Theo quyết định của Quốc hội, chính quyền TPHCM sẽ không còn HĐND cấp quận, phường và sẽ có TP trong TP. Có thể nói, đây là cú hích cho TPHCM phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế lớn của cả nước.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, xây dựng CQĐT sẽ giúp TP tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của một đô thị đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng. Mục tiêu cụ thể của CQĐT là tinh gọn bộ máy, tiến hành phân quyền sâu rộng xuống tới chính quyền cơ sở, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh chính phủ điện tử, xây dựng nền công vụ gần dân, vì dân. Điều thuận lợi là bộ máy chính quyền của TPHCM đã có đủ thời gian làm quen với đề án CQĐT, cán bộ, công chức và nhân dân đã chuẩn bị tâm lý, tinh thần và cả tổ chức để đón nhận sự thay đổi lớn lao này.
Trong các số gần đây, báo ĐTTC đã đăng loạt bài viết của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa về mô hình này. Những phân tích của chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực đô thị cũng là những băn khoăn của nhiều người về một số vấn đề liên quan đến CQĐT. Đó là, khi thực hiện mô hình CQĐT, TPHCM sẽ phải cơ cấu lại tổ chức, bộ máy nhân sự. Bởi việc không còn HĐND cấp quận, phường, sáp nhập nhiều quận, phường, xã lại với nhau sẽ khiến một lượng cán bộ, công chức, viên chức bị dôi dư. Vì thế, dù một lãnh đạo của TP khẳng định sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, công chức thuộc diện phải thay đổi vị trí, chúng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Bởi thực tế, với nhiều cán bộ đã có vị trí trong bộ máy chính quyền, việc phải dời “nó” hoàn toàn không dễ chút nào, chưa kể sẽ xảy ra nạn “chạy ghế”.
Bên cạnh đó, khi tới đây không còn tổ chức HĐND cấp phường, quận, đồng nghĩa với việc người dân mất đi một kênh để nêu ý kiến. Được biết, sau khi bãi bỏ HĐND, Nhà nước giao công tác này cho Mặt trận Tổ quốc. Nhưng thực tế cho thấy hiệu quả của hoạt động này rất mờ nhạt và cách đánh giá, phản biện cũng rất “mặt trận”, thường “vui là chính”. Chẳng hạn, nói phát huy vai trò giám sát của dân phải có cơ chế nào để tiếp nhận thụ lý, xử lý các phản ảnh của dân, công khai cho dân biết. Thật sự lắng nghe để giải quyết thấu đáo mới khó, còn lắng nghe kiểu hình thức, nghe xong rồi để đó, người dân không được lợi gì cả.
Một vấn đề nan giải, là phân quyền cho bên dưới là điều cực kỳ hệ trọng của CQĐT, tức các cán bộ cấp trưởng ở phường, quận, TP trực thuộc (TP Thủ Đức chẳng hạn) được trao nhiều quyền hơn, được vận hành theo chế độ "một thủ trưởng". Điều này làm cấp dưới được quyền chủ động, sáng tạo trong công việc, giải quyết mọi việc, nhất là sự vụ nhanh gọn, hiệu quả, khắc phục hiện tượng chờ đợi sự chỉ đạo từ cấp trên theo kiểu "cầm tay chỉ việc". Mặt trái của phân quyền sâu rộng rất dễ tạo điều kiện cho quan chức địa phương quan liêu, lạm quyền, nhũng nhiễu dọa nạt dân. Khi có quyền trong tay họ có thể tự đưa ra luật lệ riêng để làm khó dân, nhất là các loại phí như phí chợ, phí vỉa hè, phí đo đạc kẻ vẽ nhà đất, phí trẻ con học trái tuyến, lạm thu các loại phí công ích không có biên nhận theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều nữa khiến chúng tôi lo lắng, là trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức ở TPHCM có nhiều điều chưa ổn. So với những năm trước đây có tiến bộ hơn, người có trình độ học vấn cao đẳng, đại học nhiều hơn nhưng tính chuyên nghiệp khá thấp. Trong nhiều trường hợp, cán bộ vướng vào sai lầm không phải do đạo đức mà do trình độ yếu kém, nhận thức chưa tới. Tình trạng đội ngũ cán bộ quản lý địa chính của phường, cán bộ quản lý đô thị của quận do luân chuyển từ hội phụ nữ, mặt trận, phường đội qua không phải hiếm. Thậm chí ở cấp cao hơn, giám đốc sở xây dựng là cử nhân luật, là cán bộ thú y; chủ tịch quận là cán bộ đoàn hội, công đoàn chuyển qua…
Tới đây TPHCM sẽ sáp nhập 3 quận hình thành nên TP mới theo mô hình TP trong TP, sáp nhập 19 phường. Như thế sẽ có một loạt vấn đề nảy sinh liên quan đến hành chính, thay đổi tên đường, điều chỉnh giấy tờ tùy thân và điều chỉnh địa giới hành chính. Với thực trạng đội ngũ công bộc trên, chúng tôi e rằng sẽ càng tạo ra những rắc rối không đáng có cho người dân, công tác quy hoạch sẽ không được nghiên cứu kỹ lưỡng, gây chồng chéo, xung đột quy hoạch dẫn tới nảy sinh những vấn đề môi trường, ngập nước, sụt lún, tắc nghẽn giao thông.
Thực tế, CQĐT không phải là điều mới mẻ và xa lạ. Trong lịch sử của TP Sài Gòn đã từng có mô hình như thế, với những tiêu chí khá hiện đại so với các nước trong khu vực trong cùng thời điểm. Điều đáng nói, mô hình CQĐT của người Pháp đưa vào Sài Gòn tồn tại gần 100 năm và cách xa hôm nay cũng gần 100 năm. Những giá trị cơ bản và các đường nét cơ cấu tổ chức của nó không khác mấy so với CQĐT của thế kỷ 21. Có nghĩa, chúng ta đã có CQĐT cụ thể để từ đó xây dựng mô hình mới phù hợp với tình hình mới.
Vấn đề là cái mới phải hơn cái cũ, đó là mong muốn và cũng là yêu cầu của nhân dân đối với chính quyền TP. Với người dân, mô hình thế nào không quan trọng, cái chính là mô hình ấy có hiệu quả hay không, có giúp mọi việc "chạy" tốt, thủ tục hành chính nhanh gọn, việc dân giải quyết rốt ráo hay không. Xây dựng CQĐT hiện đại là đòi hỏi tất yếu nhưng cần có sự thay đổi bản chất và toàn diện, mọi sự nửa vời có thể làm phá sản những mong muốn tốt đẹp của người dân và lãnh đạo. Chủ trương đúng nhưng khi thực hiện phải thực chất, đừng rơi vào hình thức.