LTS: Năm 2012, DN ở cả 2 khu vực nhà nước và tư nhân đều lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Đến hết tháng 4-2013, các số liệu kinh tế vĩ mô cũng chưa chứng tỏ xu hướng đảo chiều của nền kinh tế trong 2013, thậm chí một số chỉ tiêu chủ yếu liên quan đến khả năng phục hồi tăng trưởng còn ảm đạm hơn. Làm gì để hỗ trợ DN phục hồi, vượt qua khó khăn vẫn đang là thách thức lớn đối với nền kinh tế. ĐTTC trích đăng ý kiến một số chuyên gia, nhà kinh tế, lãnh đạo DN… về vấn đề này.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao:
Cần các chính sách thực tiễn có giám sát
DN Việt Nam đang chịu thiệt kép vì phải sống trong một môi trường kiềm chế lạm phát, lãi suất cao và rất nhiều loại chi phí bôi trơn… Trong khi đó, ở các nước trong khu vực, nhà nước luôn tạo điều kiện rất tốt cho DN phát triển. Chẳng hạn tại Thái Lan, các DN vừa được hưởng lãi suất thấp, vừa được hỗ trợ mạnh trong việc tổ chức các hội chợ hàng Thái trong và ngoài nước, nên DN Thái không ngừng lớn mạnh.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận bản thân DN Việt Nam còn yếu kém về vốn, liên kết, dù thực tế nhiều DN có tiềm lực, biết liên kết cũng không vực dậy nổi sức mua của thị trường hiện nay.
![]() |
Mô tả Ảnh |
Trải qua 1 năm khó khăn, các DN đã ngồi lại với Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao và đúc kết ra một số vấn đề cần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
Thứ nhất, DN đang rất cần các chính sách giãn và giảm thuế thu nhập, cũng như cần có một ban chuyên trách giám sát tác động từ chính sách của Nhà nước đến với DN.
Thứ hai, xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp DN đổi mới công nghệ và tự chủ trong sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, lực lượng quản lý thị trường cần làm việc hiệu quả hơn, vì hiện nay thị trường đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không công bằng, hàng giả, hàng nhái tràn lan cùng với hàng nhập qua biên mậu gây ra áp lực rất lớn đối với DN.
Thứ tư, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ DN xúc tiến, mở rộng thị trường, trong đó chú ý thị trường nội địa và thị trường ASEAN+1.
Theo tôi, Nhà nước cần ban hành ngay các chính sách trên để vực dậy DN. Bởi dù còn khoảng 2 năm nữa FTA Trung Quốc - ASEAN (ASEAN+1) mới hoàn toàn có hiệu lực, nhưng hiện đã có những nhà máy của Indonesia chính thức mở tại Việt Nam sau một thời gian thử nghiệm; hay các DN Philippines đã mạnh tay mua hàng loạt chuỗi kinh doanh như Phở 24, Highland Coffee và nhiều DN đến từ các nước khác cũng đang đẩy mạnh mua DN Việt.
Dù ngậm ngùi trước cảnh DN nước ngoài mua DN Việt quá dễ dàng, nhưng trước những khó khăn đang vây bủa, họ khó lòng từ chối những lời đề nghị của các công ty có tiềm lực tài chính đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… và buộc phải bán DN để cải thiện tình hình còn hơn ngồi chờ chết. Đó là những bi kịch không xuất hiện trên bề mặt của nền kinh tế mà nằm ở bề sâu và đang có những chuyển biến không lấy gì làm vui, có thể gây ra bất lợi cho nền kinh tế.
Ông Lâm Trúc Nhỏ, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Phát triển Hưng Thuận:
Chính sách cần nhất quán
Thời điểm hiện nay DN đứng trước những thách thức rất lớn, không chỉ lĩnh vực bất động sản (BĐS) gặp khó khăn mà nhiều lĩnh vực khác cũng đang gặp thử thách lớn. Riêng lĩnh vực BĐS, giá nhà đất rớt mạnh, thị trường mất tính thanh khoản, người mua, người bán đều trông chờ vào nhau.
Tại một số dự án, khi cơ quan chức năng tính toán tiền sử dụng đất sát “giá thị trường” đã dẫn đến giá thành cao hơn giá bán rất nhiều. Nợ xấu, thị trường mất niềm tin là những vấn đề cần giải quyết cấp bách hiện nay. Hệ quả này, thẳng thắn mà nói do chính sách không nhất quán đối với nền kinh tế trong thời gian dài. Để giải quyết căn cơ vấn đề, Nhà nước cần “hy sinh” để cứu DN mạnh khỏe, sau đó hãy tính chuyện “khai thác” họ lâu dài.
Trước đây, các DN BĐS chủ yếu nhắm tới phân khúc thị trường nhà ở căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, do những biến đổi xấu của nền kinh tế cùng với tính chất khó tiếp cận của phân khúc nhà ở cao cấp, đã dẫn đến một lượng tồn kho BĐS rất lớn trên thị trường thứ cấp.
