PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, VBF giữa kỳ năm 2017 đã từng thảo luận về liên kết giữa các DN FDI và những DN Việt Nam. Năm nay, chủ đề này được nhắc lại. Vậy với tư cách là một doanh nhân, ông mong đợi điều gì ở Chính phủ Việt Nam?
Ông TOMASO ANDREATTA: - Chính phủ Việt Nam cũng như các thành viên của VBF đều hết sức quan tâm tới quan hệ hợp tác giữa những DN Việt Nam với những DN FDI. Để xây dựng được quan hệ hợp tác hiệu quả nhất cần cả một quá trình dài.
Vì thế, chủ đề này cần được xem xét một cách sâu sắc và nghiêm túc hơn nữa để tiếp tục giải quyết những tồn tại, những vướng mắc phát sinh mới. Chắc chắn chủ đề này sẽ còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nữa.

Hiện vẫn có một số yếu tố khách quan vẫn đang làm khó DN, thí dụ như những thủ tục hải quan rườm rà phức tạp, mức thuế cao, sự khác biệt trong quy định ở các địa phương… Một vấn đề quan trọng khác, theo tôi chính là làm thế nào DN có thể tồn tại và thành công khi mà nền kinh tế thế giới có xu thế bảo hộ tăng cao.
Khác với nhiều quốc gia, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu, chính vì thế nếu gặp phải những hàng rào bảo hộ sẽ rất dễ bị tổn thương, gây ảnh hưởng nặng nề tới các DN trong nước. Ngược lại, so với những nền kinh tế đối tác như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam có quy mô quá nhỏ để có tác động đáng kể trở lại đối với họ.
Do vậy nếu Chính phủ quá “bảo bọc” những DN địa phương, điều đó sẽ giống như cắt mất đôi cánh của họ, khiến những DN này không bao giờ có thể bay ra biển lớn, cạnh tranh và thành công trong môi trường quốc tế. Đây cũng chính là điểm nóng trong vấn đề hợp tác giữa DN Việt và DN nước ngoài. Mặc dù nhiều người cho rằng, bảo vệ DN địa phương là một cách hỗ trợ phát triển, nhưng thực ra đây chính là làm hại họ, khiến họ không thể đạt tới những tiêu chuẩn quốc tế.
Tại sao những DN nước ngoài lại gặp khó khăn khi sử dụng chuỗi cung ứng của các DN địa phương? Đó là bởi các sản phẩm chưa đủ tin cậy, khả năng tài chính còn yếu kém, kỹ năng quản lý còn non nớt. Một trong những nguyên nhân là do Chính phủ quá bao bọc họ nên họ còn dựa dẫm, không muốn bứt ra khỏi vỏ bọc.
- Theo ông đâu là trở ngại lớn nhất mà những DN FDI gặp phải trong quá trình thiết lập mối liên kết với các DN địa phương?
- Chính là năng lực còn yếu kém của DN địa phương. Các DN nội thường có quy mô quá nhỏ và tiềm lực tài chính hạn chế, trong khi chúng tôi đòi hỏi sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường phải đạt đến chất lượng cao nhất. Hiện tại, nguyên vật liệu đầu vào ở địa phương không đáp ứng được yêu cầu mà chúng tôi cần. Điều này thật đáng tiếc, bởi khối FDI luôn cố gắng sử dụng nguồn lực có sẵn ở địa phương nhiều nhất có thể.
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết yêu cầu phải có tỷ lệ đóng góp cao của nguồn lực địa phương, nhưng việc sản xuất sản phẩm ở địa phương phải có mức độ tham gia sâu hơn vào dây chuyền, chứ không chỉ ở mức lắp ráp đơn thuần.
Nếu như các DN địa phương có năng lực tốt hơn, chúng tôi - những DN nước ngoài - sẽ rất vui mừng bởi việc sản xuất sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng nếu như chúng tôi không thể thu mua nguyên vật liệu tại chỗ do không đáp ứng yêu cầu chất lượng, không đủ tin cậy hoặc bị DN địa phương vi phạm hợp đồng, đó sẽ là một rắc rối nghiêm trọng.
Bên cạnh đó là những hạn chế cố hữu của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định có liên quan đến công nghệ cao và sở hữu trí tuệ. Chúng tôi chưa yên tâm chuyển giao tài sản trí tuệ ở đây vì e ngại rằng nó sẽ không được bảo vệ, như vậy đầu tư sẽ rất mạo hiểm.
Chính vì thế, chúng tôi rất cần cơ chế bảo vệ về tài sản trí tuệ, cần đưa được những nhân tài giỏi nhất sang đây để có thể chia sẻ phương thức sản xuất tốt nhất. Đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc liên tục thu hút vốn đầu tư, nhưng vẫn chưa có những công nghệ tối tân nhất. Việc quá nhiều vốn đang được đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản cũng là một lo ngại.
- Nếu có cơ hội đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông sẽ hỏi điều gì?
- Câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt ra là Thủ tướng có dự định gì để đảm bảo thương mại tự do ở Việt Nam, để Việt Nam có thể trở thành một thí dụ tiêu biểu về tự do thương mại trong một thế giới với xu thế bảo hộ tăng cao.
Thứ hai, tôi sẽ đề nghị với Thủ tướng về việc tiếp tục nâng cao, cải thiện cơ chế tương tác giữa DN và Nhà nước. Những nỗ lực chống tham nhũng và giảm thiểu tiêu cực trong quản lý hiện nay ở Việt Nam là rất tuyệt vời và cần được phát huy hơn nữa.
Cuối cùng là những vấn đề về môi trường. Hàng loạt hội nghị quốc tế về môi trường đã được tổ chức, trong đó rất nhiều ý kiến, đề xuất chi tiết được đưa ra. Tôi muốn biết Thủ tướng sẽ đưa vào thực hiện biện pháp nào đầu tiên, bước đi đầu tiên của Việt Nam là gì trong công cuộc làm sạch môi trường.
- Xin cảm ơn ông.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách trong thực thi pháp luật và chuẩn bị tổng kết 30 năm chính sách thu hút FDI, VBF giữa kỳ năm 2018 sẽ là cơ hội thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ, chung tay cùng cộng đồng DN thúc đẩy môi trường đầu tư ở Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chủ đề của VBF lần này là tăng cường mối liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, do đó diễn đàn sẽ “mổ xẻ” nhiều vấn đề về cơ cấu DN trong nước và những việc mà Chính phủ có thể làm để cải thiện những vấn đề này. Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF |