Giới kinh doanh cho rằng nếu chợ truyền thống được sửa chữa nâng cấp khang trang vẫn thu hút được khách chứ không như hiện nay. Chợ truyền thống có đặc trưng riêng mà không mô hình chợ hiện đại nào có được. Chợ truyền thống còn là ký ức, là nơi hàn huyên giữa người mua và người bán. Mua thứ gì ở chợ truyền thống cũng có thể trả giá, thậm chí khách quen có thể mua thiếu, hôm sau trả tiền.
Lỗ lã lấy đâu ra tiền đóng góp!
Nhiều tiểu thương bức xúc việc sửa chữa chợ chậm trễ, trong khi họ đóng thuế đầy đủ. Theo nhiều tiểu thương, buôn bán ế ẩm mà tiền thuế, phí chỉ có tăng chứ không giảm. Thuế môn bài mỗi năm đóng trên dưới cả triệu đồng, tùy theo ngành hàng. Tiền hoa chi ngành hàng thuộc nhóm "sang" là hơn 160.000 đồng/m2/tháng. Chưa kể thuế doanh nghiệp, thuế GTGT phải đóng hằng tháng. Ngoài ra, tiểu thương còn phải đóng phí bảo vệ, vệ sinh vài trăm ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, khi sửa chữa chợ, ban quản lý chợ phải vận động tiểu thương đóng góp, thậm chí phải đóng góp 100%.
Bà Hạnh, một tiểu thương ở chợ Tân Bình (quận Tân Bình), cho biết kinh doanh bây giờ quá khó khăn, khách hàng mất dần. Có tháng, doanh thu không đủ bù chi, phải vay đầu này đắp đầu kia. Tháng nào có mối lái không thanh toán tiền mua hàng thì chỉ biết "ngồi khóc", vốn liếng tích lũy trước đây cạn kiệt dần. Nhiều chủ sạp do nợ nần chồng chất phải sang sạp, bỏ trốn.
Bà Thanh, kinh doanh quần áo tại chợ Xóm Củi (quận 8), thừa nhận ế ẩm quá, không có tiền đóng thuế, phí, cộng dồn lại đang thiếu hơn chục triệu đồng. Hiện nay, buôn bán chỉ "ăn" dần vào vốn thì lấy đâu ra tiền để đóng góp sửa chữa chợ.
Nhiều tiểu thương ở đây cho rằng họ cũng không còn mặn mà đến việc sửa chữa, vì làm kiểu tạm bợ cũng không đủ sức hấp dẫn khách vào mua sắm. Trong khi đó, người bán đầy bên ngoài chợ thu hút hết khách. Họ mong chính quyền địa phương dọn dẹp chợ tự phát bên ngoài để tiểu thương trong chợ yên tâm buôn bán. "Thông tin tiểu thương chợ An Đông đóng góp đến 217 tỉ đồng để sửa chữa làm tôi ngỡ ngàng. Đúng là chợ nhà giàu có khác nhưng hiện khó tìm được chợ thứ 2 có khả năng tài chính như vậy" - một tiểu thương ở chợ Xóm Củi nhận xét.
Hư đâu sửa đó
Chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) bên ngoài có vẻ khang trang nhưng khu nhà lồng đang xuống cấp. Nhiều khu vực ở đây phải sửa chữa theo dạng cuốn chiếu do thiếu kinh phí. Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, nhìn nhận chợ lợp tôn nên rất nóng, phải đặt máy bơm phun nước lên mái để hạ nhiệt. Chợ ế quá nên không dám vận động tiểu thương đóng góp sửa chữa lớn mà chỉ kêu gọi góp tiền sửa tạm. Tiểu thương đóng góp 50% hoặc 70%, số còn lại ban quản lý lo từ nguồn quỹ phát triển của đơn vị nhưng cũng không được nhiều. Thậm chí, khoản đóng góp của tiểu thương cũng không thể thu một lần mà phải kéo dài trong nhiều tháng, đến khi nào đủ tiền thì tiến hành sửa chữa.
Ông Hải cho biết khu vực mua bán hải sản cống bị sụt, không thoát nước được, chi phí sửa chữa không quá lớn nên các hộ ở đây đóng góp 100% để khắc phục. Còn khu vực vải sợi thì mái tôn mục, đang khảo sát để lợp lại với chi phí 288 triệu đồng, trong đó tiểu thương đóng góp 70% nhưng đến cuối năm nay mới sửa chữa.
Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng chỉ sửa chữa theo kiểu chắp vá chứ không thể nâng cấp toàn bộ do không có kinh phí. Theo ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu, kinh doanh ở đây sụt giảm nên không dám vận động tiểu thương đóng góp mà chỉ kiến nghị quận cấp kinh phí sửa chữa. Thời gian qua, quận chỉ chi 1,3 tỉ đồng để lót gạch, lợp mái, thay dây điện, sửa cống thoát nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình, quận 1, giải thích khu vực rau củ, thịt cá phải làm mái che tạm là do nhà dân đối diện phản đối việc lắp khung sắt lợp tôn gây tiếng ồn khi mưa, nước mưa tạc vào nhà họ.
Ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban Quản lý chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), nhìn nhận chợ có trước năm 1975 đến nay nhưng vẫn chưa được sửa chữa. Kinh doanh của tiểu thương ở đây hết sức khó khăn nên việc kêu gọi họ đóng góp sửa chữa chợ là không thể. Trong năm 2016, ban quản lý đã xin quận kinh phí sửa chữa chợ. Sau đó, quận đã chỉ đạo các ban ngành xuống khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Kèo, cột, tôn đã mục hết, ước tính cũng phải cần đến 4 tỉ đồng để làm lại. "Ban quản lý chợ không có nhiều kinh phí nên khi nào cột, kèo gãy mới dám thay" - ông Hà nói.
Xã hội hóa việc nâng cấp
Trước đây, UBND TP HCM đã có quyết định về việc ban hành quy hoạch phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn TP giai đoạn 2009-2015 và định hướng 2016-2020. Thời điểm này, TP có 249 chợ, gồm 17 chợ loại 1, 51 chợ loại 2 và 181 chợ loại 3. Đa số chợ được xây dựng và đưa vào hoạt động trước năm 1975. Nhiều chợ có diện tích nhỏ, đã xuống cấp, hư hỏng.
Kế hoạch của TP là không xây mới, giảm dần số lượng chợ trong khu vực trung tâm (chỉ xây mới ở ngoại thành). Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ. Đến năm 2015 giảm còn 235 chợ. Theo đó, phát triển mới 68 chợ, sửa chữa nâng cấp hoặc xây dựng lại 83 chợ, giải tỏa di dời 57 chợ và chuyển công năng 25 chợ. Kết quả, đến cuối năm 2015, TP giảm được 9 chợ loại 3.
Theo Sở Công Thương, việc phát triển mới chợ còn thấp là do hiệu quả đầu tư chưa cao, không thu hút được nhà đầu tư. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh cũng làm cho các doanh nghiệp ngại đầu tư vào chợ. TP đã sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại 90 chợ (so với kế hoạch là 83 chợ) do đây là nhu cầu cấp thiết trong công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.
Cũng theo Sở Công Thương, thông tin một số chợ sẽ được xây dựng thành trung tâm thương mại là không đúng, vì mô hình này không phù hợp ở chợ truyền thống. Còn việc nâng cấp sửa chữa chợ phải dựa vào xã hội hóa, kêu gọi đóng góp từ tiểu thương. Trường hợp sửa chữa nhỏ có thể lấy từ nguồn kinh phí của chợ.