Chỉ sửa nhà theo hiện trạng
Qua cầu Hiệp Phước đi về hướng tỉnh Long An là xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè TPHCM. Bao năm nay, thật hiếm có nóc nhà ngói đỏ được xây mới. Hầu hết là nhà lụp xụp, mái tôn, tường cũng bằng tôn. Càng về cuối con đường, gần đổ vào địa phận tỉnh Long An, đường sá nhỏ hẹp, có đoạn hư hỏng nặng, lại đang mùa mưa nên càng sình lầy.
Ghé vào một căn nhà khang trang, dường như mới cất vì mái ngói còn đỏ tươi, nằm ngay trên mặt đường Nguyễn Văn Tạo. May mắn gặp ngay chủ nhà, ông Nguyễn Văn Lắm, đang cắt những cây cỏ dại mọc ven hàng rào quanh nhà. Ông cho biết, căn nhà lâu ngày bị hư hỏng nặng nên mới sửa lại hồi năm ngoái, để có chỗ ở cho tươm tất. “Chính quyền chỉ cho sửa lại với điều kiện phải có giấy chủ quyền nhà đất hợp pháp, chớ còn cất mới thì không được” chú Lắm nói. Bên ngoài căn nhà chưa có biển số nhà, ông Lắm giải thích, dù ở mặt tiền đường nhưng số cũ là 117/5, còn số mới thì chưa làm.
Đi tiếp một đoạn, hỏi thêm nhiều hộ gia đình khác chúng tôi đều nhận được thông tin, gia đình nào có đất thổ cư mới được sửa lại nhà, còn đất nông nghiệp thì không được; muốn chuyển mục đích sử dụng thành đất thổ cư để xây nhà cũng không được vì vướng quy hoạch. Đó là quy hoạch gì?
Thông tin chúng tôi có được, năm 2006 trở về trước, người dân nơi đây được xây dựng nhà ở và thực hiện các quyền về đất đai vì chưa có quy hoạch. Giai đoạn năm 2007- đầu năm 2013, có nhà đầu tư Dubai World đến xem xét việc đầu tư làm dự án, nên tùy trường hợp cụ thể, người dân được xem xét cho chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng. Năm 2013, UBND TPHCM chính thức phê duyệt quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị cảng Hiệp Phước và toàn bộ xã Hiệp Phước nằm trong quy hoạch, nên quyền lợi nhà đất của người dân bị treo lại. Theo đó, quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước, trong chiến lược phát triển ra Biển Đông của TPHCM với diện tích 3.911ha và khoảng 2.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhưng khi nhà đầu tư rút lui, quy hoạch trên treo nhiều năm nay.
Điều này cũng xảy ra tương tự tại Khu đô thị Tây Bắc, Củ Chi, TPHCM. Theo quy hoạch, Khu đô thị Tây Bắc gồm 5 xã và 1 thị trấn (xã Tân Thới Nhì thuộc huyện Hóc Môn; thị trấn Củ Chi, xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội và Phước Hiệp thuộc huyện Củ Chi) với diện tích 6.000ha, hiện có 6.000 hộ dân sinh sống. Theo quy hoạch phải giải tỏa trắng. Năm 2016, lãnh đạo TPHCM đã xem xét, điều chỉnh quy hoạch này theo hướng không “đụng” tới các khu dân cư đã ổn định, ước việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng khoảng 1.650ha.
Tháo treo đến đâu?
Cách nay 3 năm, UBND huyện Nhà Bè và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, chủ đầu tư dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước) đã thống nhất chọn phương án cho phép tồn tại khu dân cư hiện hữu với diện tích khoảng 84ha nằm hai bên trục đường chính Nguyễn Văn Tạo, từ cầu Hiệp Phước đến cầu Kênh Lộ, gồm 1.992 hộ dân với 9.960 nhân khẩu. Như vậy, sẽ tách dự án ra, phần tiếp tục làm dự án sẽ tiến hành đền bù; phần cho tồn tại của khu dân cư hiện hữu sẽ giải quyết quyền lợi về đất đai cho người dân theo luật định.
Mới đây trong văn bản báo cáo UBND TPHCM, ông Phan Ngọc Phúc, Phó giám đốc Sở QH-KT cho biết, sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch treo. Năm 2020, cơ quan này đã đề nghị UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Ban quản lý khu Nam và các đơn vị liên quan có ý kiến thống nhất, xác nhận trên bản đồ ranh giới khu dân cư hiện hữu để tổng hợp trình UBND TPHCM xem xét.
Tiếp đó, sở đã tổ chức họp và có văn bản đề nghị UBND huyện Nhà Bè lần nữa rà soát kỹ tiêu chí xác định ranh khu dân cư hiện hữu, phù hợp quy hoạch trục đường Bắc - Nam và tuyến metro số 4 theo đồ án quy hoạch chung đã được duyệt. UBND huyện Nhà Bè đang hoàn chỉnh ranh khu dân cư hiện hữu và phương án tổ chức lập quy hoạch phân khu, dự kiến vào quý II năm nay sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đặc biệt, việc xác định ranh khu dân cư phải có tiêu chí phù hợp nhằm hạn chế khiếu kiện, khiếu nại và đảm bảo khả năng kết nối hài hòa tổng thể khu vực.
Đối với khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, mặc dù đã được phê duyệt 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư. Việc điều chỉnh quy hoạch đã được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 vào tháng 2-2020. Hiện nay, đồ án điều chỉnh đang trong quá trình lập, thẩm định. “Sở đang phối hợp Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi và các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm hoàn thiện đồ án quy hoạch, trình UBND TP xem xét”, ông Phan Ngọc Phúc cho biết.
Giữ quy hoạch khu vòng xoay Đầm Sen Về quy hoạch Khu phức hợp Đầm Sen - vòng xoay Đầm Sen - Lạc Long Quân, thuộc tổ dân phố 1, khu phố 1, phường 3, quận 11, TPHCM có xóa treo hay tiếp tục thay đổi dự án khác, Sở QH-KT thông tin: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 được UBND TPHCM duyệt năm 2013, khu phức hợp Đầm Sen có chức năng sử dụng đất là quy hoạch đất hỗn hợp nhà ở cao tầng xây dựng mới. Tháng 3-2020, Văn phòng UBND TP có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, theo đó chấp thuận chủ trương tiếp tục mời gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tạm cư, tái định cư cho các hộ dân. |