnh đạo NH cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình sáp nhập vào Vietinbank bị trì hoãn và kéo dài quá lâu so với dự kiến, kéo theo đó là sự xáo trộn về tâm lý và thiếu hụt nhân sự. Tổng tài sản đến cuối năm 2016 ở mức 24.824 tỷ đồng.
Tổng dư nợ tín dụng hơn 17.500 tỷ đồng, huy động vốn hơn 21.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập từ hoạt động đạt hơn 982 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này cũng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Cả năm, NH đạt lợi nhuận trước thuế 153 tỷ đồng, chỉ bằng 55% so với kế hoạch đề ra.
Năm 2017, kết quả kinh doanh NH tiếp tục ảm đạm khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới gần 2,3 lần, khiến lợi nhuận trước thuế năm 2017 chỉ đạt hơn 80 tỷ đồng, giảm 47,7% so với con số 153 tỷ đồng đạt được trong năm 2016. Ngoài ra, nợ xấu tăng 65,2% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng tới 93% (đạt 525 tỷ đồng), chiếm 73,4% tổng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu của NH ở mức 3,34%/tổng dư nợ, so với mức 2,47% hồi đầu năm. Các khoản phải thu cũng tăng vọt 3,6 lần, từ mức 72 tỷ đồng lên hơn 255 tỷ đồng, trong đó riêng khoản phải thu của CTCP Đầu tư Công đoàn Petrolimex lên tới hơn 180 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu cũng tăng 7,7%, lên gần 729 tỷ đồng.
Năm 2018, tổng nợ xấu chỉ giảm 2,3% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm 0,16%, chiếm 3,06% tổng dư nợ cho vay. Đồng thời, NH phải mua lại 650 tỷ đồng nợ tại VAMC và trích lập dự phòng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho số trái phiếu VAMC còn lại. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 159 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước và đạt 87% kế hoạch.
9 tháng năm 2019 vẫn trong quá trình chờ đợi sáp nhập, hoạt động của NH tiếp tục không khả quan. Tổng thu nhập hoạt động 3 quý chỉ đạt 789 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 1,5% lên 408 tỷ đồng, kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PG Bank tăng trưởng âm 5,2% chỉ đạt 381 tỷ đồng. Huy động vốn gặp khó khăn, chỉ tăng 4,4% (đạt 24.381 tỷ đồng).
Dư nợ cho vay cũng tương tự, chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nợ xấu tiếp tục tăng thêm 6%, lên mức 694 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 35% và nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 16%, nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 26%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tiếp tục ở mức 3,07%.
Không chỉ tác động đến tình hình kinh doanh, một báo cáo của PG Bank cũng cho biết tỷ lệ thôi việc của nhân viên NH năm 2018 là 23,88%, rất cao so với những năm gần đây do ảnh hưởng của thông tin sáp nhập.