Núi Putaleng thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với đỉnh cao 3.049m được xem như đệ tam của nước Việt (cao thứ 3 sau Fansipan 3.143m và Pusilung 3.083m). Từ khi Fansipan có cáp treo lên đỉnh, còn Pusilung được đánh giá quá hiểm trở và không có nhiều cảnh đẹp, đỉnh Putaleng trở thành thiên đường leo núi mới cho người đam mê. Giữa mùa xuân khi những rừng hoa đỗ quyên đua nở, thảm thực vật phong phú, cảnh sắc tươi đẹp là thời điểm thích hợp nhất để mọi người trekking lên núi.
Từ Hà Nội, chúng tôi bắt xe lên Lai Châu theo hướng cao tốc Nội Bài-Lào Cai sau đó rẽ sang Quốc lộ 4D. Sau gần 400km, chúng tôi tới xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. 2 chàng trai người Mông Hảng A Tàng và Giàng A Páo sẽ là những hoa tiêu giúp dẫn đường trong chuyến leo đỉnh Putaleng lần này.
Rừng nguyên sinh huyền diệu
Rừng nguyên sinh huyền diệu
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, đồ đạc cho chuyến leo 3 ngày 2 đêm, cả nhóm bắt đầu theo chân người dẫn đường xuất phát. Nhóm đi qua chiếc cầu treo dân sinh bắc qua suối với cảm giác rùng rình khá ghê người. Men theo con đường mòn hơn 3km, chúng tôi tới được khe suối, nơi có những tảng đá khổng lồ chặn dòng nước. Bị chặn, nước từ trên cao chảy qua những phiến đá đổ xuống tạo thành thác và hồ nhỏ trong vắt, nhìn rất thích mắt.
Ngồi nghỉ trên phiến đá to, mọi người hít thở đều giữ sức chuẩn bị hành trình ngược dốc lên núi. Tới lưng chừng núi ở độ cao khoảng 1.200m, nhìn xuống chúng tôi bị choáng ngợp bởi khung cảnh hùng vĩ đã đi qua. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn từ chân đồi lên tới đỉnh, ôm ấp lấy bản nhà trình tường đắp đất bình dị của đồng bào Mông. Anh Giàng A Páo cho biết, mùa leo núi thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Thời gian này nhiều trai gái dân tộc Mông, Dao ở các xã Tả Lèng, Hồ Thầu (huyện Tam Đường) có sức khỏe, quen thuộc địa hình sẽ làm thêm nghề dẫn đường.
Sau khoảng 2 giờ leo núi qua nhiều đoạn dốc, cả nhóm đặt chân tới khu rừng nguyên sinh ở độ cao 1.600m so với mực nước biển. Lên tầng cao mới, không khí khá lạnh, địa hình ẩm ướt với thảm thực vật nguyên sơ và vô cùng phong phú. Chúng tôi vô tình gặp nữ du khách người Pháp đang leo núi một mình. Cô cho biết vô cùng phấn khích khi được khám phá từng ngóc ngách của khu rừng với những “cây rêu” tạo nhiều hình kỳ quái. Có những cây dẻ, cây nghiến khổng lồ, đoạn gốc tách thành 3, thành 4 nhánh, ở giữa có một hốc lớn đủ 2 người lớn chui vào lọt.
Thỉnh thoảng cả nhóm lại băng qua một con suối, thác nước với những phiến đá rêu cỏ xanh mướt, êm ru. Không còn gì tuyệt vời hơn khi được thử ngả lưng trên một thân cây rêu đổ ngang đường, hay trên phiên đá để thư giãn dưới bóng râm của rừng già.
Đỗ quyên đa sắc
Đỗ quyên đa sắc
Theo anh Giàng A Páo, từ độ cao 1.800m lên 2.500m sẽ là đoạn khó khăn nhất với du khách leo núi. Để tới được những vạt rừng ngắm đỗ quyên nở, mọi người phải qua đoạn vách đá treo leo. Có chỗ vách đá hiểm trở, người Mông đi rừng phải làm bậc gỗ để leo lên. Chúng tôi cứ bám theo từng bậc thang gỗ để tiến lên phía trước theo sự hướng dẫn của Giàng A Páo và Hảng A Tàng. Đan xen vào đó là những rừng cổ thụ, rừng trúc, thảo quả, bụi cây rậm rạp. Nhiều đoạn các anh chàng phải lấy con dao gài sau thắt lưng phát quang bụi rậm tạo đường mòn cho cả nhóm du khách lần lượt lách qua.
