Dễ tiếp cận với chi phí hợp lý
Thời đại công nghệ 4.0, mạng internet đã mở ra cơ hội tăng trưởng cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Trong giáo dục cũng vậy, xu hướng học tập trực tuyến nở rộ, bởi có thể giúp người học trong nước tiếp cận được nguồn tri thức quốc tế mà không phải xuất ngoại khi học, với chi phí ở mức cũng khá hợp lý.
Ông Trần Tam Anh, nhân viên hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline), người từng theo học chương trình MBA của Trường Đại học UBIS Thụy Sĩ (University of Business & International Studies), chia sẻ: “Ưu điểm của phương pháp học trực tuyến như tiết kiệm thời gian, chi phí, có thể chủ động trong học tập… nhưng bản thân phải có tính tự giác cao và phải quản lý được thời gian thật tốt.
Tôi đăng ký học 2 môn, nhận thấy kiến thức tiếp thu khá tốt, đồng thời cách học cũng khác nhiều so với cách học trước đây, với học phí trọn gói 5.400USD. Khi đó, tôi ký 3 hợp đồng với UBIS, là nơi trực tiếp đào tạo học viên; với bên tư vấn để biết nắm rõ thông tin chương trình học, pháp nhân trường, giá trị tấm bằng do trường cấp, nơi hỗ trợ việc học, cách thức học thành công chương trình…; và với Viện Quản lý Kinh doanh Quốc Tế (IBM) về việc hỗ trợ học tập, cung cấp kiến thức giúp học viên tiếp cận với phương thức học tập mới”.
Đó là học phí của trường này cách đây 7 năm, còn hiện tại, mức học phí trọn gói chương trình MBA trực tuyến của trường vào khoảng 7.000USD, gồm lệ phí tư vấn 250USD, học phí của IBM 1.200USD và học phí bên UBIS 5.400USD. Thời gian học từ 16-18 tháng, nhưng do học theo tín chỉ nên người học nếu cần có thể tăng tốc hoàn thành sớm.
Người học cũng có thể đăng ký trực tuyến với UBIS mà không cần thông qua sự hỗ trợ của IBM, hoặc bên tư vấn nhằm giảm thiểu chi phí học tập, nếu cảm thấy tự tin về kiến thức phục vụ cho mục tiêu học tập trực tuyến.
Thận trọng “trường ma”, kém chất lượng
Khảo sát thực tế của ĐTTC cho thấy, tại TPHCM hiện có khá nhiều chương trình học tập trực tuyến của các trường nước ngoài, đặc biệt là đối với chương trình học lấy bằng thạc sĩ quốc tế. Tuy nhiên, rất ít chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (GD-ĐT) công nhận, trong khi quốc tế “muốn thì được”.
Ông Nguyễn Quang Tánh, Giám đốc CTCP Dịch vụ Đào tạo và Tư vấn Du học, học trực tuyến đang trở thành xu hướng khi mỗi ngày có từ 10 đến 20 lượt người đến công ty tìm hiểu thông tin về các chương trình học, nhất là các chương trình đào tạo MBA của các trường đại học nước ngoài.
Tuy nhiên, do trước đây đã có rất nhiều người chọn nhầm “trường ma”, trường kém chất lượng đến khi cấp bằng mới biết là bằng giả và bằng không có giá trị quốc tế. Do vậy đối với những trường nước ngoài, người học cần xác nhận 2 thông tin: trường được Bộ Giáo dục của quốc gia đó công nhận và được tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín công nhận hay không.
“Người học cũng nên chọn trường có thứ hạng phù hợp với năng lực và tài chính để theo học. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, việc học trực tuyến là phương pháp rất phù hợp cho những người bận rộn đang làm tại công ty nước ngoài hoặc doanh nghiệp trong nước. Nếu không bắt buộc bằng MBA phải được Bộ GD&ĐT công nhận thì hình thức học này sẽ là lựa chọn tốt về chi phí, thời gian, kiến thức quốc tế…” – ông Nguyễn Quang Tánh khẳng định.
Theo khuyến nghị của TS Phạm Quang Vinh, Viện trưởng Viện IBM, trước khi đăng ký học trực tuyến các chương trình của các trường nước ngoài, học viên cần xác định rõ nhu cầu học để làm gì. Mục đích học để tiếp thu tri thức quốc tế phục vụ cho nhu cầu công việc, phát triển bản thân, hay nhằm có thêm tấm bằng bổ sung vào hồ sơ làm việc để được tăng lương…
“Khi đã chọn được trường có tổ chức kiểm định cao, xác định được mục tiêu học và khả năng của mình hiện tại có đủ sức tham gia chương trình hay không, lúc đó người học mới quyết định tham gia chương trình.
Bằng cấp không phải là phép màu giúp bạn thành công trong cuộc sống hiện tại, mà nó là một quá trình tích lũy kinh nghiệm, học tập nghiêm túc, tích cực nghiên cứu và ứng dụng kết quả vào trong công việc của mình. Vì thế, học chương trình trực tuyến hay tại chỗ không quan trọng bằng cách thức và thái độ tham gia chương trình đó” - TS Phạm Quang Vinh.