Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TPHCM những ngày qua vẫn tiếp tục quá tải vì nhu cầu thực phẩm của người dân quá cao. Trước đây, các siêu thị và kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu hàng hóa nhưng hiện phải "gồng" gần như toàn bộ cho nhu cầu ăn uống của người dân TPHCM.
Chợ truyền thống sẽ chia lửa
Kể từ khi TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, xung quanh khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) bị căng dây tứ phía, ngay mặt tiền chợ ở ngã ba đường Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Bạch Đằng cũng chằng chịt dây khiến nhiều người nhầm tưởng chợ đã tạm đóng. Tuy nhiên, chợ Bà Chiểu vẫn còn hoạt động, ban quản lý chợ chỉ để một lối vào, yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi mua hàng.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết Sở đã đề nghị các địa quận huyện tận dụng cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động để bố trí cho 2-10 tiểu thương bán thực phẩm, đảm bảo giãn cách.
Các tiểu thương này phải có năng lực kinh doanh thực phẩm tươi sống, có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương để đảm bảo phòng chống dịch.
Theo ông, việc này sẽ đảm bảo một phần nhu cầu về điểm bán lẫn thực phẩm đáp ứng người dân, giảm tải cho các siêu thị. Tuy nhiên, ông Phương nhấn mạnh việc mở lại cũng phải cẩn thận, do chợ truyền thống có lượng hàng hóa và số người giao dịch lớn, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó kiểm soát.
Còn chợ đầu mối, hiện TPThủ Đức và huyện Hóc Môn đã có khu vực trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh đổ về. Dù không thể đảm bảo lượng hàng như trước đây, nhưng cũng sẽ đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm, chuyển trực tiếp về cho chợ truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Hương nhà sát chợ Bà Chiểu, cho hay nhiều người đổ dồn vào siêu thị, cửa hàng nên chợ này vắng lắm. Cả tuần qua, bà nhiều lần đi chợ và vẫn đảm bảo thực phẩm cho cả gia đình.
Tính đến kẻ ô, vạch bán hàng
Tại cuộc họp ngày 15-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết hiện một số địa phương có đưa ý kiến tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống; kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng.
Ông Phong cho rằng cần xem xét, có tính toán cụ thể tại từng địa bàn để phục vụ người dân khi hệ thống siêu thị, cửa hàng đang vượt quá khả năng cung ứng.
Chia ô, bán thực phẩm trực tiếp tại lề đường cũng được nhiều người dân xếp hàng vào siêu thị Emart (quận Gò Vấp) ủng hộ. Nguyên nhân là bên ngoài, số lượng người xếp hàng còn nhiều hơn khách mua sắm bên trong. Thay vì phải chờ đợi, trong thời gian đó, họ có thể mua rau củ quả trực tiếp bên ngoài. "Chợ, siêu thị gì bán cũng được, cứ bày ra, chia ô khoảng cách thì lại mua nhanh, bán nhanh, chứ xếp hàng thế này cũng đã nguy hiểm", anh Sang (quận Gò Vấp) ý kiến.
Song song đó, để giải quyết áp lực cho các điểm bán là siêu thị, tuần qua, các hệ thống Co.opmart, Aeon, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh… đều tổ chức thêm nhiều điểm bán thực phẩm là xe lưu động. Địa điểm có thể thay đổi từng ngày theo lộ trình bố trí của Sở Công Thương và cơ quan chức năng địa phương, hầu hết là khu đông dân cư, khu nhiều chợ đang tạm đóng, khu phong tỏa.
Không chỉ các hệ thống bán lẻ, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Việt Nam Post) cũng đã vào cuộc, bằng cách đưa các bưu cục ở địa phương trở thành điểm bán hàng lưu động.
Từ hôm nay, Sở Công thương TPHCM sẽ kết hợp với nhiều doanh nghiệp từ siêu thị, vận tải, bán lẻ… đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động, phủ khắp các quận huyện phục vụ người dân.
Ngoài ra, Sở phối hợp với Công ty Ba Huân, San Hà và một vài siêu thị khác mở 63 điểm bán lưu động, giá bình ổn để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt cho người lao động phổ thông.