Chợ nổi Cái Bè được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII, tại vàm sông Cái Bè (thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Đây là nơi tụ hội ghe thuyền của người dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long để mua bán, trao đổi hàng hóa.
Vào thời hoàng kim, chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm và thường là theo con nước lớn. Chợ họp từ 3-5 giờ sáng cho đến tận xế chiều. Hàng hóa rất đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,…nhưng nổi bật nhất là trái cây.
Gần đây, do điều kiện giao thông đường bộ phát triển, nhu cầu mua hàng hóa dưới sông nước giảm dần nên chợ nổi Cái Bè thưa vắng. Hiện tại, chỉ có vài ghe thuyền tụ tập bán hàng hóa nhưng không ổn định, khách đến chợ nổi đa phần là khách du lịch đi ngang, hàng hóa ế ẩm.
Cuối năm 2017, UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) lập đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”, nhằm ổn định lại hoạt động chợ nổi, đảm bảo số lượng ghe, tàu neo đậu cố định từ 100 - 150 chiếc. Đồng thời bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của chợ nổi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân và trở thành một trong những điểm nhấn, một sản phẩm du dịch độc đáo, đặc thù của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, đề án này kém hiệu quả, chợ nổi ngày càng đìu hiu.
Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, chợ nổi vắng khách là do quy luật phát triển KTXH, nhất là do điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, việc sinh kế của dân thương hồ sống trôi nổi theo sông nước giảm dần.
Chợ nổi Cái Bè ngày nay chỉ còn vài ghe thuyền buôn bán trong cảnh đìu hiu.
UBND huyện Cái Bè vừa tổ chức lấy ý kiến các ngành, đoàn thể, cán bộ hưu trí về Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”, nhưng đa phần các đại biểu đều cho rằng nên dừng đề án này, vì hoạt động chợ nổi đã không hiệu quả.
Thời gian qua, không có nhà đầu tư nào đến tham gia thực hiện công tác bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè. UBND huyện sẽ xem xét, tìm các giải pháp khả thivà phù hợp nhất cho hoạt động chợ nổi Cái Bè trong thời gian tới.
Theo VOV