Ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024…
Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội (ĐB) Khương Thị Mai (Nam Định) cho biết, cả nước có gần 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ thì năng lực công nghệ hạn chế, dù tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tạo ra giá trị thấp. Doanh nghiệp hiện cũng gặp một số khó khăn.
ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC
Chia sẻ về tình hình doanh nghiệp hiện nay, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Người lao động nghỉ việc, bị cắt giảm giờ làm còn ở mức độ cao. ĐB cho rằng hiện nay cần nới lỏng chính sách tài khóa tiền tệ trong thời gian tới. Về lâu dài, ĐB cho rằng cần phải có những chính sách đột phá, mạnh mẽ hơn nữa mới đạt mục tiêu phát triển kinh tế đề ra trong nhiệm kỳ này.
Cụ thể, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn. Trong đó, việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Bên cạnh đó, cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng. Về kế hoạch chi cho ngành y tế là 14.000 tỷ đồng nhưng hiện nay chưa chi. Do vậy, ĐB đề nghị tiếp tục triển khai chi số tiền này cho lĩnh vực y tế, trong đó dùng một phần để đầu tư 4 trung tâm xạ trị proton trong cả nước.
Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường ngày 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Về số tiền 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại, ĐB cho rằng hiện nay mới giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại cần bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. “Không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay mà nên tăng bảo lãnh tín dụng thì lúc đó mới giúp cung cầu tín dụng gặp nhau”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp trong đó có 60%-70% doanh nghiệp lớn và vừa, ĐB Khương Thị Mai đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
ĐB Khương Thị Mai
ĐB Khương Thị Mai cũng đề nghị, cần rà soát thu gọn chính sách hỗ trợ, có tính khả thi, chính sách phải đủ lớn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời đề nghị có nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp Việt. Nghiên cứu ban hành chính sách thuế, thực hiện hiệu quả các giải pháp chống thất thu, gian lận thương mại. Có chính sách thúc đẩy cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.
ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị cần sớm thể chế hóa Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời đề nghị ngành tài chính tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả hơn tài sản công hiện nay.
Mở rộng tín dụng đến nhóm yếu thế trong xã hội
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng cần tái cấp vốn, bảo lãnh trái phiếu trong nước để giúp ngân hàng chính sách xã hội có điều kiện mở rộng tín dụng cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người mất việc làm có thêm việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. ĐB Trần Hoàng Ngân mong muốn mở rộng gói tín dụng này để các đối tượng yếu thế tiếp cận nhiều hơn, nhất là trong học sinh, sinh viên.
Về giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công, ĐB Trần Hoàng Ngân đồng tình cần có một luật để điều chỉnh nhiều luật liên quan đến đầu tư công, hợp tác công tư… Đồng thời cần thể chế hóa liên kết vùng vì Bộ Chính trị đã có Nghị quyết cho 6 vùng trong cả nước nhưng hiện nay đang thiếu thể chế liên kết các vùng này.
Về đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cụ thể, cần chuyển nguồn khoản kinh phí (khoảng 13.796 tỷ đồng) cho 3 dự án cao tốc quan trọng quốc gia mà Quốc hội đã cho ý kiến chủ trương đầu tư như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
ĐB Tô Ái Vang
Đồng tình ý kiến này, ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) mong Quốc hội xem xét kéo dài nguồn tăng thu năm 2021 cho các tuyến đường, các tuyến giao thông quan trọng, không thu hồi, trong đó có cao tốc Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Bởi đây công trình giao thông rất quan trọng, cần bố trí vốn để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ, nếu không sẽ kéo dài thời gian bố trí lại và phát sinh thêm thủ tục.
Hoàn thiện pháp luật để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Cụ thể trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm thuế đối với các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200.000 tỷ đồng, đây là nỗ lực rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ mạnh hơn nhiều, bền vững hơn và doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Đề cập về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52%.
Vấn đề đặt ra là tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn? Bộ trưởng nhận định, nếu không sửa Luật Đầu tư công thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Do đó, đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.