Gánh nặng nợ nần
Ngồi nhìn cơn mưa trái mùa ào ạt trước mái hiên nhà, lòng chị Út (phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) thêm trĩu nặng. Nhớ về “cơn sốt” đất cách nay gần 2 năm, chị Út như sực tỉnh: “Làng quê bình yên với rẫy rừng, bỗng chốc chộn rộn, đi đâu cũng nghe nói chuyển nhượng đất đai.
Rẫy trồng điều chẳng đáng giá bao nhiêu thành bạc tỷ, xoay qua trở lại thu lời tiền trăm, bạc tỷ chóng vánh”. Không thể cưỡng lại “ma lực” của lợi nhuận, chị Út dốc toàn bộ vốn liếng và vay thêm ngân hàng mua 3 lô đất nông nghiệp hơn 3.000m2 giá gần 3 tỷ đồng tại xã Đa Kia (huyện Bù Gia Mập). Đời không biết được chữ ngờ, thật nhanh chóng sau đó, tỉnh Bình Phước siết chặt việc phân lô bán nền, chị không thể bán để thu hồi vốn và đang phải còng lưng trả lãi suất hàng tháng. Giấc mơ giàu nhanh tan hoang!
Sôi động thị trường đất đai ở huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: NGUYÊN HOÀNG
Hậu “sốt đất”, những tình cảnh như chị Út không hề hiếm thấy, bởi “may mắn” của người khác là thua thiệt của người này. Tại Bình Dương vào đầu năm 2021, người dân xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) phát sốt với giá đất tăng phi mã từ tin đồn sẽ xây dựng sân bay Lai Hưng trên nền phi trường quân sự trước đây. Lúc đó, nhiều người khắp nơi đã kéo đến nhận chuyển nhượng đất cát, nhưng sau đó thị trường xẹp xuống nhanh chóng, vì dự án không có thật.
Ông Nguyễn Huy Khuê (41 tuổi, ở TPHCM) bỏ ra hơn 10 tỷ đồng mua 3 nền đất ở khu vực xã Lai Hưng với ý định “lướt sóng”, sau một năm vẫn chưa tìm được người mua, chua chát kể: “70% số tiền mua đầu tư bất động sản của tôi tại đây từ tiền đi vay ngân hàng và người thân. Hiện khu đất bán không được, trong khi lãi ngân hàng phải trả hàng tháng, là áp lực lớn đối với gia đình tôi”.
Anh N.V.H. (23 tuổi, trú TP Đông Hà, Quảng Trị, mới tốt nghiệp đại học đang xin việc làm) cho biết, trước Tết Nhâm Dần, nghe bạn bè khoe “lướt sóng” đất cát kiếm được hơn trăm triệu đồng. Thấy dễ ăn, H. năn nỉ bố mẹ cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng mua lô đất 2,3 tỷ đồng từ một người bạn (mua trước đó 2 tháng là 1,7 tỷ đồng) tại Khu đô thị Nam Đông Hà. “Mới công chứng sang tên, chưa nhận được sổ đỏ thì bất ngờ thị trường chững lại. Em hạ giá nhiều lần, rao bán lỗ 300 triệu đồng mà chẳng có ai hỏi mua”, H. ngậm ngùi nói.
Ghi nhận tại các khu vực từng là “điểm nóng” của tình trạng sốt đất như khu vực sân bay Phan Thiết và các xã vùng ven của TP Phan Thiết như Thiện Nghiệp, Hàm Liêm, Phong Nẫm, hiện giá đất vẫn neo rất cao. Khu vực xã Thiện Nghiệp đang được các nhà môi giới chào bán với giá có nơi 7 tỷ đồng/sào, khu vực xa hơn hoặc đất hẻm từ 3-4 tỷ đồng/sào; đất nền vùng ven TP Phan Thiết dao động từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/100m2.
Anh Đ.V.Q., môi giới nhà đất tại TP Phan Thiết, cho biết: “Giá đất không giảm vì trước đó các nhà đầu tư mua vào ở mức rất cao, giờ buộc phải bán với giá cao hơn mới có thể thu hồi vốn. Nhiều nhà đầu tư lỡ “ôm” nhiều đất bằng tiền vay ngân hàng, đang tìm nhiều cách để khuấy động thị trường nhưng cũng không bán được”.
“Kê toa, bốc thuốc” chưa đúng bệnh
Trước nạn “cò đất” lộng hành, đẩy giá đất lên cao, nhiễu loạn thị trường, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc. Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, đã yêu cầu công an điều tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin nhằm gây “sốt giá đất” để trục lợi. UBND các huyện, thị xã, thành phố áp dụng phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể, giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá đảm bảo phản ánh đúng giá trị thật của thị trường; hạn chế việc chia nhỏ lượng quỹ đất đưa ra đấu giá gây khan hiếm thị trường, tạo ra “sốt ảo”.
Thực tế cho thấy, giải pháp của các địa phương chưa mang lại hiệu quả cao. Năm 2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn.
Sau thời gian đầu im ắng thì mới đây, theo khảo sát của phóng viên, tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn biến khá phức tạp tại một số huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, thị xã Phú Mỹ. Đặc biệt, mới đây, cò đất N.M.L. thực hiện hành vi rải tiền “cho đất ăn” và đăng lên mạng xã hội nhằm quảng cáo cho một khu đất nông nghiệp phân lô trái phép tại huyện Đất Đỏ rất phản cảm. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, cưỡng chế đường giao thông trong khu đất, xử phạt chủ đất số tiền 45 triệu đồng. Đồng thời, lãnh đạo huyện Đất Đỏ tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm tại một số khu đất nông nghiệp khác đã được cơ quan chức năng cho phép tách thửa.
Hoặc tại tỉnh Đồng Nai, việc xử lý vẫn còn trong… dự kiến. Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, tỉnh sẽ ban hành quy định mới về tách thửa như: diện tích sau khi tách thửa đất ở đô thị tối thiểu là 60m2 và đất ở nông thôn tối thiểu 80m2, đất nông nghiệp tại đô thị tối thiểu 500m2, đất nông nghiệp ở nông thôn tối thiểu 1.000m2. Tại những khu vực không thuộc diện quy hoạch khu dân cư, UBND các xã, huyện đã treo biển thông báo nghiêm cấm việc mua bán đất, gỡ bỏ các tờ rơi, tờ quảng cáo bán đất nền, đất nông nghiệp nhằm hạn chế tình hình sốt đất “ảo”. Quy định mới chưa ban hành, tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là ở những khu vực có dự án đầu tư đường giao thông đang diễn ra rất phức tạp.
Rõ ràng, mặc dù chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nhưng các giải pháp đưa ra chưa cắt được “cơn sốt đất”. Làm thế nào để xử lý dứt điểm tình trạng này? Đây chính là bài toán mà lời giải là chặn “vòi bạch tuộc” vươn vào đất để nắn dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch đạt hiệu quả. Vậy nhưng, lời giải này đang bỏ ngỏ!
Hà Nội: Đất vùng ven tiếp tục “sốt” |