Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 13.5% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất trong 26 năm và cao hơn dự báo 12.3% của các chuyên gia kinh tế, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong ngày 10/11. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1.5%, cao nhất kể từ tháng 9/2020 và vượt mức dự báo tăng 1.4%.
Giá sản xuất tại Trung Quốc tăng nhanh chóng trong vài tháng qua, đầu tiên là vì đà leo dốc của giá hàng hóa toàn cầu và sau đó là các đợt kiểm soát sản xuất vì thiếu điện. Lạm phát tiêu dùng cũng bắt đầu tăng khi vấn đề nguồn cung vì thời tiết bất lợi thúc đẩy giá thực phẩm và các nhà sản xuất chuyển chi phí cho tới các nhà bán lẻ.
Dữ liệu trên “ngụ ý áp lực lạm phát đang đè nặng lên cả phía sản xuất lẫn người tiêu dùng”, Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities Hong Kong, nhận định. “Áp lực lạm phát và lập trường diều hâu hơn về chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn có thể giới hạn khả năng nới lỏng chính sách của Trung Quốc”.
Đà tăng mạnh của giá cả diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu vì tình trạng thiếu điện, sự lao dốc của lĩnh vực bất động sản và các đợt bùng phát dịch bệnh. Lạm phát ngày càng tăng có khả năng làm dấy lên tranh luận liệu NHTW có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ đà tăng trưởng hay không.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 1.4% trong ngày 10/11. Hầu hết lĩnh vực đều nhuốm sắc đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và người tiêu dùng dẫn đầu đà lao dốc với mức giảm ít nhất là 2.8%.
Đà tăng mạnh hơn dự báo của lạm phát “là thông tin tiêu cực cho thị trường cổ phiếu Trung Quốc đại lục”, theo Ken Chen, Chuyên viên phân tích tại KGI Securities. “Thị trường kỳ vọng có sự hỗ trợ về chính sách, nhưng dữ liệu CPI mạnh hơn dự báo có thể siết lại cơ hội nới lỏng tiền tệ”, ông nói.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ thấp kỳ vọng giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) sau cú giảm bất ngờ trong tháng 7/2021.
Liu Peiqian, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Natwest Markets, kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục ưu tiên ổn định nguồn cung và giá cả hàng hóa để kìm hãm đà tăng của PPI. Bà cho rằng PBoC khó lòng siết chính sách khi CPI vẫn còn dưới mục tiêu.
Giá rau tăng mạnh
Giá thịt lợn – yếu tố chính trong CPI – tiếp tục giảm trong tháng 10/2021 và điều này giúp bù đắp phần nào cho đà tăng của các thực phẩm khác. CPI tổng thể lẽ ra đã tăng gần 2.5% nếu không tính tới tác động từ giá thịt heo, theo NBS.
Giá rau tăng vọt kể từ giữa tháng 10/2021 sau tình trạng gián đoạn nguồn cung. Giá rau tăng 15.9% so với cùng kỳ, đóng góp 0.33 điểm phần trăm cho đà tăng của CPI. Giá cá nước ngọt, trứng và dầu thực vật cũng tăng mạnh trong tháng 10/2021.
Nhìn chung, giá thực phẩm tiếp tục giảm vì tác động của thịt lợn, nhưng ở mức chậm hơn so với tháng 9/2021. Tuy nhiên, lạm phát lõi – loại trừ thực phẩm và năng lượng – chỉ tăng nhẹ lên 1.3%, cho thấy nhu cầu vẫn đang thấp.
Khoảng cách giữa giá thượng nguồn và hạ nguồn “tiếp tục cho thấy nhu cầu yếu từ phía người tiêu dùng và áp lực tức thời lên biên lợi nhuận của các công ty hạ nguồn”, Michelle Lam, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc đại lục tại Societe Generale ở Hồng Kông, cho hay.
Ngoài ra, hiện cũng có dấu hiệu các nhà sản xuất thượng nguồn đang chuyển chi phí cho các doanh nghiệp hạ nguồn. Một vài công ty thực phẩm đã thông báo nâng giá lên tới 15%, bao gồm Haixin Foods, Anjoy Foods và Jiajia Food, vì chi phí nguyên vật liệu ngày càng tăng.