Chống “vàng hóa” và cách làm ngược?

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 là chống “vàng hóa”. Nền tảng cơ bản để chống vàng hóa là tăng cường sức mạnh của đồng nội tệ, nó chỉ có thể thực hiện được khi có một nền kinh tế ổn định vững chắc, một cán cân thương mại lành mạnh và chính sách tiền tệ có hiệu quả. Nhưng thời gian qua NHNN đã điều hành như thế nào?

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 là chống “vàng hóa”. Nền tảng cơ bản để chống vàng hóa là tăng cường sức mạnh của đồng nội tệ, nó chỉ có thể thực hiện được khi có một nền kinh tế ổn định vững chắc, một cán cân thương mại lành mạnh và chính sách tiền tệ có hiệu quả. Nhưng thời gian qua NHNN đã điều hành như thế nào?

Trước tiên hãy bàn việc NHNN độc quyền thị trường vàng miếng và tăng cường mua vàng của dân có phải là một phương sách hữu hiệu để chống vàng hóa? Hiểu một cách giản đơn là như vậy, vì dân còn ít vàng hơn nên hiện tượng vàng hóa sẽ phải giảm.

Theo NHNN, 5 tháng sau khi thực hiện Nghị định 24/CP, các TCTD đã mua lại hơn 60 tấn vàng, tính trung bình mỗi tháng mua hơn 10 tấn vàng. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi cho rằng như vậy có nghĩa vàng đã biến thành tiền, tương đương khoảng 3 tỷ USD để phục vụ nền kinh tế.

Nên nhớ các TCTD mua vàng của dân để trả lại cho dân khi hết kỳ hạn huy động vàng. Điều này cho thấy không hề có sự chuyển đổi vàng thành tiền đưa vào phát triển kinh tế. Thực tế các NHTM mua vàng từ dân xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc đóng tình trạng “thiếu hụt” trong tài khoản buôn bán vàng của các NH này để phục vụ việc người dân rút vàng đã gửi vào hệ thống NH từ trước.

Chủ trương của NHNN chống “vàng hóa” là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ. Điều này đặt ra câu hỏi về việc tổ chức 61 phiên đấu thầu vàng từ ngày 28-3 đến 25-9 đã bán ra thị trường 59,87 tấn vàng quy chuẩn. Bởi càng bán vàng miếng ra thị trường là càng tiếp tay cho “vàng hóa”, đưa một khối lượng lớn vàng vật chất vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân. Như vậy là đi ngược lại mục tiêu chống vàng hóa và chuyển vàng dự trữ trong dân thành VNĐ để phát triển kinh tế không thực hiện được.

Giả sử NHNN chỉ đạo các NHTM hoặc NHNN trực tiếp mua vàng từ dân để chống vàng hóa, điều này không giúp gì được cho mục tiêu chống vàng hóa mà chỉ là việc bơm tiền vào nền kinh tế. Bởi trong điều kiện không cho nhập khẩu vàng, việc mua vàng từ dân sẽ đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn.

Khi cầu tăng mà cung không thay đổi, giá sẽ tăng, tạo ra kỳ vọng về giá vàng tiếp tục tăng, vì nguồn cung khan hiếm hơn sau khi mua mà không có bổ sung. Một hệ lụy khác có thể NHNN đã phải tung tiền ra để hỗ trợ các NHTM mua vàng, như vậy chống vàng hóa bằng cách này tạo thêm rủi ro cho VNĐ.

Thời gian qua do kiềm chế được lạm phát, lượng ngoại tệ mua vào dự trữ nhiều hơn. Song nên thấy do sự khó khăn, đình trệ của nền kinh tế dẫn tới sản xuất bị đình đốn, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm. Điều này cho thấy sự ổn định của tỷ giá không hẳn là hệ quả từ sau khi có Nghị định 24.

Một điều nữa cho thấy trung bình lượng vàng nhập khẩu về Việt Nam trong giai đoạn 1990-2011 xấp xỉ 25 tấn/năm, tức chỉ tương đương 1,5-2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng nhập khẩu so với các mặt hàng khác  như ô tô, xe máy, điện thoại di động, hàng tiêu dùng, xăng dầu… Trong khi đó, vàng là hàng hóa có thể tái tạo ngoại tệ, còn các hàng hóa khác thì không. Do vậy, việc nhập khẩu vàng thời gian qua cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc ổn định tỷ giá.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ một trong những mục tiêu năm nay là “khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”.

Nhưng trong buổi trả lời chất vấn  trước Quốc hội ngày 13-11-2012, Thống đốc NHNN đã thể hiện quan điểm không nhất thiết phải bình ổn giá vàng: “Nếu thấy rằng chênh lệch giá như thế mà phải bình ổn thì rõ ràng không có lý do để bình ổn, kể cả về mặt tác động đối với kinh tế vĩ mô cũng như bản chất của vàng miếng. Liên thông giá vàng là vấn đề chúng ta không đặt ra”.