Cứ qua mỗi một đoạn dốc khó khăn, vã mồ hôi trong sự hồi hộp, chúng tôi lại được thiên nhiên đền đáp bằng một khung cảnh đẹp mê người. Nửa cuối mùa xuân hoa đỗ quyên ở đây bắt đầu bung nở rực rỡ nhất. Có những thân cây đỗ quyên cổ thụ cao vút vươn lên khỏi tán cây, bụi rậm với bao chùm hoa đang bung nở đung đưa trong gió. Hoa đỗ quyên ở Putaleng vô cùng đa dạng về sắc màu, đầy vẻ hoang sơ lôi cuốn. Có cây nở ra hoa mầu tím pha lẫn trắng tạo ra vẻ đẹp tinh túy thuần khiết. Có chỗ lại xuất hiện cả một vạt rừng đỗ quyên đỏ mang đến vẻ đẹp rực rỡ, đam mê. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng du khách còn bắt gặp những bụi đỗ quyên trổ hoa vàng mang đầy nét cao quý, sang trọng.
Cả một khu rừng giờ là hương hoa thơm ngát cùng với những đám sương mây bay lãng đãng trên đầu. Giàng A Páo cho biết đã làm nghề dẫn đường gần chục năm với hàng trăm chuyến leo núi Putaleng, nhưng cứ mỗi lần đến khu rừng hoa đỗ quyên anh lại bị sắc đẹp của nó quyến rũ theo những cách khác nhau. Lần nào đến đây vào mùa đỗ quyên, A Páo cũng phải chụp vài kiểu ảnh tự sướng để up facebook. Có những chỗ, hoa đỗ quyên đỏ rực nở sớm đã bắt đầu rơi rụng lả tả xuống khu rừng. Bao cánh hoa đỏ rơi khiến lòng người xao xuyến, rồi xen lẫn với rêu cỏ xanh tạo ra khung cảnh huyền diệu. Ngỡ như ta đang được lạc vào khu rừng cổ tích nhiệm mầu.
Giàng A Páo cho biết mình đã chinh phục đủ những ngọn núi cao nhất Tây Bắc từ Fansipan đến Pusilung, Tả Liên Sơn, Tà Xùa… Tuy nhiên rừng hoa đỗ quyên ở núi Putaleng vẫn là đẹp nhất. Khí hậu, thời tiết ở núi Putaleng biến đổi vô thường, liên tục, ở phía dưới có thể thấy sương mù kèm theo những cơn mưa phùn rả rích, nhưng ngay sau đó trên độ cao mới, du khách lại bắt gặp khung trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ.
Rừng hoa đỗ quyên ở đây thường nở rộ từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4 dương lịch. Một vài năm có thể hoa nở sớm hơn, nên du khách muốn đi leo núi kết hợp ngắm hoa phải canh thời gian cho chuẩn. Không chỉ có hoa đỗ quyên, ở đây chúng tôi còn bị vẻ đẹp của những khóm hồng trà, địa lan, phong lan mọc ra từ thân gốc, vách đá rêu phong dẫn dụ, lôi kéo. Những nụ hồng trà tinh khôi, cùng bao giọt nước đọng trên lá, trên hoa đầy vẻ khêu gợi.
Đến cuối chiều khi trời đất bắt đầu sẩm tối, chúng tôi được các dẫn đường đưa tới lán của người Mông để nghỉ qua đêm.
