Với diễn biến Covid-19 vẫn phức tạp như hiện nay, thì khó có thể chắc chắn việc gì ở phía trước, nhưng TPHCM cũng quyết tâm thực hiện lộ trình 3 mở cửa đô thị lớn nhất phương Nam theo 3 giai đoạn: giai đoạn một từ 1-10-2021 đến 31-10-2021, giai đoạn hai từ 1-11-2021 đến 15-1-2022 và giai đoạn ba từ ngày 15-1-2022 về sau.
Điều cần cân nhắc là khôi phục đời sống theo “vùng xanh” hay theo “thẻ xanh”.
Sau khi các tỉnh đưa người lao động ngụ cư trở về quê hương, thì bức tranh chống dịch đã được hình dung tương đối rõ ràng. Những khu vực khống chế Covid-19 nhanh chóng là địa bàn nông thôn có dân cư thưa thớt có khả năng tự cung tự cấp lương thực thực phẩm, hoặc địa bàn phố xá có dân cư thu nhập ổn định không quá lo lắng cái ăn cái mặc. Như vậy, việc thiết lập “vùng xanh” hoàn toàn có thể kiểm soát dễ dàng. Người ở “vùng xanh” thoải mái đi lại và làm việc giữa các “vùng xanh”, còn “vùng vàng”, “vùng cam” và “vùng đỏ” tiếp tục công tác đẩy lùi số ca dương tính trong cộng đồng.
Thành phố Thủ Dầu Một là đô thị đầu tiên của tỉnh Bình Dương nói riêng và của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, chính thức trở lại cuộc sống bình thường mới từ ngày 10-9. Thành phố Thủ Dầu Một đưa ra kế hoạch từng bước cho quá trình bình thường mới.
Trong tuẫn lễ thứ nhất, 14 phường sẽ triển khai theo nội bộ từng phường, người dân phường nào sẽ hoạt động ở phạm vi phường đó. Trong tuần lễ thứ hai, 14 phường sẽ được thông thương, đồng thời kiểm soát chặt người ra vào các cửa ngõ.
Thành phố Thủ Dầu Một cũng mở cửa lại chợ truyền thống và những siêu thị trên địa bàn với điều kiện những tiểu thương kinh doanh bắt buộc phải được tiêm vaccine phòng Covid-19 và thực hiện đúng quy định 5K.
Câu chuyện thành phố Thủ Dầu Một trở thành vùng xanh giữa vùng đỏ chống dịch, nói lên điều gì? Trước hết, nhờ nỗ lực nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ gần 90%. Tiếp theo là nhờ nền tảng kinh tế - xã hội khá vững chắc của địa phương.
Thủ Dầu Một từng là thủ phủ của tỉnh Sông Bé, rồi là thủ phủ của tỉnh Bình Dương, với đại bộ phận cư dân có việc làm và thu nhập ổn định. Khi áp dụng giãn cách, người dân Thủ Dầu Một không quá áp lực cho các gói hỗ trợ an sinh, mà bình tĩnh thực hiện “ai ở đâu ở đó”.
Từ đột phá của thành phố Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương có thể kiến tạo những vùng xanh cho TPHCM không? Người dân TPHCM đã trải qua những ngày phong tỏa kéo dài, càng sớm quay lại bình thường mới thì cuộc sống người dân càng bớt căng thẳng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Tinh thần chung là không chủ quan, nhưng khi đã tiêm hết vaccine, chuẩn bị thuốc men, cơ sở điều trị, TPHCM cần vững tin mở ra chắc chắn nhưng cũng phải rất mạnh dạn”. Còn nếu triển khai cấp “thẻ xanh” thì sẽ phát sinh nhiều vướng mắc khác.
Bởi lẽ, tiêu chí “thẻ xanh” không chỉ dựa vào yếu tố công dân đã tiêm 2 mũi vaccine mà còn căn cứ bệnh nền và tình trạng suy giảm miễn dịch để phân loại nhóm nguy cơ. Bên cạnh đó, tiêu chí “thẻ vàng” cho công dân đã tiêm 1 mũi vaccine cũng không ổn, vì tốc độ và tỷ lệ tiêm vaccine không phải do công dân quyết định.
Áp dụng “thẻ xanh” và “thẻ vàng” trong điều kiện vẫn duy trì chốt gác chằng chịt các nơi phong tỏa, sẽ trở thành một gánh nặng trật tự xã hội. Không khéo, “thẻ xanh” lại mang hình thức của giấy đi đường từng gây nhiều rắc rối.
Chọn lựa giữa “vùng xanh” và “thẻ xanh”, thì giải pháp “vùng xanh” ưu việt hơn và hiệu quả hơn cho quá trình khôi phục nhịp điệu bình thường mới. “Thẻ xanh” chỉ chứng minh thể trạng của một cá nhân, còn “vùng xanh” chứng minh thể trạng của một khu vực.
Mặt khác, giám sát “vùng xanh” dễ dàng hơn giám sát “thẻ xanh”. Người có “thẻ xanh” không đồng nghĩa với sự miễn dịch, họ vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 với triệu chứng nhẹ khi di chuyển sang “vùng vàng”, “vùng cam” hoặc “vùng đỏ”.
Mặt khác, giám sát “vùng xanh” dễ dàng hơn giám sát “thẻ xanh”. Người có “thẻ xanh” không đồng nghĩa với sự miễn dịch, họ vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 với triệu chứng nhẹ khi di chuyển sang “vùng vàng”, “vùng cam” hoặc “vùng đỏ”.
Muốn sống chung lâu dài với Covid-19, phải từng bước tạo ra “vùng xanh”. Ngoài ý thức tuân thủ 5K, thì số “vùng xanh” sẽ tăng lên theo mức độ phủ sóng vaccine. Hiện nay, người dân cả nước đều có nhu cầu sớm được tiêm vaccine để trở lại cuộc sống bình thường mới. Trong khi chờ đợi vaccine do Việt Nam sản xuất được đưa vào sử dụng, thì mọi nguồn lực “ngoại giao vaccine” đang huy động tích cực.