Như vậy NHNN chấp nhận giá vàng Việt Nam không liên thông với quốc tế. Theo Thống đốc giá vàng trong nước luôn giữ ở mức 41-42 triệu đồng/lượng trong một thời gian là dài là thị trường ổn định? Nhưng thực tế giá vàng trong nước xuống là do giá thế giới giảm từ 1.800USD/ounce xuống còn khoảng 1.400USD/ounce, chứ không phải do đấu thầu làm cho giá vàng trong nước giảm xuống còn 41-42 triệu đồng/lượng. Trong thời điểm đó chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới vẫn ở mức cao khoảng 4- 5 triệu đồng /lượng, có thời điểm gần 7 triệu đồng/lượng.

Chính sách quản lý vàng hiện nay theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Lấy độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng làm nhân tố trung tâm để chi phối các hoạt động khác có liên quan đến vàng, bỏ qua các yếu tố cung cầu của thị trường.

Có thể thấy cơ chế này không làm thay đổi nhu cầu nắm giữ vàng của dân chúng, vì nhu cầu này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đầu tư, cất giữ do tập quán lâu đời và từ sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Việc kiểm soát chặt chẽ và độc quyền nhập khẩu sẽ làm hạn chế nguồn cung, trong lúc cầu không hề suy giảm, sẽ xuất hiện tình trạng giá vàng  trong nước cách xa với giá vàng thế giới. Điều này sẽ là điều kiện cho việc nhập lậu vàng tiêu chuẩn quốc tế để tiêu thụ tại Việt Nam.

Cùng với việc không liên thông được với  giá vàng thế giới sẽ làm xuất hiện yếu tố tắc nghẽn trên thị trường vàng, do vậy khối lượng vàng có giá trị lớn trong nền kinh tế sẽ không đuợc sử dụng có hiệu quả, vì số vàng này chỉ đơn thuần giữ vai trò cất trữ trong bối cảnh nền kinh tế đang thiếu vốn, tích lũy chưa cao.

Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một NHTW nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Tại nhiều nước, mỗi NHTW có tối thiểu 3-4 thương hiệu vàng, mỗi NHTM hay doanh nghiệp lại có thương hiệu vàng của riêng mình chứ không có kiểu NHNN độc quyền sản xuất, kinh doanh và quản lý kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

NHNN chỉ chọn độc quyền SJC là thương hiệu vàng quốc gia, nên trên thực tế đã xuất hiện vàng SJC giả, vàng nhái kém chất lượng. Nếu trên thị trường có nhiều thương hiệu thì tình trạng này đã không xảy ra. Việc quy định chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC gây nên tình trạng sản xuất, gia công không đảm bảo cả thời gian và số lượng, khiến thị trường vàng trở lại chế độ cấp quota để được gia công vàng miếng và cơ chế “xin- cho” giấy phép,  đi ngược lại cải cách hành chính và chủ trương xóa bỏ giấy phép con. Những điều trên đã gây thiệt hại cho cả người dân, TCTD và Nhà nước.

Việc chỉ công nhận một thương hiệu độc quyền vàng miếng đã gây ra tình trạng cùng chất lượng 99.99% như nhau, nhưng các thương hiệu khác có thời điểm lại rẻ hơn SJC trên 3 triệu đồng/lượng và SJC cũng đắt hơn giá thế giới có thời điểm lên gần 7 triệu đồng/lượng là vô lý.

Trên thế giới chưa có NHTW nào độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Hay nói một cách khác là chưa có NHTW lại đi kinh doanh vàng. Trong khi NHNN lại kiêm tất cả vai trò này, trở thành đơn vị kinh doanh vàng.

Ở đây NHNN đã quên vai trò điều hành, quản lý để đi kinh doanh. Mà kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. Trên thực tế không có một đơn vị kinh doanh nào chịu lỗ khi tham gia thị trường.

Do vậy, mục tiêu bình ổn giá là không thực hiện được. Nguyên tắc cao nhất của NHNN khi tham gia thị trường vàng là phải bảo đảm dự trữ ngoại hối quốc gia, không được lỗ. Từ sự ôm đồm đó khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc kinh doanh của NHNN có phù hợp với chức năng vốn có của một cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ? 

Trước khi đấu thầu vào cuối tháng 3-2013, theo một lãnh đạo của NHNN, NHNN dự kiến “bơm” ra khoảng 20 tấn vàng là đủ cho các NH đóng trạng thái vàng, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng trên thực tế số vàng “bơm” ra cho đến nay đã gấp 3 lần dự kiến, có lẽ không phải NHNN không nắm được số dư cho vay vàng cộng với số vàng các NH cần mua để tất toán trạng thái.

Phải chăng NHNN không dự đoán được sức đầu cơ trong nước cũng như nhu cầu của người dân về vàng và sự giảm giá mạnh của vàng thế giới?

Các tin khác