Một trong những mấu chốt giúp làm ấm thị trường BĐS trong thời gian tới là phát triển phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình thấp. Để thực hiện được vấn đề này, ngoài nỗ lực của bản thân, DN rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp chính quyền trong việc hoàn tất thủ tục của dự án, cấp phép xây dựng, góp phần giúp việc tạo lập những dự án mới đơn giản và dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ SMC:
Sức ép ngành thép
Thị trường thép trong quý II lại đang lộ ra rất nhiều thách thức, giá thép đã quay đầu giảm trở lại. Chưa kể thị trường có thể đón nhận một lượng hàng được nhập từ quý I với giá cao. Sức tiêu thụ giảm, trong khi giá thép cũng giảm sẽ tạo áp lực rất lớn về việc tiêu thụ để thu hồi vốn.
Trên thực tế này, SMC một mặt phải tiếp tục “lăn xả” ngoài thị trường để giữ vững thị phần của mình, nhưng mặt khác cũng phải biết bảo toàn nguồn lực. Có những lô hàng bán ra SMC chấp nhận hòa vốn, bảo đảm thị phần rồi tìm kiếm lợi nhuận từ những lô hàng khác nhờ vào lợi thế thị phần (khoảng 7% tổng sản lượng tiêu thụ cả nước).
Riêng SMC kiên quyết không bán lỗ, không bán dưới giá mua vào vì cạnh tranh như vậy sẽ chỉ bào mòn sức mạnh của công ty và về lâu dài không có lợi.
Nhiều khả năng, KQKD quý II-2013 của SMC sẽ từ mức hòa vốn hoặc có lãi chút ít. Phần còn lại của kế hoạch lợi nhuận sẽ được công ty tập trung vào quý III và quý IV.
Hai thành quả quan trọng và cũng là nền tảng mà chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng để chinh phục giai đoạn khó khăn hiện nay gồm có tính hệ thống và thị phần. Không thể nói hôm nay hay tháng này bán ra được một lượng hàng nào đó là có thị phần.
Thị phần phải là khối lượng sản phẩm được đưa ra thị trường một cách đều đặn theo dòng thời gian. Nếu có được thị phần thì có thể tháng này công ty gặp khó nhưng tháng sau sẽ có lãi để bù đắp vào. Tôi đã từng nói với một số anh em ngân hàng rằng, có thể cho các DN vay tiền mà không cần đặt ra quá nhiều yêu cầu thẩm định, thế chấp.
Chỉ cần xem lịch sử hoạt động trong 3 năm gần nhất của DN, lượng hàng tiêu thụ qua từng tháng, rồi so với cùng kỳ có ổn định không, nếu ổn định thì có nghĩa đây là DN đảm bảo được thị phần của mình và làm ăn khá chuyên nghiệp, bài bản.
Không phải cứ giữ được thị phần là lúc nào anh cũng “thắng”, cũng có lúc “thua”, nhưng phần thắng sẽ nhiều hơn và xây dựng được nhiều nền tảng hơn. Đó là tính nhất quán trong chiến lược kinh doanh, điểm mấu chốt giúp DN chinh phục khó khăn và xây dựng tính bền vững.
Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ:
Hỗ trợ không phải là xin - cho
Sau khi gia nhập WTO, do việc chuẩn bị và tận dụng thời cơ không tốt nên kinh tế Việt Nam chưa tìm được lợi thế. GDP quý I-2013 tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo cả năm có thể thấp hơn. Nếu như vậy 2 năm liền tăng trưởng dưới 6%. Tôi cho rằng phải đánh giá rõ tình hình kinh tế đang rất khó khăn, từ đó tái cơ cấu thể chế kinh tế.
![]() |
DNNVV rất cần sự hỗ trợ bằng các chính sách thực tế. Ảnh: CAO THĂNG |
Chúng ta đã có nghị định dành riêng cho DNNVV với mong muốn DN khu vực này phát triển. Thế nhưng rất đáng lo ngại bởi trong khoảng 100.000 DN giải thể, phá sản 2 năm gần đây, DNNVV chết khá nhiều. Vì thế, quan tâm hơn nữa với DNNVV là hết sức cần thiết.
Từ năm 2001 chúng ta đã nêu vấn đề quỹ bảo lãnh tín dụng, nhưng nay chỉ có 13 quỹ triển khai. Bên cạnh đó, thuế là vấn đề đau đầu nhất với DNNVV. Nhiều ý kiến cho rằng nếu tính mọi chi phí, thuế suất ở Việt Nam không phải 25% mà là 30%. Xung quanh biện pháp hỗ trợ về thuế, việc lý luận giảm thuế sẽ làm cho ngân sách mất đi vài ngàn tỷ đồng là không hợp lý với sự phát triển, bởi nếu giảm thuế, DN phát triển thì ngân sách sẽ tăng.
