Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội cũng đang triển khai đồng loạt các giải pháp hỗ trợ, tiếp sức để doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, đón đầu cơ hội phục hồi sau khủng hoảng.
Thay đổi chiến lược
Trong bối cảnh thị trường giảm cầu và khó đoán định như hiện nay, các doanh nghiệp cũng rất khó để xây dựng chiến lược dài hạn mà tập trung xoay sở để duy trì sản xuất trong ngắn hạn, thậm chí điều chỉnh kế hoạch theo từng tháng để phù hợp với thực tế.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để duy trì sản xuất trong gia đoạn khó khăn như hiện nay, phần lớn đều phải rút ngắn kế hoạch, kinh doanh theo từng quý.
Mặt khác, các doanh nghiệp trước giờ chỉ sản xuất hàng thời trang thì nay cũng phải linh động nhận các đơn hàng tiêu dùng khác như khẩu trang, găng tay để tạo việc làm cho người lao động.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, doanh nghiệp phải vừa làm vừa cập nhật thông tin thị trương, các biến động, xu hướng mới để giảm thiểu rủi ro.
Việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất ngắn hạn sẽ giúp doanh nghiệp bám sát thị trường, giảm tối đa lượng , tránh chôn vốn nhưng chỉ là giải pháp mang tính tình thế.
Bởi muốn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị dài hơi, nhất là dự trữ nguyên phụ liệu để khi thị trường phục hồi trở lại, có thể tập trung tăng công suất ngay, đón đầu và đáp ứng các đơn hàng lớn hơn.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, thì cho biết ngoài việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, doanh nghiệp còn tích cực chuyển hướng thị trường.
Thay vì chỉ tập trung và chờ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU phục hồi, từ nửa cuối năm 2022, Việt Thắng Jean đã xúc tiến các thị trường khác như Canada, Hàn Quốc…
Song song đó, Việt Thắng Jean cũng chú trọng khai thác thị trường trong nước. Theo đó, với quy mô dân số lên đến 100 triệu dân, đối chiếu với phù hợp với sản phẩm lợi thế của công ty hiện nay khoảng 10 triệu khách hàng.
Nếu khai thác hiệu quả thị trường trong nước sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện được một phần doanh số bán hàng, duy trì được việc làm cho công nhân trong giai đoạnh hiện nay.
Trong khi đó, ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TEKOM, cho biết từ giữa năm 2022, kinh tế thế giới khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm các doanh nghiệp đau đầu vì thiếu đơn hàng.
Đến đầu năm 2023, không ai dự báo được thị trường thời gian tới sẽ phát triển như thế nào bởi thị trường nội địa đang bị ảnh hưởng từ việc bất động sản “đóng băng” còn xuất khẩu giảm sút hẳn do lạm phát.
Nhưng trong nguy luôn có cơ, doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ thách thức.
Sản xuất gỗ ván ép cong xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Gỗ ván ép Nhật Nam, xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Điển hình như với ván ép, hiện nay thị trường xuất khẩu chính là Mỹ đang gặp khó khăn nhưng đang có cơ hội tại châu Âu. Xung đột quân sự Nga-Ukraine khiến châu Âu hụt nguồn chung chính từ Nga và cần tìm nguồn cung ván nhân tạo để bù vào khoảng trống khá lớn này.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp chế biến gỗ các quốc gia khác tham gia chuỗi cung ứng mới, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành ứng viên thay thế.
Tương tự với sản phẩm nội thất, tủ bếp, doanh nghiệp đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu mới từ từ thị trường Mỹ nhưng cũng phải đề phòng các rủi ro về phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hoá.
“Nguy và cơ luôn song hành, nhiệm vụ của các doanh nghiệp hiện nay là lựa chọn góc nhìn, chọn hướng đi nào để đón cơ, tránh nguy. Thị trường hàng hoá luôn có tính chu kỳ, sau giảm sẽ tăng. Chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp sẽ đón được cơ hội khi thị trường phục hồi,” ông Vũ Quang Huy nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Để giúp doanh nghiệp đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tạo động lực tiếp tục chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch, Chính phủ, bộ ngành và địa phương đã đồng loạt triển khai các chương trình hỗ trợ.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 (Nghị quyết 01/CP-NQ 2023).
Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng triển khai giải pháp lành mạnh hóa, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
Tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích tổ chức tín dụng giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 01/NQ-CP 2023.
Vấn đề doanh nghiệp quan tâm là sự đột phá và quyết liệt vào cuộc của các cấp có thẩm quyền trong việc triển khai Nghị quyết đến thực tế đúng với tinh thần, ý nghĩa mà Chính phủ đặt ra.
Cụ thể, về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa, đưa lãi suất dài hạn xuống mức hợp lý để kích thích đầu tư.
Thêm vào đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng triển khai chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, từ 2021 đến nay chương trình bị dừng.
Cộng đồng doanh nghiệp rất mong Thành phố Hồ Chí Minh sớm nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn, kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường...
Ngoài ra, nguồn lực đất đai cũng rất quan trọng vì đó là yêu tố mở đường để khơi thông nguồn lực về vốn.
Công nhân làm giày da trong nhà máy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Đối với cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn mới, ông Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng để thu hút khách vào nhà thì trước hết chúng ta phải dọn dẹp nhà cho sạch sẽ, cụ thể là các khu công nghiệp phải đạt chuẩn sinh thái, đạt chuẩn xanh-bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững, hướng tới chu kỳ phát triển tiếp theo.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ngay từ cuối năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.”
Thực hiện chủ đề trên, ngành công thương thành phố đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và triển khai ngay trong những tháng đầu năm.
Theo đó, ngành Công Thương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào; định hình các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Song song đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.