Thiên đường giữa biển mây
Thiên đường giữa biển mây
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm để được hà hít không khí trong lành, tinh khiết của ngày mới giữa cánh rừng già. Từ lán ở độ cao 2.400m lên đến đỉnh, theo 2 người dẫn đường cho biết còn phải vượt qua vài đoạn đường khó nữa. Quả đúng như cảnh báo, chúng tôi tiếp tục phải băng qua đoạn đường rừng rậm rạp với cỏ cây, tre trúc chằng chịt. Mọi người phải đeo găng tay, đổi trang phục gọn nhẹ, che kín da thịt để phòng gai tre, ngọn cây đâm phải. Cả nhóm bám đuôi nhau luồn lách, có lúc phải cúi người đi từ từ qua những đoạn rừng trúc đan nhau như mạng nhện. Thỉnh thoảng có chiếc lá trúc non mơn mởn quệt nhẹ qua má khiến ai đó rùng mình. Chốc chốc, mọi người lại bắt gặp những hốc đá khá nguy hiểm xuất hiện, chắn lối đường đi.
Ở gần đỉnh núi, có một khu rừng chè cổ thụ hiện ra. Bà con người Mông ở xã Tả Lèng và Hồ Thầu vẫn thường leo núi tìm đến rừng chè trên độ cao 2.500-2.800m này để thu hái những búp non về sao. Thứ chè vài trăm năm, hít được hơi sương tinh túy của đất trời sẽ cho ra sản phẩm vô cùng tuyệt hảo. Sau những đoạn vượt rừng rậm, rồi băng qua những tán chè cổ thụ, thảo quả đến gần trưa, chúng tôi cũng tới được đỉnh Putaleng. Khung cảnh hiện ra trước mắt như một thiên đường nơi hạ giới, chốn bồng lai ngọa cảnh. Biển mây bồng bềnh ôm ấp lấy cảnh vật. Những ngọn núi nhô lên khỏi biển mây như các hòn đảo kỳ diệu của trời.
Ở đây, chúng tôi bắt gặp vài nhóm du khách khác đã chinh phục thành công và họ tỏ ra đầy tự hào, thích thú đứng chụp ảnh bên chóp inox ghi thông số độ cao 3.049m. Theo Giàng A Páo chóp inox ở đây được một nhóm du khách đặt vào năm 2013 (đó là 1 trong số mấy nhóm đầu tiên chinh phục thành công đỉnh).
Cái cảm giác đứng ở đỉnh núi cao thứ 3 nước Việt thật sung sướng, khó tả. Sau hơn 1 ngày đêm leo núi, ngủ rừng, cảm giác chinh phục núi cao sẽ khác hoàn toàn việc leo lên Fansipan bằng cáp treo. Đứng trên đỉnh Putaleng vào những ngày trời trong chúng ta có thể nhìn thấy mấy đỉnh núi hùng vĩ khác như Tả Liên Sơn, Ky Quan San hay Fansipan ở phía xa xa. Mọi người đều cảm thấy chưa bao giờ được gần bầu trời như lúc này. Chị Nguyễn Thị Minh, một du khách đến từ Hải Phòng phấn khích: “Ở đây có cảm giác như mình đang lơ lửng giữa đất trời, đùa giỡn với mây gió”.
Đi trọn hành trình khám phá cánh rừng Putaleng hoang sơ, với sắc hoa đỗ quyên tuyệt đẹp, chinh phục đỉnh núi giữa biển mây quả là một trải nghiệm đáng nhớ trong đời.
Vài lưu ý cho chuyến leo núi - Ngoài những VĐV leo chuyên nghiệp, du khách trước khi leo núi cần tập thể dục từ cường độ thấp đến cao, đặc biệt bài leo cầu thang bộ trong khoảng từ 4-6 tháng. - Tìm hiểu trước về thời tiết, địa hình để có sự chuẩn bị tốt về trang phục, đồ đạc, như: giày leo núi, đèn pin, áo mưa, mũ, găng tay, đồ sơ cứu y tế… - Từ TP Hà Nội lên Lai Châu có những chuyến xe giường nằm chất lượng cao xuất phát ở các bến Mỹ Đình, Giáp Bát. - Bắt buộc các nhóm du khách hoặc đi lẻ cá nhân đều phải thuê dẫn đường người Mông đã quen địa hình, thời tiết. Giá thuê cả dẫn đường và khuân vác đồ 350.000-400.000 đồng/khách/ngày. - Mùa leo núi Putaleng đẹp nhất là từ tháng 2-4 dương lịch. |