Cho vay bình ổn có bị lỗ?

Lãi suất cho vay thấp (từ 6-10%/năm) không chỉ được các NHTM áp dụng ở những gói tín dụng cá nhân mang tích chất PR, kích cầu tiêu dùng với kỳ hạn lãi suất rẻ, mà còn mở rộng cho vay với khách hàng doanh nghiệp. Trong điều kiện tín dụng tăng trưởng chậm, phải chăng các NHTM đang chấp nhận lỗ để giải ngân nguồn vốn và giữ vững thị phần?

Lãi suất cho vay thấp (từ 6-10%/năm) không chỉ được các NHTM áp dụng ở những gói tín dụng cá nhân mang tích chất PR, kích cầu tiêu dùng với kỳ hạn lãi suất rẻ, mà còn mở rộng cho vay với khách hàng doanh nghiệp. Trong điều kiện tín dụng tăng trưởng chậm, phải chăng các NHTM đang chấp nhận lỗ để giải ngân nguồn vốn và giữ vững thị phần?

 Cố định lãi suất ít nhất 1 năm

Chương trình bình ổn thị trường năm 2013 tại TPHCM có 5 NHTM đăng ký tham gia, trong đó nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vay ngắn hạn (12 tháng) để sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường là 860 tỷ đồng, với lãi suất 6%/năm. Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp vay đầu tư cho dự án sản xuất, chăn nuôi trung và dài hạn 1.100 tỷ đồng (lãi suất 10%/năm).

Cụ thể, Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt đăng ký tham gia 1.000 tỷ đồng, gồm 400 tỷ đồng ngắn hạn và 600 tỷ đồng cho vay trung, dài hạn. Eximbank tham gia 200 tỷ đồng (100 tỷ đồng ngắn hạn và 100 tỷ đồng dài hạn). Sacombank đăng ký 200 tỷ đồng (100 tỷ đồng ngắn hạn và 100 tỷ đồng dài hạn). BIDV chi nhánh Bến Thành 450 tỷ đồng (150 tỷ đồng ngắn hạn và 300 tỷ đồng dài hạn). VietinBank chi nhánh 7 đăng ký 110 tỷ đồng cho vay ngắn hạn.

Thực tế, các NHTM đã chủ động đăng ký với Sở Công Thương và NHNN để cho vay. Bởi tìm kiếm khách hàng vay tốt rất khó, trong khi ở chương trình bình ổn, TPHCM đã chọn lọc những khách hàng làm ăn tốt, có năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh và uy tín thương trường. Tham gia chương trình, các NH không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với TPHCM, mà còn góp phần nâng cao thương hiệu và có được lượng khách hàng ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Đại diện Eximbank cho biết chương trình này sẽ được thực hiện từ nay đến Tết Giáp Ngọ 2014. Theo đó, lãi suất áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn tối đa 12 tháng là 6%/năm, cố định trong suốt thời gian vay; các khoản vay trung, dài hạn tối đa 5 năm là 10%/năm (trong năm đầu tiên).

Gói 200 tỷ đồng của Sacombank sẽ thực hiện từ ngày 1-4-2013 đến hết 31-3-2014. Trong đó, các khoản vay trung, dài hạn tối đa 5 năm là 10%/năm (trong năm đầu tiên).

Các doanh nghiệp được xem xét cho vay ưu đãi có ngành nghề sản xuất thuộc các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, sữa và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm 2013-2014; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển hàng hóa cho việc phân phối và bán hàng lưu động; cam kết cung ứng hàng hóa đúng chủng loại, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có tối thiểu 12 điểm bán hàng theo yêu cầu của chương trình bình ổn giá do Sở Công Thương TPHCM quy định.

Từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai 13 gói nguồn vốn cho vay ưu đãi trị giá hơn 11.200 tỷ đồng và 90 triệu USD hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh.

NH có lỗ?

Vấn đề đặt ra là với lãi suất 6%/năm (thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay hiện nay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 11%/năm), các NHTM liệu có lỗ, trong khi trần lãi suất huy động là 7,5%/năm và các NHTM còn chịu thêm chi phí dự trữ bắt buộc. Cũng có ý kiến nghi ngờ những gói tín dụng giá rẻ này chỉ nhằm PR, quảng bá thương hiệu của các NH tham gia.

Khách hàng tham khảo chính sách vay vốn tại Sacombank. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng tham khảo chính sách vay vốn tại Sacombank. Ảnh: LONG THANH

Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết 5 NHTM đăng ký tham gia chương trình bình ổn đều phải giải ngân sau khi ký kết với doanh nghiệp. Các NHTM phải báo cáo hàng tháng về kết quả giải ngân cho NHNN, nếu NHTM nào đăng ký mà không giải ngân đúng lãi suất đã cam kết, NHNN sẽ xử lý.

Ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt, cho biết lãi suất cho vay 6%/năm thấp hơn trần lãi suất huy động 7,5%/năm và lãi suất cho vay bình quân của Agribank là 11%/năm, nhưng NH không lỗ. Bởi Agribank có nhiều nguồn vốn nhàn rỗi với lãi suất không kỳ hạn 2%/năm từ nhiều khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Hơn nữa, cho vay khách hàng doanh nghiệp, NH không chỉ được lợi từ lãi suất mà có thể phát triển được mảng dịch vụ thanh toán, thẻ… Hiện Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt đang xem xét thẩm định một số dự án để giải ngân.

2 bên chưa gặp nhau

Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dương 0,1%, tăng trưởng huy động đạt khá với 3,8%. Dù vậy, nhiều NHTM cho biết các doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh để giảm chi phí lãi vay nên tín dụng của các NHTM tăng rất chậm.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamABank, cho biết từ đầu năm đến nay tín dụng của NH tăng trưởng âm. NamABank cũng có các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, nhưng không dễ kiếm khách vay. Cũng theo ông Vũ, thực tế doanh nghiệp và các NHTM vẫn chưa gặp nhau. Đó là việc doanh nghiệp thường không đáp ứng được các điều kiện NH đưa ra để hưởng lãi suất ưu đãi.

Trong khi đó, doanh nghiệp có những dự án lớn để xin vay vốn, các NHTM lại không tự tin cho vay. Ngoài ra, NHTM đưa ra gói lãi suất rẻ thường có giới hạn về thời gian, doanh nghiệp ban đầu có thể được hưởng lãi suất 6-9%/năm, thậm chí 0%/năm, nhưng thực chất giá vốn cuối cùng đến doanh nghiệp trong một chu kỳ vay vốn bao nhiêu mới là quan trọng. 

Tới đây, các NHTM trên địa bàn nói chung và 5 NHTM trên tiếp tục hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng bình ổn tiếp cận nguồn vốn NH, theo hướng mở rộng quy mô cho vay cùng các hoạt động dịch vụ NH như thanh toán, chuyển tiền và chi trả lương qua tài khoản… Trên cơ sở đó hoàn thiện các sản phẩm trọn gói tạo sự liên kết chặt chẽ NH và doanh nghiệp.

Các tin khác