Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc NH Standard Chartered Việt Nam:
Thúc đẩy dòng tiền vào sản xuất
Thật không dễ dàng để đưa lạm phát từ mức 23% xuống 6,5% như hiện tại, đồng thời giảm lãi suất huy động từ mức 15% xuống 7%. Tỷ giá cũng đã được giữ ổn định, dự trữ ngoại hối đang ngày càng gia tăng.
Điều này giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư về sự ổn định nền kinh tế. Khi người ta cảm thấy chắc chắn rằng lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 6-8%, họ sẽ có cơ sở thực tế để đưa ra các quyết định đầu tư. Sự ổn định là một yếu tố rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hiện nay là làm sao tạo tác động lên nền kinh tế.
Khi nói đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và khả năng hấp thụ vốn tại Việt Nam, cần chú ý đến 2 khía cạnh: cung và cầu. Về nguồn cung, mặc dù thanh khoản của các NH đã trở nên dồi dào, nhưng họ vẫn khá dè dặt khi cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân vay vốn do lo ngại những khoản vay đó sẽ trở thành nợ xấu.
Do đó, họ chạy đua tìm kiếm những nhóm khách hàng “chất lượng” để chào mời những khoản vay lớn, trong khi các nhóm còn lại phải gồng mình tìm kiếm nguồn vốn. Về nguồn cầu, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với vấn đề về niềm tin. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với mức 7% hay 7,5% mà người ta kỳ vọng.
Theo tôi, nếu Chính phủ có thể giữ được sự ổn định của giá cả và tiền tệ càng lâu dài, niềm tin và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế càng gia tăng. Chúng ta không nên để nguồn thanh khoản dồi dào hiện tại chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, thay vào đó, điều cần làm là thúc đẩy dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất. Nếu điều đó được thực hiện, sẽ duy trì được sự ổn định, đó chính là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Nền kinh tế đã trải qua một thời kỳ thật khó khăn. Để tiếp tục tiến về phía trước cần phải cải thiện niềm tin trên thị trường. Chính phủ đã xác định được các lĩnh vực cần phải tập trung tái cơ cấu, đó là lĩnh vực NH, các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công.
Nếu Chính phủ đi đúng hướng và thực hiện thành công những kế hoạch đã đề ra, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ gia tăng và trở nên hiệu quả hơn, giúp phục hồi luồng đầu tư như chúng ta đã thấy trong quá khứ.
Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam:
Đừng quá chú tâm vào tăng trưởng tín dụng
Theo tôi, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và cẩn trọng, với việc điều chỉnh trần lãi suất và các mức lãi suất cơ bản. Nỗ lực hạ lãi suất điều hành của NHNN và việc tiên phong của các NH quốc doanh trong việc hạ các mức lãi suất huy động và cho vay đã được thị trường đánh giá cao ở góc độ tâm lý.
Các doanh nghiệp nhẹ đi phần nào khi động thái này có mục tiêu nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí vốn cho doanh nghiệp. Giảm lãi suất vừa là yếu tố kích cầu, vừa là yếu tố kích thích đầu tư cùng với giảm thuế giúp doanh nghiệp được thành lập và mở rộng kinh doanh, thu hút việc làm, làm tăng tổng cầu nền kinh tế.
NHNN điều hành linh hoạt các kênh cung ứng tiền để kiểm soát tiền tệ hợp lý theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, trong điều kiện mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, điều hành linh hoạt thị trường mở thông qua việc duy trì và thường xuyên chào mua giấy tờ có giá để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng một cách kịp thời.
Niềm tin của người dân vào VNĐ tăng cao được thể hiện qua sự chuyển dịch tiền gửi tiết kiệm từ vàng và ngoại tệ sang tiền đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới Chính phủ và NHNN nên tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để cải thiện chất lượng tăng trưởng, cẩn trọng với việc điều hành chính sách để kích cầu, tránh để lãi suất giảm quá nhanh dẫn đến bùng nổ lạm phát và đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy lạm phát của các năm trước: kinh tế tăng trưởng chậm -> kích cầu + giảm mạnh lãi suất -> kinh tế tăng trưởng trở lại kèm lạm phát cao -> xiết chặt chính sách tiền tệ.
Để giải quyết tình hình này, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cùng với hỗ trợ của hệ thống NH, Nhà nước cần có các giải pháp chú trọng việc làm lành mạnh hóa thị trường, tạo cơ hội để phục hồi và kích thích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất đầu tư, chứ không chỉ chú trọng vào tăng trưởng tín dụng bao nhiêu.
Các doanh nghiệp nên đánh giá lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, mạnh dạn rút khỏi thị trường nếu khó có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp, kêu gọi thêm chủ sở hữu từ bên trong, bên ngoài nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay NH.
Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc NH ANZ Vietnam:
Nền kinh tế đang điều chỉnh
2 năm trước, Việt Nam trải qua giai đoạn kinh tế không ổn định, đồng tiền liên tục mất giá, lãi suất cao cản trở các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Còn hiện nay tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, cho phép doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh lâu dài.
Tỷ giá hối đoái được điều chỉnh từ tháng 8-2011 giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vững tin hơn. Đây không phải là một vấn đề đơn giản nếu chỉ nhìn vào số liệu tăng trưởng, mà phải nhìn vào bản chất. Bởi trong một nền kinh tế có nhiều thành phần khác nhau phát triển với tốc độ khác nhau.
Trong khi một số lĩnh vực của nền kinh tế chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, doanh nghiệp thậm chí phải đóng cửa, thì nhiều lĩnh vực khác vẫn phát triển với tốc độ nhanh như nông nghiệp, các ngành liên quan đến xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Theo tôi, nền kinh tế đang trải qua một giai đoạn điều chỉnh và cần thời gian để lợi thế của việc bình ổn có thể phát huy tác dụng xuyên suốt.
Bất cứ quốc gia nào cũng có một danh sách dài những việc cần làm để cải thiện môi trường kinh doanh. Một trong những yếu tố hàng đầu đó là giữ cho nền kinh tế vĩ mô ổn định. Sẽ là một rủi ro rất lớn nếu lạm phát quay trở lại.
Tỷ giá hối đoái ổn định, tỷ lệ lãi suất thấp và lạm phát thấp sẽ tạo cho doanh nghiệp tâm thế tự tin để hoạch định lâu dài cho tương lai. Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng hay việc nới lỏng quy định về mặt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi khi cấp giấy phép kinh doanh.
Tôi nghĩ khảo sát của NH Thế giới về mức độ thuận lợi trong việc tiến hành kinh doanh tại một quốc gia có thể là điểm khởi đầu hợp lý, trong đó đưa ra một số chỉ dẫn bổ ích về việc một chính phủ có thể làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh.