Chọn cổ phiếu “trú ẩn” thời Covid-19

(ĐTTCO) - Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu cũng như Việt Nam lao dốc thê thảm. Ảnh hưởng của Covid-19 sâu rộng hơn tất cả thời kỳ khủng hoảng khác trong lịch sử, bởi hiện tại quy mô của các nền kinh tế đã gấp hàng ngàn lần, cũng như lĩnh vực dịch vụ đã chiếm tỷ trọng rất lớn. 
Chọn cổ phiếu “trú ẩn” thời Covid-19
Cổ phiếu đi ngược thị trường
Không thể phủ nhận với đà lao dốc cực mạnh của các TTCK toàn cầu, nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản của doanh nghiệp, nhà đầu tư rất cao. Tuy vậy trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng luôn tồn tại vài lĩnh vực nào đó hưởng lợi. Đối với dịch Covid-19 hiện tại, cổ phiếu dược hay các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế được cho là hưởng lợi. Tại thị trường Mỹ, trường hợp của cổ phiếu Zoom là thí dụ điển hình của sự lựa chọn thông minh từ nhà đầu tư.
Zoom là công ty sản xuất phần mềm làm việc nhóm không mấy nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh phong tỏa được thực hiện trên nhiều quốc gia, trường học đóng cửa, người lao động làm việc tại nhà, nhu cầu sử dụng phần mềm làm việc nhóm tăng vọt. Chỉ từ đầu tháng 2 đến nay, giá cổ phiếu Zoom đã tăng gần 87%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 32%. Không chỉ có Zoom, cổ phiếu của các công ty bán hàng trực tuyến, phát hành trò chơi online, phim trực tuyến... cũng đều đi ngược thị trường.
Chọn cổ phiếu “trú ẩn” thời Covid-19 ảnh 1
Giới đầu tư đều có suy nghĩ khá thực dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. “Rủi ro của người này có thể là cơ hội của người khác” và dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ. Lối tư duy của nhà đầu tư cũng không nằm ngoài suy luận thông thường, nhưng hơn nhau ở chỗ nhanh và chính xác: Khủng hoảng y tế làm tăng vọt nhu cầu sử dụng các sản phẩm trong lĩnh vực này, và doanh nghiệp nào có lợi thế sẽ kiếm lời tốt nhất và nhanh nhất.
Vấn đề là biết trước người khác và chọn đúng doanh nghiệp trong cả chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp trong ngành. Hay như suy luận đơn giản: Phong tỏa đi lại, cấm tụ tập, nghĩa là mọi người phải ở nhà, phải nghĩ cách xử lý 24 giờ “rảnh rỗi” mỗi ngày. Sản phẩm, dịch vụ nào đáp ứng được nhu cầu này sẽ tăng vọt. Suy luận kiểu này không khó, hơn nhau chính là đi trước một bước, vì khi ai cũng nghĩ đến tức là hình thành một cao trào mua cổ phiếu đó.
Đối với TTCK Việt Nam, cái khó chính là việc có quá ít cổ phiếu niêm yết và không bao hàm đủ các lĩnh vực đời sống như ở các thị trường phát triển. Việc phân ngành trên thị trường Việt Nam chỉ mang tính tương đối, đôi khi chỉ vì tên của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đó. Trong khi đó, yếu tố kinh doanh trong mùa Covid-19 mang tính thời điểm. Không phải doanh nghiệp y tế nào cũng có thể sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu chống dịch, hoặc quy mô sản xuất nhỏ, lợi nhuận không tạo được thay đổi đột biến. Những công ty thật sự có lợi thế trong thời điểm này lại chưa niêm yết cổ phiếu, chẳng hạn các công ty thương mại điện tử, công ty sản xuất thiết bị y tế chuyên dụng.
Kể từ đầu tháng 2 đến nay có khá nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường, nhưng đều không liên quan đến các yếu tố mang tính cơ bản như đề cập ở trên. Cổ phiếu tăng giá chỉ đơn thuần được đầu cơ đủ mạnh trong một thị trường kém thanh khoản. Đây không phải cuộc chơi có tên “ai thông minh hơn ai”, mà là cuộc chơi mang tên “ai mạnh tiền hơn ai” và “ai liều hơn ai”.
Lấy thí dụ trên sàn HSX, kể từ sau Tết đến nay, có 13 cổ phiếu sinh lời từ 20% trở lên, trong khi VN Index sụt giảm 28%. Đó không phải các trường hợp tăng giá vì sự thông minh của nhà đầu tư như cổ phiếu Zoom, mà là GAB, một công ty chủ yếu kiếm lợi nhuận từ sản suất gạch, AMD công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, hay QCG công ty bất động sản... Yếu tố đầu cơ trên thị trường Việt Nam quá lớn dù không khó để đánh giá chất lượng tài chính cơ bản của những cổ phiếu đi ngược thị trường như vậy. Thậm chí, nhà đầu tư còn coi nhiều cổ phiếu trên sàn thuộc loại “không thể phân tích” vì biến động giá hoàn toàn trên cơ sở đầu cơ.

Chú ý dòng tiền mặt
Trong thị trường giá xuống hoặc khủng hoảng, chiến lược đầu tư của Warrent Buffet thường được đề cập nhiều, với câu nói nổi tiếng “hãy tham lam khi người khác sợ hãi”. Tuy nhiên cũng rất nhiều nhà đầu tư phá sản vì câu nói này. Lý do đơn giản là sự nhầm lẫn giữa hoạt động đầu tư đúng nghĩa và đầu cơ.
Xác định thời điểm là điều tối quan trọng cho cả hoạt động đầu tư lẫn đầu cơ. Tuy nhiên đầu cơ phụ thuộc hoàn toàn vào việc mua giá thấp, bán giá cao trong một giai đoạn ngắn. Do đó việc xác định quá sớm thời điểm sẽ dẫn đến khoản thua lỗ rất lớn trong giai đoạn đầu và tài khoản không chịu đựng được. Trong khi đó, đầu tư thật sự dựa nhiều hơn vào phân tích chất lượng doanh nghiệp trong khoảng thời gian rất dài, tính bằng nhiều năm thậm chí cả thập niên. Vì thế, việc xác định đúng thời điểm giúp tối đa hóa lợi nhuận, chứ không mang tính quyết định về lợi nhuận trong cả giai đoạn nắm giữ.
Hiện tại, thị trường đã nằm trong giai đoạn tâm khủng hoảng do dịch Covid-19. Đặc điểm của thị trường hiện tại không giống với các chu kỳ khủng hoảng 2008 hay 2001, với các nguyên nhân cụ thể là bong bóng một loại tài sản nào đó. Các giải pháp tài chính khi đó, như mua tài sản xấu trong giai đoạn 2008, có thể phát huy tác dụng và nhà đầu tư có thể dự đoán được. 
Tình hình dịch bệnh không biết sẽ kéo dài bao lâu. Trong các cuộc khủng hoảng trước, thương mại, giao thông, sản xuất vẫn có thể hoạt động dựa trên kích thích kinh tế. Lúc này thị trường lẫn nhà đầu tư, người tiêu dùng không thiếu tiền, nhưng cũng không thể tiêu dùng bình thường được. Khi dừng sản xuất, thương mại đình đốn, dòng tiền mặt của doanh nghiệp sẽ dừng lại, trong khi nhiều chi phí vẫn phải trả. Do đó yếu tố quyết định trong lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư trước hết phải là doanh nghiệp đó có sống sót được nếu dịch bệnh kéo dài hay không. 
Yếu tố quan trọng nhất là nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp nợ càng nhiều mà hoạt động kinh doanh dừng lại khó khăn sẽ gấp bội, thậm chí phá sản. Do dịch bệnh đột ngột xuất hiện nên không nhiều doanh nghiệp có kế hoạch dự phòng thanh khoản cho tình huống này. Đặc biệt các doanh nghiệp có dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, kể cả khi dịch bệnh chấm dứt, hoạt động sẽ khó trở lại bình thường ngay lập tức.
Yếu tố lợi thế là lượng tiền mặt sẵn có. Các tài sản đầu tư ngắn hạn cũng không nên được đánh giá cao, vì có thể thay đổi theo thị trường, cũng như khả năng chuyển thành tiền mặt khó khăn. Các khoản cho vay ngắn hạn hay ủy thác đầu tư cũng hoàn toàn có thể “hóa hơi”. Tiền mặt luôn là vua lúc này. Dư giả tiền mặt không chỉ giúp doanh nghiệp sống sót, còn có cơ hội thâu tóm, mua tài sản giá rẻ. Thậm chí trong các thị trường phát triển, khủng hoảng là cơ hội mua bán sáp nhập, định hình lại thị phần.
Các tiêu chí định giá như P/E (tỷ lệ giá trên thu nhập) lúc này không có nhiều ý nghĩa, vì E (thu nhập) chịu tác động bất thường và rất dễ thay đổi. Giá cổ phiếu sụt giảm không có nghĩa rẻ, trừ khi doanh nghiệp tồn tại qua khủng hoảng và có tiềm lực để phát triển nhanh hơn các doanh nghiệp khác khi kết thúc khủng hoảng. 

Các tin khác