Cơ quan quản lý đang quá “chú ý bát mà quên mâm”, không có cái nhìn dài hơn. Chúng ta đã nói nhiều về DNNVV nhưng việc tổ chức theo dõi, cập nhật, tổng hợp và đề xuất Nhà nước tháo gỡ khó khăn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cải cách hành chính dù đã có chiến lược nhưng các thủ tục vẫn đè nặng DN.
Vì thế, để thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị (xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế), Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cần có những khuyến nghị gửi Chính phủ, Quốc hội có động thái mạnh mẽ để giúp đỡ DN. Việc hỗ trợ DN không phải là xin - cho, mà là ứng cứu, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước trong việc tạo một môi trường thuận lợi cho DN phát triển.
Trước xu hướng DN Việt Nam “không lớn lên” được, giải pháp lúc này là Nhà nước cần có cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt đối với DNNVV. Theo đó, tăng cường hơn nữa các chính sách về trợ giúp khởi nghiệp để mỗi đồng vốn và công sức của doanh nhân bỏ ra được sinh sôi, nảy nở. Cần xác định rõ mục tiêu chính sách và nhóm đối tượng hỗ trợ, để từ đó chính sách sẽ tạo điều kiện kinh doanh, không chỉ dừng ở những ưu đãi hậu kinh doanh.
Cho đến nay, ngoài chính sách giảm thuế thu nhập hỗ trợ DNNVV, hầu hết biện pháp hỗ trợ khác đều là giải pháp chung chung, hậu sản xuất. Có nghĩa là cơ hội cho DNNVV giảm đi nhiều, vì trên mặt bằng tiêu chí chung, DN lớn sẽ chiếm ưu thế. Đó là chưa kể việc các DNNVV không chịu đựng nổi các khoản chi phí giao dịch, các loại thủ tục chỉ để được vay các khoản ngắn hạn. Hệ quả là họ phải tìm đến các nguồn vốn vay phi chính thức.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Hạ lãi suất cho vay nhanh hơn
Đến nay đã 4 tháng của năm 2013 trôi qua nhưng tăng trưởng tín dụng hầu như bằng 0, trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7% và chi ngân sách 18,5% dự toán năm. Những con số này phản ánh khả năng hấp thụ vốn cực kỳ yếu của nền kinh tế, giống như cơn bệnh nặng đến mức không hấp thụ được thuốc bổ để hồi phục.
Song song đó, tổng mức bán lẻ - chỉ số phản ánh sức mua - rơi xuống mức đáy, cho thấy cầu thị trường cực kỳ yếu. Cùng với xu hướng đó là hiện tượng CPI tháng 3 bị âm (-0,19%). Đồng thời thị trường cũng xuất hiện “hiện tượng lạ” là số DN và số vốn đăng ký mới có xu hướng giảm (-9,4% và -26,7% so với quý IV-2012) trong khi số DN đóng cửa trong quý I lên đến 15.300 DN, gần bằng số DN đăng ký mới là 15.700.
Hiện tượng này cho thấy sức khỏe của DN đang tiếp tục suy giảm mạnh, mức độ khó khăn của môi trường kinh doanh càng tăng và xu hướng suy giảm lòng tin thị trường vẫn đang tiếp tục và những dự báo về khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2013 đang trở nên xa vời hơn.
Từ năm 2012, Chính phủ thực hiện giải pháp hạn chế tín dụng để chống lạm phát. Giải pháp này là đúng, nhưng việc thắt chặt tín dụng đột ngột khi nền kinh tế đang ốm yếu đã phải trả giá đắt và lực lượng DN trở thành “vật hy sinh” cho việc duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng lệ thuộc vào vốn, mô hình đánh đổi tốc độ với lạm phát, một số lượng lớn DN phải đóng cửa, số còn lại chỉ hoạt động 50-70% công suất.
Giải pháp lúc này cần có cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ DN, xác định rõ mục tiêu chính sách và nhóm đối tượng cần hỗ trợ, phải thay đổi khuynh hướng lấn át của việc sử dụng các công cụ và giải pháp hành chính “giật cục”, thiếu nhất quán và khó dự báo bằng các giải pháp kinh tế thị trường trong điều hành kinh tế.
Các giải pháp kinh tế vĩ mô phải đồng hành với nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý.
Một vấn đề quan trọng vào thời điểm này là cần hạ lãi suất nhanh hơn. Trong vài năm qua, lãi suất được điều hành chủ yếu bằng mệnh lệnh thay vì các công cụ thị trường với cơ chế điều hành, đó là áp đặt lãi suất huy động, trong khi để tùy định lãi suất cho vay. Đến khi DN ốm yếu, cần được cấp cứu, chính sách hạ lãi suất được ban hành lại đi theo hướng giảm lãi suất huy động trước và kéo dài thời gian giảm lãi suất cho vay.
Vì vậy, Nhà nước nên khuyến khích ngân hàng cho vay lãi suất thấp, giám sát chặt chẽ để thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, đa dạng hóa các hình thức thế chấp, tín chấp để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.