Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với một số địa phương.
TPHCM phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, đến nay TPHCM đã trải qua 67 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Thời gian qua, TPHCM thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về việc kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch, nhất là các trường hợp nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
TPHCM cũng tập trung đẩy mạnh hỗ trợ người dân gặp khó khăn với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 425 tỷ đồng cho 110.000 người lao động, kể cả giáo viên mầm non và 263.000 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo… Phấn đấu hoàn thành việc chi trả trước ngày 30-6. TPHCM cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn.
Các ngân hàng thương mại hỗ trợ chủ yếu về lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên các nhóm nợ với 259.000 tỷ đồng cho 219.600 khách hàng. Trong đó, đã cơ cấu lại nợ, thời gian trả nợ 158 khách hàng với dư nợ đạt 48.000 tỷ đồng; miễn giảm cho 17 khách hàng với dư nợ 45.000 tỷ đồng; cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1 đến nay hơn 43.500 khách hàng với 166.000 tỷ đồng.
TPHCM cũng đang tập trung phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới và đã thành lập 4 hội đồng phát triển gồm các ngành: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí; thực phẩm; cao su, nhựa. TP cũng chú trọng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công khi đã giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch - cao hơn so với cùng kỳ.
Nếu tính cả khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã ghi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là hơn 8.300 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt khoảng 40%. Thời gian tới, TPHCM tiếp tục phòng chống dịch quyết liệt; không lơ là, chủ quan. Cùng với đó là đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy vai trò của các hội đồng phát triển kinh tế mà thành phố đã thành lập.
Xem xét mở lại đường bay thương mại quốc tế
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đã trở lại hoạt động khá bình thường. Gói hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội cho các DN khó khăn vay 0% lãi suất không giải ngân được đồng nào vì các doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đã trở lại hoạt động khá bình thường. Gói hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội cho các DN khó khăn vay 0% lãi suất không giải ngân được đồng nào vì các doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu việc phòng chống dịch Covid-19 vẫn phải được đặt ra, không được lơ là ở biên giới, đường bộ, đường biển, hàng không, cửa khẩu. Việc đưa chuyên gia, người quản lý doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài về nước là cần thiết, một ứng xử nhân văn, nên cần tạo mọi điều kiện thực hiện.
Thủ tướng cũng nêu rõ, phải đảm bảo an toàn để phát triển, phát triển bền vững trong tình hình bình thường mới. Trong phát triển, phải xem xét, nghiên cứu tình hình thế giới và liên hệ với Việt Nam, đặc biệt khi nước ta đã hội nhập sâu rộng; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là phát triển kinh tế - xã hội trong nước là chính, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập, tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới. Trong mở cửa không chỉ chú ý đến kinh tế mà chú ý cả quan hệ chính trị, đối ngoại...
Thủ tướng đồng ý cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề, để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam. Bộ GTVT phối hợp Bộ Ngoại giao đề xuất các đường bay, chuyến bay phù hợp. UBND các tỉnh thành bố trí địa điểm cách ly, tổ chức đón tiếp, xét nghiệm thuận lợi theo quy định. Bộ Tài chính cần xem xét việc thu phí cách ly, nhất là phí điều trị, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Do số lượng người Việt Nam có nhu cầu về nước còn rất lớn (khoảng 12.000 người đáp ứng các tiêu chí) trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, Thủ tướng cho rằng việc đề xuất cách ly, điều trị có thu phí phải nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp, chặt chẽ, tiết kiệm ngân sách, không gây phiền hà cho người dân.
Đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài. Bộ GTVT chỉ đạo ngành hàng không tổ chức các chuyến bay đưa các đối tượng này về nước trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi.
Thủ tướng giao ban chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay thương mại quốc tế với các địa bàn không phát hiện ca bệnh trong 30 ngày. Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này. Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng cũng không mở cửa ồ ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.
Thủ tướng đồng ý cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke. Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, nhất là buôn bán, sử dụng ma túy.