Chợ truyền thống chưa sẵn sàng mở lại

(ĐTTCO) - Trong một cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã yêu cầu các sở ngành, TP Thủ Đức và quận huyện nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp, đưa vào hoạt động lại điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống. 
Hàng hóa tươi sống bày bán tại chợ Ngã Ba Bầu, Hóc Môn
Hàng hóa tươi sống bày bán tại chợ Ngã Ba Bầu, Hóc Môn

Quyết định của lãnh đạo UBND TPHCM là rất đúng đắn, nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, mở cửa lại chợ truyền thống là việc không hề dễ.

Người bán chưa mặn mà

Ngày 10-8, ghi nhận thực tế tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) cho thấy, có 9 sạp, chủ yếu là mặt hàng tươi sống, rau củ quả nhưng số lượng rất hạn chế, giá cả tăng khoảng 20% so với ngày thường. Người dân đến mua sắm khá thưa thớt, nhưng Ban quản lý chợ (BQL) vẫn bố trí 2 người trực xét phiếu đi chợ và yêu cầu người dân đảm bảo quy định 5K trước và sau khi mua hàng. “Số lượng tiểu thương tham gia bán không nhiều nên các mặt hàng rất khiêm tốn. Nhiều người dân đi các siêu thị gần đấy nhưng không mua được hàng, ghé qua chợ cũng thiếu thốn như vậy”, Phó BQL chợ Hạnh Thông Tây Nguyễn Đức Khánh cho biết. 

Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế quận Phú Nhuận Nguyễn Thanh Bình cho biết, cả 4 chợ trên địa bàn đều có ca lây nhiễm Covid-19 nên tạm đóng cửa. Sau khi xử lý bảo đảm an toàn phòng chống dịch, từ đầu tuần này BQL đã cho mở lại chợ Nguyễn Đình Chiểu với trên 10 sạp, thời gian từ 7 giờ đến 11 giờ. Tuy nhiên, do số lượng gian hàng khiêm tốn, không đa dạng mặt hàng nên người dân đến mua rất ít, trên dưới 100 người/đợt. “Trên địa bàn quận, các chợ vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên ngay cả tiểu thương cũng chưa muốn mở bán trở lại”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Ở chợ Ngã Ba Bầu (huyện Hóc Môn), không khí mua sắm khá đông đúc, gần 100% gian hàng tươi sống, rau củ quả mở bán khá nhiều, giá cả niêm yết công khai và ít biến động. Hầu hết người dân vào ra chợ mua bán tự do. Tại cổng chợ có đặt 2 cuốn sổ trên bàn nhựa nhỏ để khai báo y tế nhưng do không ai trực kiểm soát nên người dân không bị “kiểm duyệt” 5K như những chợ khác. Qua quan sát thực tế, nếu BQL không siết chặt lượng người dân ra vào chợ và đảm bảo 5K sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao.

Mở lại chợ khi dịch bệnh được kiểm soát

Theo cán bộ ở nhiều quận, huyện, mở lại chợ truyền thống nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa tốt nhất cho người dân là chủ trương đúng đắn. Trên tinh thần chỉ đạo của thành phố “nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch” nên hầu hết cán bộ ở các quận huyện cho biết đang rà soát, đánh giá việc mở lại chợ truyền thống.

Đại diện Phòng Kinh tế TP Thủ Đức cho biết đã triển khai chủ trương đến BQL hơn 30 chợ trên địa bàn nhằm xây dựng phương án, kế hoạch; đặc biệt chú trọng ở những điểm nguồn cung hàng thiết yếu thiếu hụt cục bộ. Tuy nhiên, với quy định hiện chỉ cho mỗi chợ mở lại số lượng sạp hạn chế khiến tiểu thương chưa mặn mà bán hàng trở lại. Nguyên nhân các tiểu thương lo lắng là tình hình dịch bệnh, việc mở bán trở lại không có lợi nhuận do khâu cung cấp nguồn cung hàng hóa hiện nay chưa thuận lợi, dẫn đến giá bán ở chợ truyền thống sẽ cao hơn ở siêu thị.

Tương tự, Trưởng phòng Kinh tế quận 7 Phan Trang Hương thông tin đã khảo sát, lấy ý kiến BQL của 9 chợ và chính quyền địa phương. Hiện khu vực quận 7 đang có nhiều điểm có nguy cơ cao, đường dẫn vào các chợ hầu hết bị phong tỏa, cách ly y tế nên rất khó để triển khai mở lại chợ truyền thống. Theo bà Hương, địa bàn quận 7 không quá lớn lại có rất nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, đủ cung ứng hàng hóa cho người dân. Do đó, công tác lên phương án, kế hoạch luôn sẵn sàng nhưng sẽ mở lại chợ ở thời điểm thích hợp, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. 

Với quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Thanh Bình đề xuất, tăng cường điểm bán hàng lưu động để đảm bảo nguồn cung. Việc mở lại các chợ truyền thống sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. 

Để khắc phục, sớm đưa các chợ hoạt động trở lại an toàn nhằm đa dạng hóa kênh phân phối, cần sự thống nhất trong nhận thức và ứng xử của địa phương. Bằng không, hệ thống phân phối hiện đại vẫn tiếp tục quá tải, người dân tự tìm nguồn cung trong khi vai trò các chợ không được phát huy hiệu quả.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống 3 chợ đầu mối và 234 chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đảm nhiệm 70% sản lượng hàng hóa, chủ yếu là hàng thực phẩm tươi sống cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân thành phố. Tuy nhiên, thời điểm này, 3 chợ đầu mối, 201/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động; một số quận huyện đã ngưng hoạt động toàn bộ chợ truyền thống. Việc này tạo áp lực rất lớn cho thành phố trong việc điều tiết, cung ứng hàng hóa cho người dân.

Chợ phải hoạt động trong điều kiện an toàn

Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thời gian tạm ngưng hoạt động hoặc mở cửa trở lại với các chợ truyền thống là do quận huyện quyết định. Ngày 21-7, Sở Công thương đã ban hành Văn bản 3589 hướng dẫn chi tiết việc tổ chức hoạt động các chợ đảm bảo an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố. Sở Công thương đề nghị tiếp tục tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đối với tiểu thương, người lao động, khách hàng. Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thực hiện 5K, đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào chợ; khai báo y tế điện tử; khoảng cách người với người tối thiểu 2m. Công văn nêu rõ, tổ chức cho chợ truyền thống, các điểm bán chỉ kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đối với một số địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó khôi phục chợ truyền thống, cần lập điểm bán quy mô nhỏ tại chợ hoặc điểm bán trong khu dân cư để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân, đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Các tin khác