Chile được xem là hình mẫu cho các nước Mỹ Latin, nhưng gần đây tại đất nước này đang diễn ra phong trào phản đối mạnh mẽ nhất kể từ khi chế độ dân chủ trỗi dậy trở lại.
Chống đối lan rộng
Cuộc phản đối của giới sinh viên đã nhanh chóng trở thành một phong trào lan rộng đòi cải cách xã hội và thách thức nguyên tắc thị trường tự do của Tổng thống Sebastian Pinera. Ngày 11-9, người dân Chile tưởng niệm sự kiện đảo chính đẫm máu đưa nhà độc tài Augusto Pinochet lên nắm quyền lực tối cao tại Chile từ năm 1973-1990. Năm nay, sự tưởng niệm này ẩn chứa mầm mống chống đối bất thường.
Phong trào xã hội mạnh mẽ đã bén rễ khắp đất nước và những người trẻ tuổi đòi phải thay đổi hệ thống giáo dục tàn dư thời Pinochet. Nhà độc tài đã dựa trên tư nhân hóa như là thành tố nền tảng cho các thị trường tự do.
Hiến pháp thời Pinochet vẫn còn được sử dụng mặc dù các chính phủ sau đó (được bầu cử một cách dân chủ) chỉnh sửa ít nhiều. Riêng hệ thống giáo dục vẫn giữ nguyên. Mùa xuân năm nay, sinh viên, giáo viên Chile đã bắt đầu biểu tình.
Hiện tại, các nhà hoạt động nhân quyền và các nghiệp đoàn cũng tham dự. Tất cả đều yêu cầu công bằng xã hội và cải cách hiến pháp. Trường học và thậm chí đã có lúc cả Bộ Giáo dục cũng bị xâm chiếm. Một số nhà hoạt động còn dùng đến biện pháp đấu tranh tuyệt thực.
Hôm 8-10, khoảng 100.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình, tiếp đó giới nghiệp đoàn phát động cuộc tổng đình công. Báo chí tường thuật rằng cảnh sát đã phải dùng vũ lực can thiệp, hàng trăm người, bao gồm viên chức chính phủ bị thương. Phong trào ở Chile bắt đầu lan sang Brazil và Colombia.
Yêu cầu Nhà nước hỗ trợ
Trong một thời gian dài, nền kinh tế Chile vận hành trôi chảy đã đưa nước này gia nhập câu lạc bộ những quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng đạt 5%, đói nghèo giảm dần và theo xếp hạng quốc tế PISA, Chile có hệ thống giáo dục vào loại tốt nhất Mỹ Latin.
Nhưng cùng lúc Chile lại là một trong những xã hội kém công bằng nhất trên thế giới và điều này được đổ lỗi cho hệ thống giáo dục.
![]() |
Biểu tình của sinh viên và các nghiệp đoàn tại Chile. |
Ở Chile, sự nghiệp học hành của một người tùy thuộc vào gia sản của cha mẹ. Chẳng có quốc gia OECD nào mà Nhà nước chỉ đóng góp phần nhỏ vào hệ thống giáo dục như ở Chile, ngay cả trường công cũng bắt đóng học phí. Do đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải gánh trên vai món nợ bình quân 60.000USD.
Đây là nguồn gốc phát sinh các cuộc biểu tình phản đối. Sinh viên mong muốn sửa đổi hiến pháp để bảo đảm nền giáo dục tốt và miễn phí, trong đó các trường công được cải thiện và học phí được bãi bỏ.
Họ cần Nhà nước hành động nhiều hơn là để cơ chế thị trường tự điều tiết. Một số người cho rằng nên tăng thuế và quốc hữu hóa ngành công nghiệp khai thác đồng.
Tuy nhiên cho đến nay, Chính phủ cánh hữu vẫn quan niệm nguyên tắc đi học thì phải trả tiền nên chỉ đề nghị áp dụng lãi suất thấp hơn cho các khoản nợ của sinh viên. Những cuộc đàm phán vì vậy bế tắc.
Tương tự, các nghiệp đoàn kêu gọi Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến hệ thống y tế và hưu trí thay vì phó mặc cho nền kinh tế thị trường. Tóm lại, phong trào phản đối này đang đặt mô hình kinh tế thị trường của Chile và vai trò của Chính phủ vào một sự thách thức chưa từng thấy.