Chỉ tiêu kinh tế 2013: Vẫn phải phòng thủ

Năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2011-2015.

Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Bộ KH-ĐT đưa ra 2 phương án về phát triển kinh tế trong năm 2013.

Với phương án 1, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6-6,5%; còn phương án 2, dự kiến tăng khoảng 5,5-6%. Về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cả 2 phương án đều dự kiến thấp hơn hoặc bằng năm 2012 (7-8%).

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, cân nhắc 2 phương án tăng trưởng nêu trên, bộ đề xuất lựa chọn phương án tăng trưởng 6% để làm căn cứ xây dựng các cân đối vĩ mô.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới 2012 khoảng 3,5%, và có thể tăng lên 3,9% trong năm 2013. Yếu tố này sẽ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá hơn trong năm tới. Ở trong nước, nhìn từ 2 yếu tố tăng trưởng và lạm phát, kết quả đạt được sau 3/4 chặng đường của năm 2012 đều có dấu hiệu tích cực.

Sau 2 tháng giảm liên tiếp, CPI đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 8 do giá nhiều mặt hàng năng lượng có xu hướng tăng kể từ giữa tháng 7. TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết điều đáng mừng là lạm phát lõi (lạm phát cơ bản) trong năm 2012 ở mức rất ổn định so với nhiều năm trước.

Biểu hiện là sau khi giảm mạnh từ mức gần 13% vào tháng 8-2011, lạm phát lõi so với cùng kỳ năm trước hiện đang ổn định quanh mức 8% trong 3 tháng qua. Còn nhìn về phía tăng trưởng, tốc độ tăng GDP đã có những cải thiện đáng kể, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng quý III tăng khá mạnh.

Theo số liệu ước tính của Bộ KH-ĐT, GDP quý III ước tăng khoảng 5,5-5,6% (tăng trưởng quý I đạt 4%, quý II đạt 4,5%). Tổng cầu của nền kinh tế tuy chưa mạnh nhưng cũng đã có những chuyển động khả quan. Với những kết quả này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý III và quý IV năm nay sẽ cao hơn đáng kể so với 2 quý đầu năm và GDP cả năm vẫn có thể đạt mục tiêu 5,3-5,6%.

Với đà tăng trưởng như vậy, cùng với việc các giải pháp tăng tổng cầu đang được gấp rút thực hiện trong những tháng cuối năm 2012, việc kỳ vọng tăng trưởng năm 2013 ở mức 6% là có cơ sở. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát tăng tốc trở lại vẫn là vấn đề được các chuyên gia lưu tâm. Nếu vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012 chưa đạt được một mức độ đáng tin tưởng, thì chỉ tiêu tăng trưởng khá hơn trong năm 2013 sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Thậm chí, trong kịch bản niềm tin chưa được củng cố, mong muốn tăng trưởng sẽ trở thành gượng ép. Và khi đó, vòng xoáy tăng trưởng-lạm phát-thắt chặt-suy giảm-nới lỏng-lạm phát sẽ giống như một “vòng kim cô” không lối thoát mà chúng ta đã vấp phải trong nhiều năm qua. Chính vì thế, diễn biến kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2012 có vai trò rất lớn để xác định kịch bản tăng trưởng trong năm 2013.

Mặt khác, do không có sự điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công, mà thường dồn vào những tháng cuối năm nên khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó thực hiện được. Điều này cũng gây áp lực lên lạm phát. Theo Bộ KH-ĐT, sau 7 tháng tăng trưởng âm, tín dụng tháng 8 đã tăng khoảng 1,4% so với đầu năm.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, tính toán với mức tăng như vậy, để đạt mục tiêu tăng tín dụng 16% cho cả năm thì mỗi tháng còn lại tín dụng cần tăng tới gần 4%: “Như vậy chắc chắn sẽ đẩy lạm phát lên cao. Tôi cho rằng mức hợp lý nhất là mỗi tháng tới tăng tín dụng khoảng 1,2-1,3%, cộng với phần giải ngân từ vốn đầu tư nhà nước, trái phiếu chính phủ, thậm chí lấy cả nguồn năm 2013 cho năm 2012. Nếu cao hơn thì nền kinh tế không hấp thu được".

Nguy cơ tái lạm phát còn có tác động từ bên ngoài như áp lực của xu hướng tăng giá hàng hóa lương thực-thực phẩm trên thế giới, tác động của lạm phát nhập khẩu và các yếu tố thời vụ vào những tháng cuối năm; việc tăng giá xăng dầu…

Do vậy, lạm phát vẫn cần được kiểm soát một cách “chủ động” theo định hướng mục tiêu để không gây tác động tiêu cực cho ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013. Nếu CPI từ nay đến cuối năm vẫn duy trì ở mức tăng 0,5-0,8%/tháng, lạm phát cả năm sẽ vào khoảng 6%.

Năm 2012 tạo được nền tảng vững chắc trong việc ổn định vĩ mô, năm 2013 mới có thể tính đến chuyện tăng trưởng cao hơn.

Đồng tình rằng tình hình năm tới có thể khá hơn, nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng trong thời gian tới, cần kiên định và quyết liệt hơn nữa việc thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động; chú trọng hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Các tin khác