Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) và Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM), nhận xét, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TPHCM giúp thành phố chủ động, sáng tạo và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
PHÓNG VIÊN: Nghị quyết 31-NQ/TW (Nghị quyết 31) của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò dẫn dắt của TPHCM trong tăng trưởng của cả nước, cấp thiết phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thực hiện mục tiêu đó?
TS TRẦN DU LỊCH: Qua 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54, TPHCM vẫn chưa giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại lâu năm của một siêu đô thị.
Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định TPHCM có vai trò đầu tàu, là động lực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Bộ Chính trị, Quốc hội cũng nhận thấy TPHCM cần thiết phải có cơ chế, chính sách phù hợp với sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ để thành phố đủ động lực phát triển xứng tầm. Điều đó cũng giúp thành phố phát triển nhanh và thúc đẩy phát triển cho vùng Đông Nam bộ, cho cả nước.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBNDTP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: VIỆT DŨNG |
ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Nội dung dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được xây dựng với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành. Mục tiêu của dự thảo nghị quyết cũng dựa trên tinh thần của Nghị quyết 31 khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt của TPHCM trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên tinh thần TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM.
Dự thảo nghị quyết đến thời điểm này đã đủ chín muồi để Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp sắp tới. Tôi tin nghị quyết mới sẽ khắc phục được nhược điểm của Nghị quyết 54 - đó là nhiều nội dung chưa thật sự phân cấp, ủy quyền rõ ràng.
Một siêu đô thị như TPHCM “mặc chiếc áo thể chế” như các tỉnh, thành khác là không phù hợp. TPHCM cần được phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ ở những lĩnh vực nào?
ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM và Trung ương đều nhận thấy một số nội dung chưa đúng mức, chưa đủ tầm để thành phố phát triển. Đó là vấn đề phân bổ ngân sách, về huy động tài chính, về thẩm quyền sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân lực, chính sách đất đai, về thu hút đầu tư xã hội… Để khắc phục những hạn chế của Nghị quyết 54, nhiều nội dung trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đã thể hiện rõ yêu cầu của Nghị quyết 31 là “phân cấp, phân quyền”. Điều này sẽ khắc phục được nhược điểm của cách làm cũ là nhiều điểm chưa thật sự phân cấp, phân quyền rõ ràng và cụ thể, dẫn đến tình trạng xin ý kiến, chờ giải thích, hướng dẫn của cấp trên.
TS TRẦN DU LỊCH: Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất phân cấp, ủy quyền ở 7 nhóm nội dung với hơn 40 điểm thuộc 5 lĩnh vực: quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, quản lý đô thị - tài nguyên môi trường, quản lý khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó là những chính sách phân quyền cho TP Thủ Đức.
Dự thảo nghị quyết đề xuất nhiều chính sách vượt trội như chính sách để thu hút các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược vào thành phố hoặc chính sách để huy động nguồn lực tài chính cho nhiều lĩnh vực; mở rộng hình thức đối tác PPP trong cả lĩnh vực thể thao, văn hóa; phát triển mô hình TOD trong phát triển đô thị.
Để đảm bảo không xảy ra tình huống dù đã có cơ chế đặc thù mà vẫn phải xin ý kiến bộ, ngành thì cần thêm điều kiện gì?
TS TRẦN DU LỊCH: Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất cơ chế phân cấp, ủy quyền cho chính quyền và HĐND TPHCM ở 5 lĩnh vực đang thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành. Việc này sẽ tăng tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn. Khi được thông qua, đây sẽ là hệ thống cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ, mang tính vượt trội cho TPHCM theo tinh thần Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24-NQ/TW đã đề cập.
Tuy nhiên, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Chính phủ cần phải ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện. Nghị định này sẽ là căn cứ để bộ máy hành chính thành phố mạnh dạn đột phá, thực nhiệm vụ phát triển, khắc phục tình trạng chần chừ, chậm trễ vì phải đợi hướng dẫn của các bộ, ngành. Nghị định cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của TPHCM trong việc tự chịu trách nhiệm, công khai minh bạch cũng như vai trò kiểm tra, giám sát của bộ, ngành.
ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Nghị quyết 31 yêu cầu phải nghiên cứu hoàn thiện ngay thể chế pháp luật về đô thị đặc biệt và sửa đổi các luật, nghị định còn vướng mắc hiện nay. Nghĩa là phải chuyển các cơ chế, chính sách từ trạng thái thí điểm bằng nghị quyết chuyên biệt Quốc hội sang trạng thái “pháp điển hóa” bằng những quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành chung cho cả nước.
Ngoài ra, TPHCM muốn thực hiện tốt các công việc của nghị quyết thay thế thì phải có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ trình độ, đạo đức tốt, đủ tâm huyết và dũng khí từ cấp phường, xã đến cấp thành phố.
Ông LÊ MINH ĐỨC, Phó Ban Pháp chế, HĐND TPHCM: Tạo sự chủ động cho TPHCM
Thời gian qua, Thủ tướng, các bộ, ngành đã lập các tổ công tác, thường xuyên làm việc với TPHCM để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thành phố. Tuy nhiên, TPHCM là đô thị đặc biệt, đặc thù nên nhiều vướng mắc phát sinh tại thành phố cũng đặc biệt và đặc thù. Do đó, cấp thiết phải dành cho TPHCM những cơ chế, chính sách đặc thù, sát thực tiễn hơn, để tạo cho TPHCM thế chủ động, mạnh dạn đột phá, tự chịu trách nhiệm.
Khi “tăng quyền” cho TPHCM thì cũng cần đẩy mạnh trách nhiệm giám sát của cơ quan giám sát, trong đó có HĐND TPHCM. Sau giám sát, các đoàn giám sát của Thường trực, các ban, tổ đại biểu của HĐND TPHCM đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, giải quyết kịp thời những vấn đề nhân dân kiến nghị, bức xúc.