Chính sách vượt trội cho TPHCM sẽ tạo động lực phát triển cho cả khu vực

(ĐTTCO) - Dự kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thay thế Nghị quyết 54
Chính sách vượt trội cho TPHCM sẽ tạo động lực phát triển cho cả khu vực

Liên quan đến vấn đề này, Báo SGGP nhận được ý kiến của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố bày tỏ sự đồng tình về các cơ chế, chính sách vượt trội để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá cũng như giải quyết các điểm nghẽn, góp phần phát triển TPHCM như mục tiêu tại Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị.

TPHCM ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG
TPHCM ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông VÕ VĂN MINH - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Tạo cú hích phát triển toàn vùng

Ông Võ Văn Minh

Ông Võ Văn Minh

Tôi ủng hộ cao về sự cần thiết phải có nghị quyết mới với cơ chế, chính sách vượt trội, phát triển TPHCM. Trước đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhưng việc tiếp tục rà soát để nâng chất lượng nghị quyết mới, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của TPHCM là rất cần thiết.

Đặc biệt, quá trình thực hiện thành công, có thể nhân rộng cho các tỉnh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để với các cơ chế đặc thù được áp dụng giúp tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy vùng phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có một số cơ chế về xây dựng cơ bản, bố trí vốn, đầu tư hạ tầng, ví dụ các công trình, dự án liên quan giữa 2 địa phương, TPHCM nếu có điều kiện, có thể hỗ trợ địa phương bạn để đầu tư, thay vì phải chờ trung ương đầu tư. Điều này cũng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Mặt khác, theo Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì TPHCM, phía Nam Bình Dương và một phần địa bàn tỉnh Đồng Nai là hạt nhân trung tâm của vùng Đông Nam bộ, nếu có cơ chế chính sách vượt trội, TPHCM phát triển mạnh mẽ sẽ tạo cú hích để phát triển toàn vùng.

Ông VÕ TẤN ĐỨC - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Không chỉ cho TPHCM mà cho cả nước

Ông Võ Tấn Đức

Ông Võ Tấn Đức

TPHCM với vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước thì việc xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và vượt trội là rất cần thiết. Bởi TPHCM đóng góp ngân sách rất lớn cho cả nước. Sự phát triển của TPHCM có tính chất quyết định đến sự phát triển chung của cả nước. Như vậy, với những cơ chế, chính sách đột phá vượt trội sẽ không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước.

Là đô thị lớn, mật độ dân cư đông và là vị trí hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh sẽ giúp TPHCM phát huy được tính năng động của mình. Khi có cơ chế, chính sách vượt trội sẽ bỏ được những quy định chồng chéo gây ra sức ỳ của sự phát triển TPHCM để có thể dễ dàng huy động được nguồn lực xã hội, phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn. Với cơ chế, chính sách vượt trội trong việc phân cấp, phân quyền mạnh cho TPHCM cũng sẽ là nền tảng để trung ương đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Theo tôi, đã đến lúc không chỉ là vấn đề tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, sự vụ cụ thể của TPHCM mà cần có chính sách vượt trội để tạo ra động lực phát triển mới cho giai đoạn mới và tương lai. Chỉ như vậy, TPHCM mới phát huy được vai trò đầu tàu của mình và giúp thành phố có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế.

Ông TRẦN CHÍ CƯỜNG - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng:

Kinh nghiệm để các đô thị tham khảo

Ông Trần Chí Cường

Ông Trần Chí Cường

Tôi cho rằng cần có chính sách đặc thù và vượt trội để tạo điều kiện cho TPHCM phát triển bởi yêu cầu, mục tiêu, điều kiện, tính lịch sử của thành phố đối với sự phát triển của đất nước. TPHCM được xác định là đầu tàu về nhiều mặt của cả nước.

Vị trí đầu tàu đó đòi hỏi TPHCM tăng duy trì mức trưởng cao và bền vững. Điển hình, việc thí điểm các cơ chế, chính sách trong quản lý đô thị với hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TPHCM là điều kiện, cơ hội thực hiện tốt hơn chức năng quản lý đô thị, chính quyền đô thị.

Những vấn đề bức thiết qua thực tiễn của siêu đô thị TPHCM như: kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường,… cần có chính sách, cơ chế để được giải quyết trong khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp. Và việc phát triển siêu đô thị TPHCM trở nên đúng hướng và nâng cao hiệu quả theo cấp số nhân. Khi đó, các lãnh đạo được phân quyền, giao quyền cũng phải có trách nhiệm lớn hơn, sở ngành có động lực phụng sự hơn.

Bên cạnh đó, cơ chế cho TPHCM cũng sẽ là kinh nghiệm để các đô thị trong cả nước tham khảo, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý, phát triển như TP Đà Nẵng và các địa phương được xác định là những trung tâm phát triển của vùng.

Bà LÝ TIẾT HẠNH - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định:

Tạo “tấm áo” thể chế đủ rộng để TPHCM phát huy

Bà Lý Tiết Hạnh

Bà Lý Tiết Hạnh

TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, có vai trò quan trọng trong điều phối chuỗi liên kết giữa các vùng kinh tế, đồng thời cũng là địa phương chịu tác động trực tiếp từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Việc tập trung cho đầu tàu kinh tế phát triển, trong đó có việc tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của TPHCM cũng là tạo điều kiện chung cho phát triển kinh tế của các vùng và của cả nước.

Với những đặc điểm, đặc trưng cũng như yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố, nếu tất cả cơ chế, chính sách đều được áp dụng chung giống như các địa phương khác sẽ tất yếu phát sinh những vướng mắc, hoặc không đủ “lực” để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề, điểm nghẽn mà TPHCM đang gặp phải hiện nay. Không chỉ vậy, nếu cơ chế “quá chật chội”, không đủ tính đột phá thì sẽ làm cho đà phát triển chung của thành phố dần bị trì trệ, cản trở, cơ hội phát triển bị mất đi, khó sẽ chồng thêm khó.

Vì vậy, yêu cầu về nghị quyết mới vượt trội hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của TPHCM là rất cần thiết. Tôi cho rằng TPHCM đang rất cần một “tấm áo” thể chế rộng hơn, nằm ở thế chủ động, đặc thù hơn nữa. Các chính sách đề ra phải đủ mạnh để giải quyết được các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ cụ thể của thành phố hiện nay.

Qua đây, tôi cũng kiến nghị Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và mạnh dạn trao quyền, trao thế chủ động cho TPHCM thực hiện các nhiệm vụ của mình. Khi được ưu tiên giao quyền chủ động thì thành phố, trước hết là những người đứng đầu phải có các quyết sách, quyết định phù hợp nhất và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân cả nước, mà trước hết là trước nhân dân thành phố về những quyết sách, quyết định đó.

Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM:

Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên;

Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên;

Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 60.000 tỷ đồng trở lên…

(Trích dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM)

Các tin khác