Chợ lại ế sau tết
5 giờ chiều ngày 22.2, trời mưa lâm thâm, trên lối vào sau chợ Tân Hưng (còn gọi là chợ Ông Địa, Q.Tân Bình), bà Loan, chủ quầy giày dép lớn tại chợ, bán được một đôi giày sandal và đôi dép nhựa cho bé gái với tổng số tiền 240.000 đồng.
“Cứ có 5 - 7 khách hàng mua vài ba đôi giày dép thế này là “đủ sở hụi cả ngày”. Sáng giờ mới bán được hơn 1 triệu đồng, bán được 1,5 - 2 triệu đồng mới đủ chi phí”, bà vui vẻ nói.
Đối diện quầy bán giày là quầy bán áo quần. Một người khách dừng xe hỏi mua 2 chiếc quần soọc cho trẻ 6 tuổi. Người bán hàng báo giá 180.000 đồng. “Bớt không?”, “Bớt 5.000 đồng/cái”. Thế nhưng khi khách trả tiền, bà chỉ lấy 160.000 đồng.
“Thay vì lãi 10.000 đồng một chiếc quần, nay lấy lãi 5.000 đồng thôi, giảm một tí để giữ chân khách chứ mua bán mùa này ế ẩm lắm. Nếu không cầm cự được cũng đóng cửa sang sạp như mấy quầy kia rồi”, bà khoát tay chỉ dãy sạp trong chợ đang “cửa đóng then cài”.
Tại chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình), số tiểu thương bỏ sạp hoặc đang tạm đóng sạp chưa kinh doanh trở lại sau Tết Nhâm Dần cũng còn khá cao, khoảng hơn 30%. Theo Ban quản lý chợ, không phải tiểu thương bỏ chợ nhưng chọn hình thức bán hàng qua mạng, bán tự phát khu vực trước nhà thay vì vào chợ. Hình thức mua bán này khá phổ biến sau thời gian đại dịch, nay vẫn còn tiếp diễn.
Quan trọng nhất cho một ngôi chợ, dù là chợ sỉ hay chợ lẻ, phải có người vào ra mua bán. Đằng này mở chợ mà không có người vào mua thì mãi lực khó tăng lắm Chị Nga, |
Chị Ly, bán trái cây tại chợ này, thừa nhận chị chuyển hàng về bán chủ yếu tại nhà và đăng bán trên các nhóm dân cư được lập trong thời gian dịch. Chị Ly nói: “Mặc dù doanh thu chỉ khoảng 60 - 70% so với thời gian trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng áp lực lại ít hơn.
Người đến chợ mua hàng nay giảm mạnh lắm vì vẫn ngại dịch. Thói quen mua bên lề đường, mua nhanh trong cửa hàng, mua giao tận nhà đã được hình thành, nên nhiều người thấy không cần thiết đi vào chợ nữa. Thế nên, trước và sau tết chợ có vẻ đông vui, nay ế ẩm lại rồi”.
Ngay các chợ truyền thống lớn, chuyên hàng sỉ như Tân Bình, An Đông…, số quầy sạp đóng cửa, bảng thông báo sang sạp… vẫn tiếp tục. Bà Đặng Hồng, kinh doanh hàng áo quần tại chợ Tân Bình, thở dài bảo nếu như trong 10 ngày đầu sau Tết âm lịch (khoảng từ 6 - 16.2), chợ bán rất tốt thì nay đã giảm mạnh hơn 50%.
“Đa số các tỉnh lấy hàng về bán mở hàng, còn đóng hàng về tỉnh thì số lượng có giới hạn. Nhiều quầy sạp trong chợ sang sạp luôn, bán online tại nhà”, bà Hồng nói.
Tiểu thương bỏ sạp ngày càng nhiều
Trưa 25.2, phía trước chợ Tân Bình (Q.Tân Bình), một loạt xe tải chở hàng hóa của các tiểu thương trong chợ mang ra để gửi về các tỉnh khá nhộn nhịp. Theo quan sát của phóng viên, có hơn chục xe tải đang chờ lấy hàng. Hàng hóa gửi đi các tỉnh chủ yếu là áo quần, cước phí trung bình một kiện hàng giá 50.000 đồng.
Một nhân viên bốc xếp hàng hóa của nhà xe đi Vĩnh Long cho hay lượng hàng gửi đi tỉnh từ sau rằm tháng giêng giảm khoảng 20%, trước đó hàng gửi “tới tấp”, đóng hàng, vận chuyển hàng ra xe không kịp ăn trưa.
Bên trong chợ Tân Bình, các hoạt động mua bán, đóng hàng diễn ra khá rôm rả. Đa số các quầy hàng áo quần đều có hoạt động và đóng hàng, mua bán trao đổi. Tuy nhiên, cũng không ít quầy sạp đóng cửa, treo bảng sang sạp, nhiều bảng có từ năm ngoái đến nay.
Chị D., chủ sạp có dán bảng cho thuê, cho biết: Những sạp ở ngoài đường hoặc bên ngoài còn bán hàng được, chứ bên trong như của chị ngồi cả ngày chỉ vài ba khách, tiền lãi không đủ mua cơm bụi, tiền thuê nhân viên, nên tạm đóng cửa, bán qua mạng.
