Chỉ 2% rác thải ở Việt Nam được chôn lấp đúng cách

(ĐTTCO) - 70% rác thải ở Việt Nam hiện nay đang được xử lý phổ biến bằng hình thức chôn lấp, nhưng chỉ có 2% trong số đó là được chôn lấp đúng cách.
Chỉ 2% rác thải ở Việt Nam được chôn lấp đúng cách
Theo ông Nguyễn Quang Huân, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, thì Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích cách xử lý rác theo kiểu chôn lấp, nhưng hiện nay vẫn có khoảng 70% lượng rác thải ở nước ta đang xử lý theo hình thức này.  Tuy nhiên, hiện chỉ có 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác thu được nước thải rác.
Do đó, vấn đề tìm ra công nghệ để xử lý rác thải ở Việt Nam hiện nay đang là bài toán khó được đặt ra khi đồng thời phải đảm bảo cả 3 tiêu chí (1) công nghệ tiên tiến và phù hợp, (2) giá thành hợp lý với khả năng tài chính của địa phương cũng như doanh nghiệp, và (3) phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Chia sẻ về một số phương pháp xử lý rác tiên tiến, ông Huân đề cập đến công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Nhưng công nghệ này cũng đang gặp phải “điểm nghẽn” về tài chính. Ngoài ra, việc phân loại rác bằng tay ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.
Một công nghệ cũng tương đối phổ biến tại Việt Nam, là xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh. Giống phương pháp trên, công nghệ này gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện, kim loại nặng bị lẫn và chỉ phù hợp bón cho cây công nghiệp. 
Chỉ 2% rác thải ở Việt Nam được chôn lấp đúng cách ảnh 1 Theo ông Nguyễn Quang Huân, hiện nay 70% rác thải ở Việt Nam vẫn xử lý theo hình thức phổ biến là chôn lấp, tuy nhiên chỉ có 2% trong số này là được chôn lấp đúng cách.
Ông Huân cho biết, công nghệ đốt rác không phát điện là một hướng đi được nhắc tới khá nhiều vài năm trở lại đây. 2 nhà máy xử lý rác theo công nghệ này được xây dựng ở Cần Thơ và Hà Nội vừa vận hành phát thử, nhưng bước đầu cho thấy công nghệ này gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí.
Trong khi đó, ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, khó khăn lớn nhất ở đây khi tiếp cận các công nghệ xử lý rác thải mà doanh nghiệp đang gặp phải chính là cơ chế và giá thành. 
Ông Dũng so sánh, ở các nước châu Âu, chi phí để xử lý 1 tấn rác thải từ 45 – 60 USD, trong khi ở Việt Nam chi phí này từ 17 - 20 USD (khoảng 390.000 – 450.000 đồng). Với mức giá thành xử lý rác có sự chênh lệch khá lớn, doanh nghiệp Việt Nam nếu nhập khẩu công nghệ xử lý rác tiên tiến tương đương tiêu chuẩn châu Âu về vận hành chắc chắn khó có lãi, trong khi phải gánh chịu nhiều chi phí khác. Do đó, tính hiệu quả kinh doanh cũng đang là vấn đề khó đặt ra cho các doanh nghiệp.
Dù Việt Nam đã có chính sách về hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải, tuy nhiên theo đại diện các doanh nghiệp, việc vay nguồn vốn này chỉ hạn chế định mức là 50 tỷ đồng. 
Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến cần kinh phí thực hiện ít nhất 300 tỷ đồng trở lên, nên nguồn vốn hỗ trợ khó có thể đáp ứng đủ.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn vay cũng không dễ dàng khi các ngân hàng đều đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được điều kiện này.

 Theo thống kê, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tính cuối năm 2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Con số này ngày càng phình to và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ở môi trường mà còn là sức khỏe của người dân. Rác thải sinh hoạt gia tăng có thể trở thành vấn đề “khủng hoảng” môi trường, môi sinh và đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý, đặc biệt là ở các đô thị lớn.

Các tin khác