Chống chuyển giá: Pháp luật cần chặt chẽ hơn

Tình trạng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện chuyển giá để né thuế thu nhập DN, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, đã gây bức xúc trong cộng đồng DN nhiều năm qua. ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN TRỌNG HẠNH, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, xoay quanh vấn đề này.

Tình trạng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện chuyển giá để né thuế thu nhập DN, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, đã gây bức xúc trong cộng đồng DN nhiều năm qua. ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN TRỌNG HẠNH, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, xoay quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận xét như thế nào về tình hình các DN FDI thực hiện động tác chuyển, tăng đầu vào giảm đầu ra, làm mất lợi nhuận để không phải nộp thuế?

Ông NGUYỄN TRỌNG HẠNH: - Cục Thuế TPHCM đã phát hiện nhiều DN FDI dùng cách nâng khống giá nguyên liệu để làm mất lãi hoặc lãi thấp nhằm trốn thuế thu nhập DN.

Thí dụ giá CIF (giá của bên bán hàng đưa ra đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm) của một tấn nguyên liệu malt (nguyên liệu chính, quan trọng nhất để sản xuất bia) nhập từ châu Âu năm 2010 là 267EUR, tuy nhiên một số DN FDI lại công bố mua từ công ty mẹ với giá 450EUR để báo cáo lỗ, không phải nộp thuế.

Thậm chí giá nguyên liệu các công ty này mua cao đến nỗi trong quá trình hoạt động sản xuất, những đối tác Việt Nam liên doanh ít vốn lại cứ dần mất vốn, sau vài năm phải thoái vốn, “bỏ của chạy lấy người”. Tình trạng né thuế này đã làm các DN FDI làm ăn chân chính và DN trong nước thất thế trong cạnh tranh, làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước vì thuế thu nhập DN là 25% trong khi DN đóng thuế nhập khẩu chỉ có 5%.

Cục Thuế TPHCM đã theo dõi và tìm biện pháp khắc phục để xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng ở TPHCM.

- Qua quá trình theo dõi, Cục Thuế TPHCM đã thu được kết quả thế nào?

- Chúng tôi đã theo dõi và hệ thống suốt 12 năm qua về tình hình của các DN báo lỗ để xem biểu đồ diễn biến của họ về vốn đầu tư, chi phí, doanh thu, lợi nhuận; xem đường biểu diễn như thế nào, qua đó phân tích chuyện lời lỗ.

Trong những năm 2008, 2009, có khoảng 40-44% DN FDI trên địa bàn TPHCM công bố lãi, còn lại báo lỗ và chưa phát sinh doanh thu, cá biệt có khoảng 10% DN báo lỗ liên tục từ 3-11 năm. Cục Thuế cũng đang tập hợp, phân tích DN nào thực sự lỗ do mới đầu tư, DN nào lỗ do thiên tai hay những sự cố bất ngờ khác và số DN lỗ không bình thường, thậm chí lỗ hết vốn, để báo cáo UBND TPHCM, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Đối với DN, trong điều kiện cạnh tranh, điều có lợi nhất là tối thiểu hóa nghĩa vụ nộp thuế ở phạm vi toàn cầu, tối đa hóa lợi nhuận đầu tư toàn cầu để không phải bỏ vốn đầu tư thêm. Do đó, một số DN đã sử dụng các thủ thuật kê đầu vào, hạ đầu ra và đặc biệt chúng ta hay nghe khái niệm “chuyển giá” do thuế thu nhập DN của nước ta là 25%. Hiện nay trên thế giới rất nhiều nước và vùng lãnh thổ có thuế thu nhập DN thấp, thậm chí một số nơi có mức thuế bằng 0%.

Chẳng hạn DN nhập nguyên liệu đầu vào và chi phí của quá trình sản xuất với giá thành 1.000 đồng/sản phẩm, bán ra 1.100 đồng/sản phẩm thì được chấp nhận; nhưng nếu sản xuất 1.000 đồng xuất qua chi nhánh ở vùng có thuế suất thấp với giá bằng chi phí sản xuất, từ chỗ chia suất bán ra cho khách hàng giá 1.100 đồng, phần lời nằm ở chỗ không bị điều chỉnh thuế thu nhập DN. Cách làm này đã được nhiều DN áp dụng, thậm chí rất nhiều công ty tên tuổi trên thế giới cũng đang làm việc đó.

- Vậy tình trạng né thuế này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nước ta?

DN làm hồ sơ thuế tại Chi cục Thuế TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

DN làm hồ sơ thuế tại Chi cục Thuế TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

- Tất nhiên, khi DN né thuế bằng phương pháp này, phần thiệt hại sẽ thuộc về phía Nhà nước và các DN trong nước, bởi vì việc né thuế sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các DN, gây thất thu ngân sách và góp phần gây ra tình trạng nhập siêu (do DN nâng khống giá).

Đồng thời, các DN trong nước liên doanh hoạt động sẽ chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí mất cả vốn. Tuy nhiên, đối với những DN có hành vi né thuế, tình hình sản xuất cũng sẽ có nhiều bất ổn, nhất là tiềm ẩn nguy cơ đình công, bởi khi DN báo cáo lỗ họ có lý do để không tăng lương cho công nhân.

- Như vậy, cần có những biện pháp nào để giải quyết triệt để tình trạng này?

- Để giải quyết, cần phải có những định chế pháp luật, không chỉ có giá trị trong nước mà còn có giá trị quốc tế, làm sao để xác định được giá đầu vào, giá đầu ra được thị trường chấp nhận để có thể áp đặt, buộc DN thực hiện đúng giá thị trường. Hiện nay, các văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề này của nước ta chỉ mới ở cấp thông tư.

Vì vậy, khả năng điều chỉnh sẽ va chạm, gây tranh tụng trong nước và quốc tế rất lớn. Khi chưa có hệ thống luật pháp chặt chẽ, nếu đụng chạm, kéo ra tranh tụng trước tòa, chúng ta dễ nhận phần thua.

Cho nên chúng tôi đang kiến nghị phải sớm xây dựng những định chế pháp luật đủ để điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên qua công tác quản lý, thống kê từng năm và tiếp xúc các DN khai lỗ không bình thường, chúng tôi cũng vận động DN bỏ cách làm này để có thể hợp tác lâu dài.

Thí dụ trong năm 2010, Cục Thuế TPHCM trực tiếp làm việc với 40 DN khai lỗ và sau đó một điều đáng mừng là qua báo cáo quyết toán năm 2010, hầu hết DN chúng tôi đã làm việc đều có báo cáo không còn lỗ, lời ít hoặc nhiều.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác