Thể chế tự quyết là 'cứu cánh' cho TPHCM

(ĐTTCO) - Dự kiến dự thảo nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM (thay thế Nghị quyết 54) sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp trong tháng 5.
Nghị quyết 54 chỉ mới là "cơi nới", TPHCM cần một động lực mới hơn... Nghị quyết 54, để khai thông ách tắc các dự án.
Nghị quyết 54 chỉ mới là "cơi nới", TPHCM cần một động lực mới hơn... Nghị quyết 54, để khai thông ách tắc các dự án.

Những cơ chế, chính sách đặc thù mới được thông qua kỳ vọng sẽ là cứu cánh, tạo động lực phát triển cho TPHCM trong thời gian tới.

Cần động lực mới hơn… 54

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa 11 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù TPHCM, quy mô kinh tế của TP tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi, đạt hơn 6.200USD/người, thu ngân sách chiếm 27% tổng thu cả nước… Nhưng theo đánh giá của Chính phủ, việc triển khai Nghị quyết 54 “còn chậm và hiệu quả chưa cao”, cùng nhiều nguyên nhân khiến TPHCM chưa phát huy toàn diện cơ chế, chính sách.

Vì vậy, cần thiết ban hành nghị quyết mới để thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển TPHCM. Theo tờ trình đến Quốc hội của Chính phủ, mục tiêu đưa ra là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, thể chế vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt phát triển kinh tế xã hội của TPHCM.

Tại dự thảo Nghị quyết, quy định thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: quản lý đầu tư; tài nguyên chính sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP; tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định: HĐND TPHCM được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Theo đó, TP sử dụng nguồn ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP, để chỉnh trang, phát triển đô thị, tạo quỹ đất đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Cơ chế linh hoạt cho đầu tàu

Liên quan tới cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND TP quyết định áp dụng, điều chỉnh mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành, trừ án phí, lệ phí tòa án. Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên. Bên cạnh đó, HĐND TP quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP để bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định TP được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Hiện theo Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM, tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90%. Bởi trong giai đoạn mới, việc triển khai một số dự án như metro số 2, metro số 5, dự án cải thiện hệ thống thoát nước… với nhu cầu vay 92.000 tỷ đồng, sau năm 2026 TP không còn đảm bảo hạn mức dư nợ vay để vay tiếp.

Tại dự thảo Nghị quyết, TPHCM được sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan- đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn, để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Phần điện thừa do không sử dụng hết sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật. Về cơ chế chính sách quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

UBND TP được linh hoạt phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội (NoXH) trong dự án thương mại theo quy định hiện hành, hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất NoXH ở vị trí khác tương đương về quy mô. Về nội dung này, theo tờ trình của Chính phủ, pháp luật hiện hành quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (NoTM) phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng NoXH. Tuy nhiên, quy định này có một số điểm chưa phù hợp trong thực tiễn áp dụng, đặc biệt với các dự án có quy mô nhỏ, dự án nằm trong khu đất có giá trị thương mại cao.

Cơ chế mới của TPHCM cũng vì cả nước

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc giao cơ chế cho TP cũng là vì cả nước, không phải là vì riêng TP. Cải cách đổi mới là điều tất yếu trong quá trình phát triển, và lập pháp phải dẫn dắt cải cách, lập pháp đi trước, cải cách đi sau, do đó các chính sách dù thí điểm cũng phải bảo đảm không trái Hiến pháp. Đồng thời, trong quá trình thí điểm cần xác định phải đối mặt với những thách thức rủi ro, phải ứng phó và cần có các định chế kiểm tra, giám sát.

Nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, chia sẻ TP còn nhiều việc chưa làm được, hạn chế, tồn tại và những điều còn dở dang cần tiếp tục tháo gỡ, xử lý. Tuy nhiên không thể vì chưa làm được mà không giao việc nữa. Thay vào đó, cần chấp nhận để đầu tư giao cơ chế, giao việc cho TP cũng là vì sự phát triển của cả nước.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh, về cơ chế có thể hiểu là mở rộng thẩm quyền cho TP trên một số lĩnh vực để phát huy năng động, sáng tạo của TP trong quá trình quản lý và phát triển. Cùng với đó, lồng vào một số cơ chế, chính sách vượt trội, như chính sách để thu hút các nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược, hoặc chính sách để huy động nguồn lực tài chính cho những khu vực TP còn nhiều dư địa.

Đặc biệt, bên cạnh định hướng về cơ chế, chính sách cho tương lai, dự thảo nghị quyết mới còn phải xử lý một số vấn đề đang tồn tại của TP do bị vướng quy định nên chưa thực thi được. Thí dụ vấn đề đất đai liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, vấn đề thanh toán chính sách liên quan đến hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng)…

TPHCM cần cơ chế hướng đến hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, giải phóng tất cả nguồn lực, phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững, để TP thực sự là đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Các tin khác