“Nếu ai có nhu cầu và trả giá tốt, tôi sang sạp luôn cũng được”, chị D. cho hay. Lượng sạp còn “cửa đóng then cài” tại chợ này ước khoảng 10 - 15%.
Hiện đa số quầy sạp chủ yếu đóng hàng gửi xe về các tỉnh |
Tại chợ An Đông (Q.5) tình trạng cũng tương tự. Chị Trang, tiểu thương kinh doanh tại chợ, cho hay nhiều quầy sạp ở chợ này đang tạm đóng là do chợ ế, không có người vào mua hàng, nên tiểu thương tạm nghỉ để “lấy đà” bán lại từ tháng 3.
“Hiện đa số là bán hàng đóng gửi xe chở về các tỉnh. Ra chợ ngồi bán tốn đủ thứ tiền mà không có khách vào chợ thì mở quầy làm gì? Thế nên nhiều chị em tiểu thương tiếp tục “nghỉ tết” là vậy. Mãi lực tại chợ chỉ đạt 50% so với ngày thường, chủ yếu bán online. Quan trọng nhất cho một ngôi chợ, dù là chợ sỉ hay chợ lẻ, phải có người vào ra mua bán. Đằng này mở chợ mà không có người vào mua thì mãi lực khó tăng lắm”, chị Nga, tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, chia sẻ.
Quay sang một khách hàng từ Tiền Giang, chị hỏi: “Sao từ trước tết đến nay mới lên lấy hàng?”. Khách giải thích: “Tiền hết, không dám lên lấy hàng vì nợ nữa lại ngại. Khách hàng của em nay ít mua sắm nên lượng hàng lấy về từ trước tết còn tồn quá chừng. Hôm nay chỉ lên lấy bổ sung vài mẫu mới thôi”.
Người bán và người mua chờ... miễn dịch cộng đồng
Chị Trang rất nhiều lần nhắc đến cụm từ “miễn dịch cộng đồng” khi trao đổi với chúng tôi. Chị nói, tiểu thương tại TP.HCM mong muốn tình trạng dịch bệnh tại TP tiến tới “miễn dịch cộng đồng” để các hoạt động đi lại, du lịch, mua sắm mới trở về bình thường được.
Thói quen mua sắm tại chợ truyền thống thực tế có thay đổi từ sau đại dịch Covid-19. Đó là người mua qua mạng nhiều hơn, ngồi nhà bấm điện thoại để mua hàng tăng mạnh, nên báo cáo các trang bán hàng thương mại điện tử tăng gấp 3 - 5 lần là vậy. Thế nhưng, cốt lõi của văn hóa chợ truyền thống vẫn là phải mua bán trực tiếp.
Người mua về dùng hay người mua về bán lại đều phải được sờ thấy, nắm lấy, cảm nhận chất vải, đo lên người thấy ưng ý mới quyết định mua, khác rất nhiều so với cách mua sắm trên mạng với các nhãn hàng đã được “đo ni đóng giày” với khách hàng.
“Tiểu thương kinh doanh tại chợ từ hàng áo quần, giày dép đến đồ khô… tuy đã có thay đổi hình thức bán hàng qua thương mại điện tử, nhưng vẫn mong ngóng một ngày không xa TP được miễn dịch cộng đồng để nhịp sống bình thường trở lại. Chúng tôi hy vọng từ ngày 1.3 tới đây, chợ sẽ trở lại nhịp sống bình thường”, chị Trang chia sẻ.
Tại chợ An Đông 2 (An Đông Plaza), lượng quầy sạp trả lại nhiều hơn do nhiều tiểu thương từng thuê sạp tại 2 chợ, nay “gom” về An Đông 1, vì chi phí thấp hơn, hoặc giảm chi phí thuê người bán hàng.
Tại chợ Bình Tây (Q.6) có khởi sắc hơn. Sức mua hiện nay có tăng một chút so với thời điểm này năm trước nên tiểu thương rất mừng. Chợ có tổng cộng 2.358 sạp, hiện số lượng sạp bỏ trống khoảng 300 cái.
Theo chị Thúy, bán hàng khô tại chợ này, sức mua tại chợ Bình Tây trước và sau tết tăng tốt do nhu cầu mua sắm đưa đi tỉnh dịp tết tăng mạnh. Bên cạnh đó, chợ cũng là điểm đến du lịch, bắt đầu có khách tham quan mua sắm nhiều hơn. Đặc biệt dịp tết nhiều đoàn đi tham quan các chùa người Hoa vào chợ mua sắm đông, mãi lực tăng rõ.
Theo Ban Quản lý chợ An Đông 1 (Q.5), chợ có hơn 2.000 quầy sạp kinh doanh nhưng hiện có khoảng 800 quầy sạp tạm ngưng kinh doanh, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua sau tết giảm mạnh nên dù tiểu thương cũng cố gắng áp dụng hình thức kinh doanh online, nhưng mãi lực tại chợ còn thấp.
Trước đây, nhiều doanh nghiệp thuê quầy sạp tại chợ làm nơi trưng bày sản phẩm, bán cho khách du lịch hoặc các đối tác đến giao dịch, nay nhiều doanh nghiệp đã trả lại mặt bằng do khách du lịch chưa quay lại nên khó khăn cho doanh nghiệp.