Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo chính phủ Anh có thể mở đường cấp quyền công dân cho khoảng 300.000 công dân Hồng Kông có hộ chiếu Anh nếu Trung Quốc không rút lại luật an ninh Hồng Kông.
Ngoại trưởng Anh chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây vào ngày thứ Năm 28-5 rằng họ thực sự gặp khó với diễn biến mới, cái nước Anh muốn thấy hiện tại là Trung Quốc sẽ tạm dừng lại để cân nhắc và không tiếp tục tiến hành thực thi chính sách mới, cân nhắc lại và thực hiện đúng với tất cả những cam kết quốc tế.
Bất chấp sự phản đối của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chấp thuận áp dụng luật an ninh mới cho Hồng Kông. Theo những người có quan điểm ủng hộ dân chủ, động thái mới nhất sẽ hạn chế tự do tại Hồng Kông.
Theo quan điểm của chính phủ Anh, luật mới đã xâm phạm quyền tự do và tự trị của người Hồng Kông, đồng thời xâm phạm các cam kết quốc tế.
Một vấn đề then chốt với nước Anh hiện tại là bằng cách nào để giúp 300.000 người đang có hộ chiếu Anh sống ở Hồng Kông. Ngoại trưởng Anh cho biết nước Anh sẽ giúp họ có nơi đến nếu Bắc Kinh không lùi bước.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Ngoại giao Anh, những công dân có hộ chiếu Anh này hiện tại được phép đến Anh mỗi năm 6 tháng, nhưng nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách và thực sự áp dụng luật an ninh mới, phía chính phủ Anh sẽ thay đổi chính sách.
Ngoại trưởng Anh cho biết chính phủ Anh sẽ có thể bỏ giới hạn 6 tháng đó, cho phép những công dân Anh đó đến Anh kiếm việc làm hoặc học tập thêm trong 12 tháng và rồi sẽ cấp quyền công dân cho những người này.
Theo thông tin từ BBC, sau năm 1997 (năm Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc), nước Anh trao cho cư dân Hong Kong một quy chế ưu đãi hơn so với các cựu thuộc địa khác - đó là hộ chiếu BNO. Loại hộ chiếu này là cánh cửa để người Hong Kong sang Anh định cư và xin nhập quốc tịch Anh dễ dàng hơn.
Ngoài bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài, nước Anh còn trợ giúp lãnh sự cho công dân các thuộc địa, lãnh thổ phụ thuộc Anh. Công dân Anh gồm những người sống ở Anh, mang quốc tịch Anh hoặc con cháu họ vẫn duy trì liên hệ với Anh, dù họ sống ở nước ngoài. Dân Anh hải ngoại gồm người dân các nước thuộc địa cũ sau gộp thành khối Commonwealth.
Nước Anh coi những ai đã là công dân quốc gia mới (thuộc địa trở thành quốc gia độc lập) thì không còn quyền xin hộ chiếu hải ngoại của Anh nữa. Chỉ những ai sinh ra trước một thời điểm cụ thể (1983, 1997), hoặc đã sống dưới thời thuộc địa, ủy trị của Anh mới có thể xin hộ chiếu hải ngoại nhưng phải chờ xem xét. Bìa loại hộ chiếu này không có chữ “Liên minh châu Âu” và người mang hộ chiếu loại này không được Liên minh châu Âu (EU) coi là công dân Anh.
Riêng Hong Kong, vì chỉ là vùng lãnh thổ, không phải quốc gia, không có quốc tịch riêng, nên người dân vẫn được hưởng quyền xin hộ chiếu hải ngoại của Anh. Người sống ở Hong Kong trước năm 1997 và con cháu họ có quyền xin hộ chiếu BNO.
Người mang hộ chiếu BNO được hưởng nhiều quyền khi sang Anh. Họ được vào Anh 6 tháng miễn visa, và một khi đã có mặt ở Anh, có thể đăng ký để có được quyền định cư vĩnh viễn. Họ chỉ cần đăng ký, không phải xin và chờ nhiều năm như công dân các nước khác.
Một khi có quyền định cư, người Hong Kong mang hộ chiếu BNO được hưởng ngay quyền bầu cử, ứng cử vào Thượng viện, Hạ viện Anh. Họ có quyền bỏ phiếu trong bầu cử EU tại Anh khi Anh còn là thành viên EU.
Người Hong Kong mang hộ chiếu BNO có quyền đăng ký để nhập quốc tịch Anh, trở thành công dân, mà không phải xin hoặc chờ nhiều năm như cả các công dân EU đến Anh.