(ĐTTCO) - Hiện nay các DN Việt Nam phải dành hơn 40% lợi nhuận để nộp thuế, trong khi đó ở một số nước trong khu vực như Indonesia là 29,7%, Thái Lan là 27,5%, Singapore 18,4% (báo cáo Doing Business của WB)... Thực trạng này được cho là nguyên nhân chính “bào mòn” sức khỏe và khả năng cạnh tranh của DN Việt, khó có cơ hội tích lũy để lớn mạnh, trưởng thành.
Bào mòn sức khỏe DN
Giám đốc một DN cơ khí quy mô nhỏ tại quận Thủ Đức, TPHCM đã đưa ra minh chứng cụ thể, mặc dù DN có số vốn vài tỷ đồng và lợi nhuận bình quân hàng tháng không cao, nhưng nếu theo quy định về mức thu phí môn bài chuyển đổi mới thì DN sẽ phải nộp tương đương với mức đóng góp của những DN quy mô lớn (vốn 100 tỷ) hiện hành.
Hay như câu chuyện của một DN vận tải tư nhân có hơn chục đầu xe đang phải rất chật vật cầm cự để tồn tại khi mức thu phí đường bộ với các loại xe vận hành lưu thông trên đường vừa được thay đổi, tăng 25-50% so với mức thu cũ... Đó mới chỉ là những khoản thu chính thức được Nhà nước quy định, còn rất nhiều loại phí bôi trơn, phí không tên khác cũng đang góp phần khiến gánh nặng trên vai các DN oằn xuống.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định cần phải đưa ra các
Nhiều cuộc khảo sát về mong muốn của cộng đồng DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng cơ hội phát triển, hội nhập quốc tế cho thấy, các DN đều rất mong muốn được Chính phủ hỗ trợ trong việc giảm gánh nặng thuế phí, sau đó là các vấn đề có liên quan đến hoạt động phát triển kinh doanh. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM | |
giải pháp để nhanh chóng giảm các chi phí chính thức và cả không chính thức cho các DN để đảm bảo an toàn và “khoan sức” cho DN. Ông Lộc cho rằng gánh nặng chi phí mà các DN đang phải chịu là do các cơ chế chính sách thủ tục gây khó, cản trở phát triển, quyền tự do kinh doanh của DN, các khoản đóng góp liên quan đến lao động, phí cầu đường, vận chuyển... cao gấp đôi, gấp ba các nước ASEAN.
Đặc biệt, về chi phí vốn, hiện các DN Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất bình quân 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu là 7-8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Philippines 2,2%/năm, Malaysia 2,1%/năm...).
Nhiều chi phí không tên
Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu lớn nhất của DN Việt Nam. Đại diện Công ty cổ phần Thương mại cơ khí Tân Thanh cho biết gần như 100% nguyên liệu sản xuất của đơn vị đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc so với những nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Nhật Bản… rẻ hơn 20-30%. Do đó, nếu chuyển vùng địa lý nhập khẩu nguyên liệu thì những lợi thế từ các hiệp định thương mại mang lại chưa đủ. Tương tự, với ngành dệt may - một trong những ngành trọng yếu phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng có đến 80% nguyên liệu sản xuất là nhập khẩu.
Các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh đầu tư những nhà máy sản xuất sợi tại Việt Nam, nhưng sản lượng sản phẩm sản xuất không được chia sẻ cho các đơn vị nội địa. Do vậy, với tỷ lệ nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay thì hiệp định thương mại là thách thức đối với các DN Việt, chứ không phải là lợi thế.
Một vấn đề quan trọng khác được nhiều DN chia sẻ là những chi phí kiểm định chuyên ngành và chi phí không tên tại Việt Nam quá lớn. Hầu hết 100% lô hàng nhập khẩu nguyên liệu đều phải bị kiểm định chuyên ngành, bất chấp DN đó thuộc phân luồng xanh, vàng hay đỏ. Điều này gây lãng phí xã hội do DN phải tốn chi phí kiểm định, lưu kho bãi. Đặc biệt, thời gian thông quan kéo dài làm hạn chế cơ hội cho DN Việt Nam tiếp nhận những đơn hàng ngắn ngày, thời vụ. Ngoài ra, giữa các nhà cung cấp và DN sản xuất sản phẩm đầu cuối Việt Nam thường nằm rải rác, địa lý cách xa nhau. Do đó, tiêu tốn rất nhiều chi phí vận chuyển, nhất là những chi phí không tên.
Theo nhiều chuyên gia, các DN Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu cho đến luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán. Theo đó, nếu DN nhiều nước được kinh doanh trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp, bộ máy nhà nước luôn trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh… thì ở Việt Nam giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan nhà nước vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu.
Đại diện nhiều hiệp hội thương mại nước ngoài cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, phiền hà trong môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, kiến nghị cần rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Đặc biệt, cần tính toán và đánh giá được chi phí và lợi ích của từng thủ tục hành chính đặt ra chứ không chỉ nêu chung chung…
Gánh nặng chi phí đang khiến DN Việt không lớn được. |
Những giải pháp hỗ trợ thiết thực
Ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận Chính phủ đã có những nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như trình Quốc hội sửa nhiều luật quan trọng gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa… Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt nhưng so với nhiều nước, đặc biệt trong khu vực ASEAN thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của doanh nghiệp lại càng xa. Vì vậy, việc rà xét, điều chỉnh, giảm nhẹ gánh nặng thuế phí, chi phí đầu vào cũng như các chi phí hành chính rất cần thiết để DN Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh và trụ vững trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh rất gay gắt hiện nay.
Trước thực tế này, mới đây ngày 16-5-2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đề ra những giải pháp tháo gỡ cụ thể, giao các bộ ngành đưa vào chính sách, thực hiện. Trong đó, Bộ Tài chính rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT, đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là với DN kinh doanh dịch vụ vận tải...
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016, xử lý nợ chậm nộp cho DN gặp khó khăn khách quan, đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN cho DNNVV, giảm 50% thuế TNCN đối với lao động trong một số lĩnh vực CNTT thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…
Đối với vấn đề hỗ trợ vốn và lãi suất giúp DN giảm chi phí vốn, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN. Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối DN - ngân hàng và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN...
Với Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Chính phủ đã nhắm đến và đưa ra những quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay mà cộng đồng DN đang mong mỏi.